Nhộn nhịp trên công trường Thủy điện Lai Châu

(VOV) -Chẳng mấy chốc bậc thang thủy điện cuối cùng trên sông Đà vào mùa chặn dòng - tích nước - phát điện tổ máy số 1

5 giờ 30.Trời se lạnh. Tiếng xe ì ầm chạy qua khu lán làm chúng tôi thức giấc. Ngoài sân, trời đang dần sáng. Trong bóng núi đen thẫm và màn sương giăng giăng, ánh đèn của chiếc xe chở công nhân vào ca khuất dần. Thọ, anh bạn kỹ sư Công ty Sông Đà 9 thốt lên: "Nhớ cái thời Hòa Bình..."

Thế là chúng tôi chụp lên đầu chiếc mũ bảo hộ, cùng ra công trường... 


Toàn cảnh công trường thủy điên Lai Châu nhìn từ phía hạ lưu
Kỹ sư Thân Trọng Phượng, trưởng ca sáng cho biết: thời gian giao ca chỉ mất 15 phút. Sau đó ai vào việc nấy. Có nếp làm việc từ Sơn La nên guồng máy hòa nhịp nhanh hơn. Công trường vào mùa đổ bê tông đắp đập. Đập thủy điện đổ bê tông đầm lăn (RCC). Cửa nhận nước đổ bê tông thường. Hai đoạn đe quai thượng và hạ lưu như hai triền núi lớn, ôm lấy công trường. Phía bờ phải là cống và kênh dẫn dòng. Phía bờ trái là vách đá tự nhiên với những mái ta luy cao ngất ngưởng đang được gia cố. Nước sông Đà ngoan ngoãn chảy qua cống và kênh dẫn dòng, chờ ngày ngăn sông đợt 2 ( năm 2014). Xe máy tập trung gọn ở khu vực đắp đập, đổ bê tông cửa nhận nước và đào hố móng nhà máy. Hệ thống băng tải do Công ty Sông Đà 5 lắp đặt phục vụ cho việc đổ bê tông đầm lăn chạy ngang dọc trên cao, bớt đi công việc của hàng trăm xe tải. Vì thế, công trường nhìn từ xa có ve vắng.

Nơi nhộn nhịp nhất, có hàng chục xe máy ngày đêm hoạt đông, đang ở dưới sâu, từ xa không thấy được. Đó là nơi đổ bê tông đầm lăn khối C1 - còn gọi là"khối lòng sông" ở độ cao 172,5 m. Tôi tỉ mẩn đếm những xe máy thi công chính, nước sơn còn sáng bóng. Bốn xe tải tải trọng 40 tấn, thường gọi là "Két"(CAT). Ba xe ủi, 4 xe lu lớn, trọng tải 15-18 tấn, 3 xe lu nhỏ... các xe máy phục vụ khác chưa tính. Các xe tải lần lượt nhận bê tông từ miệng phễu trút xuống, chuyển ra mặt đập đổ xuống. Xe ủi san gạt, lu lớn lu nhỏ đầm.  Những nơi tiếp giáp với vác ta luy thì dùng máy đầm tay. Cứ thế ngày đêm nhịp nhàng:  35 phân một lớp. San gạt lu lèn 6 đến 8 lượt, còn lại 30 phân. Gặp Nguyễn Trọng Oánh, Trung tâm thí nghiêm xây dựng Sông Đà đang kiểm tra dung trọng từng lớp bê tông, anh cho biết: Trong khoảng 500 m2, phải kiểm tra chừng hơn 30 điểm. Phải 2500kg/m3 mới đạt yêu cầu. Ngoài ra, cứ mỗi lớp lại có một đội cắt tạo khe dọc... Trên cao, hê thống phun sương do Công ty Sông Đà 9 chế tạo và lắp đặt, phun sương mù mịt đảm bảo nhiệt độ ở vùng đắp theo đúng quy chuẩn.

Xe tải trọng 40 tấn nhận bê tông

Đây là quy trình đã được thực hiện ở công trường đắp đập thủy điên Sơn La. Và tiếp tục được thực hiện ở Lai Châu với mức độ nghiêm ngặt không thay đổi.

