Nhu cầu và phát triển nhân lực công nghệ thông tin

Phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin là yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định đối với việc phát triển và ứng dụng CNTT

Sáng 25/8, Hội thảo về Nhu cầu và Kế hoạch tổng thể phát triển nhân lực Công nghệ Thông tin Việt Nam (CNTT) được VINASA tổ chức với sự tham gia của đại diện Bộ Giáo dục Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông, các doanh nghiệp phần mềm và các trường đại học.

Trình bày tham luận tại Hội thảo, ông Lê Xuân Bình, Phó Cục trưởng Cục CNTT, Bộ Giáo dục Đào tạo, cho biết, hiện nay Việt Nam đã có 230 trường đại học và cao đẳng có đào tạo chuyên ngành về CNTT, với chỉ tiêu đào tạo là 10.000/năm. Tháng 6/2009 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch tổng thể Phát triển nguồn nhân lực CNTT Việt Nam đến năm 2015 và Định hướng đến năm 2020.

Kế hoạch đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2015 gồm 7 mục tiêu cụ thể. Trong đó, nổi bật là tạo bước chuyển biến đột phá về chất lượng đào tạo nhân lực CNTT ở các trường đại học đạt trình độ và chất lượng tiên tiến trong khu vực các nước Đông Nam Á; đảm bảo khoảng 30% sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học có đủ khả năng chuyên môn, ngoại ngữ để tham gia thị trường lao động quốc tế. Chính phủ sẽ dành 900 tỷ đồng ngân sách để triển khai Kế hoạch này.

Tại Hội thảo, đại diện một số công ty phần mềm cũng chia sẻ kinh nghiệm về đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực CNTT. Theo ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần phần mềm Việt quốc tế (Vietsofware International), tiềm năng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam là rất lớn. Hơn 60% dân số dưới 30 tuổi, tỷ lệ biết chữ cao, là lực lượng lao động dồi dào, trẻ, năng động, có trí tuệ. Giá lao động rẻ so với các quốc gia khác về gia công phần mềm như Trung Quốc, Ấn Độ. Tuy nhiên, ông Tùng cũng cho biết, các công ty, dự án nước ngoài đánh giá cao khả năng làm việc theo nhóm của người lao động. Đây là một điểm còn yếu của lao động Việt Nam.

Ông Bùi Trần Lượng, Phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm Luvina, nêu một số điểm yếu của lao động Việt Nam, như: nhiệt tình nhưng thiếu kinh nghiệm, thiếu kiên nhẫn; thông minh nhưng thiếu tư duy hệ thống.v.v… Vì thế, các chương trình đào tạo nguồn nhân lực, trong đó có nhân lực CNTT cần chú ý đến những nhược điểm của người lao động để khắc phục. Từ đó mới có thể có nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển trong nước và quốc tế./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên