Những bước chân không mỏi trên hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ
VOV.VN - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng mất mát đau thương vẫn còn đó; bởi hàng trăm nghìn liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy hài cốt; nhiều liệt sĩ đã tìm thấy hài cốt, nhưng lại chưa xác định được danh tính. Biết bao gia đình, thân nhân liệt sĩ đang từng ngày, từng giờ mong mỏi tìm được phần mộ của người thân…
Chiến tranh càng lùi xa, thì việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ cũng ngày càng khó khăn hơn. Chính nỗi đau thương, day dứt này là động lực để các Đội quy tập hài cốt liệt sĩ (Đội K) của LLVT Quân khu 9 nỗ lực, cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội, sớm đưa các chú, các anh trở về quê hương.
Trong những ngày tháng 7 này, đối với các gia đình người có công tại các địa phương trên khắp cả nước đều thấy ấm lòng trước tình cảm, sự quan tâm, nghĩa cử tri ân từ chính quyền địa phương. Nhưng riêng đối với gia đình thân nhân liệt sĩ Trần Văn Dũng còn có ý nghĩa lớn hơn, bởi vì sau hơn 60 năm tìm kiếm, chờ đợi cuối cùng hài cốt liệt sĩ Trần Văn Dũng được tìm thấy.
Ông Trần Văn Tùng em trai liệt sĩ Trần Văn Dũng chia sẻ: Gia đình ông đã cung cấp thông tin cho đội K93, Bộ CHQS tỉnh An Giang, đến tháng 9/2023, Đội đã tìm thấy hài cốt của anh mình và đươc quy tập về nghĩa trang Dốc Bà Đắc, Thị xã Tịnh Biên. Sau buổi Lễ cải táng hài cốt liệt sĩ vào ngày 24/7 này, gia đình ông xin được đưa hài cốt anh về an táng tại quê nhà xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang nơi anh đã sinh ra và lớn lên.
“Di nguyện của ba má tôi trước khi mất là phải tìm bằng được hài cốt của anh tôi để đưa về quê nhà. Từ di nguyện đó, anh em tôi phải thuê người đi tìm kiếm, nhưng làm hoài, làm rất nhiều năm mà không tìm được. Cuối cùng chúng tôi phải nhờ đến Đội K93 mới tìm được. Trong lúc tìm hài cốt anh tôi, trời mưa gió quá, nhưng các anh Đội K93 vẫn nhiệt tình, cố gắng dầm mưa để tìm; đào từ sáng tới chiều, đào mở rộng ra để kiếm cho bằng được… Và cuối cùng, may mắn cũng tới với gia đình tôi, chúng tôi đã gặp được anh tôi!”, ông Trần Văn Tùng nghẹn ngào nói.
Đại úy Chau Him, Đội K93, Bộ CHQS tỉnh An Giang, hơn 20 năm gắn bó với công việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, chia sẻ: Thời gian luôn là nỗi lo không chỉ với cá nhân anh, mà là nỗi lo của toàn đội K93, bởi vì thời gian càng kéo dài thì việc tìm hài cốt càng khó khăn hơn. Chính vì vậy, dù nhiệm vụ này có khó khăn, vất vả, phải ăn rừng, ngủ võng, nhưng tôi vẫn phải quyết tâm vượt qua, mong muốn của bản thân là cố gắng duy trì sức khỏe tốt để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này, để sớm đưa các chú, các anh về nơi đất mẹ.
“Công tác tìm kiếm hài cốt rất khó khăn; thứ nhất là đã lâu năm; thứ hai là nếu xói mòn đất, kể cả hài cốt cũng bị trôi. Những chỗ đất đồi, đào rất cực khổ, không đào được bằng máy móc chỉ đào bằng tay, đem máy móc vào người ta không cho đào. Thông tin thì còn, nhưng độ chính xác không có… Có trường hợp người ta chỉ nhớ mang máng thôi. Tôi nhớ có đợt đào ở tỉnh Koh Kong, lúc đó là nắng mùa khô của tháng 2, chúng tôi đào từ ngày này qua ngày khác, 4 tháng trời mới gặp được hài cốt, vừa thấy thôi là chúng tôi quên hết cả mệt mỏi”, Đại úy Chau Him cho biết.
Việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ ở trong nước đã khó, nhưng đối với việc quy tập tìm kiếm hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế bên đất Campuchia lại càng gặp nhiều khó khăn hơn. Bởi thời tiết ở xứ sở “chùa tháp” mùa mưa thì kéo dài nhiều ngày, làm cho việc tìm kiếm hài cốt bị ngưng trệ; còn mùa khô thì nắng, nóng gay gắt, nhưng cán bộ, chiến sĩ ở các Đội K phải tranh thủ tìm kiếm. Ngày xưa, nhiều chiến sĩ hy sinh phải an táng ở rừng hoặc ở vùng núi, nhưng bây giờ khu rừng, núi đó đã bị đô thị hóa, hoặc bị phá đi làm khu công nghiệp, nông trường…
Theo các cán bộ, chiến sĩ ở các đội K, công việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ không chỉ mất rất nhiều mồ hôi, công sức, mà còn đối mặt với đầy rẫy những hiểm nguy bởi bom mìn còn sót lại… Đại úy Thạch Thiệt, Đội K90, Cục Chính trị Quân khu 9 tâm sự: Mặc dù biết công việc nhọc nhằn, khó khăn trên mỗi chặng đường tìm kiếm, phải vượt núi, băng đèo và cả những bữa ăn vội giữa rừng, nhưng chưa bao giờ làm các anh em chùn bước.