Mấy ngày trên công trường, hễ có dịp là chúng tôi lại ra chỗ đắp đập. Sáng, chiều, tối... công trường đều có những vẻ đẹp riêng. Và đẹp hơn cả là những con người đang cần mẫn làm việc. Vui nhất là gặp những người quen cũ. Trương Thị Hường, nhân viên Ban thi công  an toàn, cả hai vợ chồng đều làm ở Sông Đà 9. Cử nhân kinh tế Tạ Quý Đông, đội trưởng đội cơ giới 1, Sông Đà 9.08. Nguyễn Văn Quân, thợ hàn 7/7,quê Nam Trực (Nam Định), đội trưởng đội xây lắp số 5, Sông Đà 6.07, đổ bê tông cửa nhận nước. Nhiều lúc đi trên công trường, có anh lái xe qua giơ tay chào, cũng chẳng kịp nhớ gặp nhau ở đâu, công trường nào, nhưng lòng thấy vui vui...

Việc đổ bê tông đầm lăn khối C1 bắt đầu từ 7/3/2013. Công ty Sông Đà 9.08 cùng với mấy đơn vị khác của Công ty cổ phần Sông Đà 9 là chủ công. Chúng tôi có buổi làm việc lúc 23 giờ với kỹ sư Đinh Văn Đại, giám đốc 9.08 khi Đại vừa ở hiện trường về, quần áo còn lấm lem vữa xi măng. Tác phong của Đại từ thủa thi công thủy điện Sơn La đến nay không thay đổi. Đại tâm sự: ở Sơn La, còn là phó cho Giám đốc Nguyễn Hoàng Cường. Nay lên trưởng,t rách nhiêm nặng nề hơn. Guồng máy mới vận hành, ít nhiều có chỗ chuệch choạc phải nhanh chóng khắc phuc. Đinh Văn Đại khẳng định: Khối C1 sẽ xong đúng tiến độ đề ra. Dường như Đại là người có duyên với công trường. Quần quật ngày đêm như vậy nhưng cười vẫn tươi, mắt vẫn sáng, hàm răng trắng bóng, người ngày càng thon gọn. Công trường có những kỹ sư như vậy,đơn vị có những cán bộ như vậy,có khó khăn nào không vượt qua...

Trao đổi với kỹ sư Nguyễn Hoàng Cường, Tổng giám đốc Công ty Sông Đà 9, chúng tôi chúc mừng Công ty đã có những lớp cán bộ kế cận tin cậy được. Nguyễn Hoàng Cường cho biết thêm: Sông Đà 9 đang triển khai  đắp đập bê tông đầm lăn ở Xê-ca-mản 1(tỉnh Sê-công Lào), Đồng Nai... đồng thời còn tham gia thi công cơ giới ở nhiều công trường khác. Vì vậy, việc đào tạo đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật giỏi chuyên môn, giỏi quản lý rất được coi trọng. Bản thân Tổng giám đốc cũng tranh thủ học thêm về quản lý. Với công trường Lai Châu, dù đã có kinh nghiệm Sơn La, nhưng đắp đập bê tông đầm lăn Lai Châu, Sông Đà 9 cũng mua sắm một loạt xe tải và xe ủi, xe lu mới, tải trọng lớn hơn, công suất lớn hơn để sớm đạt mục tiêu 1 triệu m3 bê tông đầm lăn trong năm 2013. Anh phác ra mấy mốc tiến độ đắp đập thủy điện: Cuối tháng 4 xong khối C2. Khối C3 tháng 5. Tiếp đó là các khối C4 - C5. Kết thúc khối C5, đập thủy điện Lai Châu lên đến cao độ ngưỡng tràn 265,5 m đủ điều kiện để chặn dòng đợt 2. Riêng phần hố móng nhà máy do Sông Đà 9 đảm nhiệm,đến 20/3 bàn giao để đổ bê tông.