“Qua bên Campuchia, Đội mình cũng có làm công tác dân vận, từ từ người dân cũng hiểu được. Trong đó có chú Phương Phát ở tỉnh Kandal, ngày xưa chú cũng từng tham gia chiến đấu với bộ đội mình, nên chú nắm được rất nhiều thông tin, cũng nhờ chú Phát dẫn đường, chỉ mộ… nên chúng tôi tìm kiếm được rất nhiều. Về khó khăn, hiện ở Campuchia đô thị hóa rất là nhanh; những người biết về thông tin mộ chí đa số đều đã mất. Khó khăn tiếp theo là nhiều người vẫn chưa hiểu được việc làm đền ơn đáp nghĩa này, nên có khi họ biết thông tin nhưng họ lại không cung cấp. Sắp tới, đơn vị chúng tôi cũng phải đẩy mạnh công tác dân vận hơn nữa”, Đại úy Thạch Thiệt nói.
Tri ân và tưởng nhớ những người con ưu tú đã hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đã và đang được các lực lượng chuyên trách trên cả nước, trong đó có các đội K của lực lượng vũ trang Quân khu 9 đẩy nhanh tiến độ… cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, tiếp tục hành trình tìm kiếm hài cốt đồng đội, sớm đưa các chú, các anh trở về quê hương.
Cũng như liệt sĩ Trần Văn Dũng, liệt sĩ Dương Trọng Doanh, quê Cao Bằng, đã từng sát cánh cùng với quân dân miền Tây Nam Bộ chiến đấu, hi sinh vì hòa bình độc lập, vì khát vọng thống nhất, vì nghĩa vụ quốc tế cao cả. Sau hơn nửa thế kỷ, hài cốt liệt sĩ Dương Trọng Doanh đã được tìm thấy và đưa về quê hương.
Được gặp lại anh trai của mình trong hoàn cảnh âm dương cách biệt ngay dịp tháng 7 này, ông Dương Trọng Long, Em trai của liệt sĩ Dương Trọng Doanh xúc động nói: “Tôi rất vui mừng vì đã tìm thấy mộ của anh trai ruột của tôi. Chúng tôi cảm ơn các đồng chí ở đơn vị K90 đã dày công để tìm kiếm mộ các anh hùng liệt sĩ của cả nước, trong đó có người thân của tôi là anh Dương Trọng Doanh từ đất nước bạn Campuchia trở về án táng tại đất mẹ quê nhà”.
Trong các cuộc kháng chiến cứu nước, biết bao người con đất Việt đã xung phong lên đường ra trận. Họ ra đi mà không hẹn ngày trở lại, chỉ với mong ước cháy bỏng - hai tiếng hòa bình. Bom, đạn chiến tranh đã khiến thân thể các liệt sỹ không còn nguyên vẹn và thời gian cũng đã làm di cốt chỉ còn ít ỏi. Có thể một thời gian ngắn nữa, nhiều hài cốt của liệt sĩ sẽ hòa cùng vào đất, cát, cây cỏ giữa núi rừng lạnh lẽo. Do vậy, hành trình tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ đang là hành trình chạy đua với thời gian.
Thượng tá Lã Phú Huy, Chính trị viên Đội K90, Cục Chính trị Quân khu 9 khẳng định: “Trước những khó khăn như vậy, chúng tôi cũng xác định quán triệt sâu sắc về quan điểm của Đảng, Nhà nước và Nhân dân và đặc biệt là nguyện vọng của nhân dân đối với việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Chúng tôi cũng khắc phục mọi khó khăn, tìm ra nhiều biện pháp để làm tốt công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ. Dù còn một thông tin ở bất cứ chỗ nào, dù khó khăn đến đâu, cán bộ, chiến sĩ của đội K90 chúng tôi luôn quyết tâm tìm kiếm, quy tập đưa các chú, các anh về với Tổ quốc, với quê hương, đất mẹ”.
Chiến trường năm xưa cũng chính là những nghĩa trang không bia mộ. Bởi đâu đó dưới lòng đất giữa đại ngàn mênh mông là những phần mộ liệt sỹ vẫn chưa được tìm thấy. Đó là lý do khiến hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ vẫn chưa thể dừng lại. Cán bộ, chiến sĩ các đội K đã và đang phải chạy đua với thời gian để sớm đưa các liệt sỹ về bên gia đình, đồng đội, để thế hệ con cháu mãi khắc ghi công ơn những người đã ngã xuống cho đất nước hòa bình, phát triển hôm nay.