Gặp chúng tôi trên công trường, kỹ sư Lương Chí Nam, Phó Giám đốc Ban điều hành dự an thủy điện Lai Châu trao đổi thêm: Ngoài đắp đập thủy điện và đổ bê tông cửa nhận nước, hố móng nhà máy, công trường còn phải thi công hàng loạt phần việc như các công trình xả, khoan phun, khoan cọc nhồi chống thấm đê quai, khoan phun nền đập tràn… Vướng nhất bây giờ là thiết kế chậm. Lương Chí Nam cười vui: Công trường bây giờ vắng vẻ, nhưng khi đã có thiết kế thì lại nhộn nhịp ngay...

Kỹ sư Lê Thiết Hùng, Phó Giám đốc Ban điều hành Lai Châu của Công ty lắp máy 10 (LILAMA 10) tiếp chúng tôi trong trụ sở mới còn ngổn ngang bàn ghế chưa kịp xếp gọn. Hùng khoe: Rút kinh nhiệm Sơn La bãi lắp đặt của LILAMA 10 phải phân tán nhiều nơi gây khó cho sản xuất. Ở Lai Châu, Ban điều hành dự án dành riêng một khu đất bờ trái hạ lưu cầu qua sông cho lắp máy.

Bắt đầu từ 15/4, LILAMA 10 triển khai lắp đặt thiết bị các công trình chính, bao gồm cửa nhận nước, đường ống áp lực... chế tạo thép ốp xả sâu... Tiếp lời Hùng, chúng tôi hỏi anh: Khi nào thì ông vua cần trục 600 tấn xuất hiện trên công trường?

- "15/8 anh ạ"- Hùng cho biết. Và đó cũng là thời điểm lắp đặt đường ống áo lực của 3 tổ máy. Từ 15/9 trở đi, là lắp đặt các thiết bị cơ khí thủy lực của Nhà máy. Điểm mới nữa là ở Lai Châu, LILAMA 10 được giao chế tạo 3 khuỷu cong đường kính hơn 8 m của 3 tổ máy, không phải đặt nước ngoài chế tạo.

... Chẳng mấy chốc bậc thang thủy điện cuối cùng trên sông Đà vào mùa chặn dòng - tích nước - phát điện tổ máy số 1./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Đầu năm trên công trường Thủy điện Lai Châu
Đầu năm trên công trường Thủy điện Lai Châu

(VOV) -Công trường ngày đầu năm rộn tiếng máy vào ra, những công nhân đang nỗ lực hết mình để đảm bảo các mốc tiến độ 2013.

Đầu năm trên công trường Thủy điện Lai Châu

Đầu năm trên công trường Thủy điện Lai Châu

(VOV) -Công trường ngày đầu năm rộn tiếng máy vào ra, những công nhân đang nỗ lực hết mình để đảm bảo các mốc tiến độ 2013.

Thủy điện Lai Châu ra quân đảm bảo tiến độ 2013
Thủy điện Lai Châu ra quân đảm bảo tiến độ 2013

(VOV) -Hôm nay mùng 4 Tt, trên công trường Thủy điện Lai Châu đã ra quân thi đua lao động sản xuất.

Thủy điện Lai Châu ra quân đảm bảo tiến độ 2013

Thủy điện Lai Châu ra quân đảm bảo tiến độ 2013

(VOV) -Hôm nay mùng 4 Tt, trên công trường Thủy điện Lai Châu đã ra quân thi đua lao động sản xuất.

Đắp đập bê tông đầm lăn Thủy điện Lai Châu
Đắp đập bê tông đầm lăn Thủy điện Lai Châu

(VOV) - Thủy điện Lai Châu đã sắp sửa hình thành khi con đập quan trọng nhất đang được Cty Sông Đà 9 gấp rút thi công

Đắp đập bê tông đầm lăn Thủy điện Lai Châu

Đắp đập bê tông đầm lăn Thủy điện Lai Châu

(VOV) - Thủy điện Lai Châu đã sắp sửa hình thành khi con đập quan trọng nhất đang được Cty Sông Đà 9 gấp rút thi công