Những câu chuyện sau "Gánh hàng rong"

Hàng rong, họ là ai?, sự đa dạng trong kinh doanh, cuộc sống thường nhật, những khó khăn trên con đường mưu sinh, vòng luẩn quẩn: đuổi-chạy-đuổi, sự cảm thông chia sẻ của cộng đồng, ý kiến từ các nhà quản lý, tương lai phía trước…

Tất cả được trả lời một cách toàn diện và nhân văn nhất tại cuộc triển lãm “Gánh hàng rong” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10. 

Bắt nguồn từ một quyết định
Ngày 09-1-2008 UBND thành phố Hà Nội ban hành Quyết định số 02/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý hoạt động bán hàng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội. Theo đó 62 tuyến phố chính, các di tích lịch sử, văn hóa được xếp hạng, các danh lam thắng cảnh là khu vực cấm kinh doanh bán hàng rong.

“Quyết định ảnh hưởng thế nào đến đời sống của những người bán hàng rong và gia đình của họ. Ngay lập tức chúng tôi tiến hành thực hiện dự án nghiên cứu trưng bày “Gánh hàng rong”. Triển lãm là kết quả sau 9 tháng thực hiện với một loạt các hoạt động: nghiên cứu, sưu tầm, tọa đàm, phỏng vấn, ghi âm về công việc, cuộc sống của những người bán háng rong trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Bà Nguyễn Thị Tuyết, giám đốc Bảo tàng cho biết.

Trưởng nhóm nghiên cứu Phạm Kim Ngân xúc động nói: “Nhóm nghiên cứu trực tiếp gặp gỡ và phỏng vấn gần 100 người bán hàng rong, chụp hơn 1.000 bức ảnh, quay hàng chục băng tư liệu. 33 người đồng ý kể câu chuyện cuộc đời mình. Chúng tôi đã theo từng bước chân của họ từ 2, 3 giờ sáng đến 12 giờ đêm trên mọi nẻo đường, đến nơi trọ, về tận quê ghi hình và cảm nhận hết những khó khăn và lý do họ chọn Hà Nội để mưu sinh. Chính điều này đã tạo nên sự khác biệt và lý thú”.

Theo hồi ức của nhà văn Tô Hoài thì: “Thời bà tôi, mẹ tôi, hàng rong đã xuất hiện rồi. Phụ nữ chít khăn mỏ quạ, mặc váy, đi dép Kẻ Noi. Khi tôi còn bé, nó chỉ loanh quanh ngoại thành Hà Nội. Những người sống xung quanh 36 phố phường làm thủ công, làm ruộng hay trồng rau thường kiếm sống bằng nghề bán rong. Họ bán củ khoai, củ sắn hay sản phẩm họ làm được”.

Ngày nay, có hàng nghìn người nghèo với đủ tầng lớp, lứa tuổi, thành phần tham gia vào đội quân bán hàng rong tại thành phố Hà Nội. Họ đến từ các tỉnh lân cận với muôn vàn lý do: thu nhập từ nông nghiệp thấp, không có công ăn việc làm, đất đai hạn hẹp, mất nghề truyền thống.

Hàng hóa và lương thực được chất đầy trên những phương tiện kiếm sống  thường là chiếc mẹt, cái thúng, đôi quang gánh, chiếc xe đạp. Thu nhập của những người bán rong thường không nhiều. Trừ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, mỗi ngày thu khoảng 25-30.000 đồng. Tuy vậy, đó là nguồn thu nhập quan trọng trong sinh hoạt gia đình, con cái học hành, giống má, phân tro... "Trăm thứ bà rằn" trông chờ vào gánh hàng rong.

Quanh năm ngày tháng bám mặt trên đường phố, vai trò phụ nữ trong gia đình được họ hoàn thành như thế nào, Nguyễn Thị Hường, 27 tuổi, Đan Phượng, Hà Nội bán hàng hoa quả cho biết: “ Những người nhà cách thành phố trong bán kính 30km thường sớm đi, tối về để có thời gian chăm sóc gia đình, con cái. Cũng nhiều hoàn cảnh éo le lắm. Vì gia đình mà họ phải lên thành phố kiếm sống, trong khi ông chồng ở nhà bỏ đi lấy vợ khác”.

Vất vả và cực nhọc, suốt ngày hít khói bụi ngoài đường, chẳng ai mong muốn mình sẽ theo nghề bán rong suốt cuộc đời nhưng phần lớn những người được hỏi khi không được phép bán hàng rong trên phố họ sẽ làm gì?. Chẳng một ai đưa ra được câu trả lời chính xác. 

Đa phần những người bán hàng rong thường ít học, rất khó khăn khi tìm việc làm ổn định. Phạm Thị Hảo, 29 tuổi, Đan Phượng cho biết: "Công ty nào cũng đòi hỏi phải có tay nghề và thâm niên. Tôi đi bán hàng theo mẹ từ nhỏ. Giờ chẳng biết chỗ nào đào tạo nghề để xin học”.

Nhiều người quá tuổi cũng sẽ gặp khó khăn khi tìm công việc mới. Bà Bùi Thị Thanh, 45 tuổi, Lý Nhân, Hà Nam nói: “Chỉ có thể làm “ô-sin” được thôi, nhưng đi bán hàng gần 20 chục năm ngoài đường rồi, giờ ở trong nhà quẩn chân lắm. Nếu bị cấm thì lại về quê làm ruộng. Nhưng nhà sáu, bảy miệng ăn  chỉ trông vào mấy sào ruộng thì chết đói mất"

Triển lãm thức tỉnh lòng người
Đó là cảm nhận của đa số những người có mặt tại cuộc triển lãm. Đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc phát biểu: “Xây dựng một thủ đô ngày càng to đẹp hơn, văn minh, hiện đại hơn là điều ai cũng mong muốn. Cá nhân tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định của UBND thành phố. Tuy nhiên, khi thực thi vấn đề này sẽ gặp phải nhiều vấn đề xã hội nảy sinh. Nhất là khi Hà Nội mở rộng, nhiều công dân của thủ đô sẽ sống thế nào khi hàng hóa của họ chưa thể len vào được các siêu thị”.

Rất nhiều bà nội trợ, khách hàng thường xuyên của những gánh hàng rong tìm đến triển lãm như một sự cảm thông, chia sẻ. Bà Nguyễn Thị Nga, 78 tuổi ở phố Hà Trung chân thành nói: “Hàng rong bây giờ phong phú hơn ngày xưa. Người tiêu dùng được lợi nhiều hơn khi cầu thì vừa mà cung thì quá nhiều.   Thành phố cấm bán hàng rong thì chúng tôi vào chợ mua. Nhưng tôi nghĩ họ cũng cần phải kiếm sống. Nhà nước rộng rãi thì người ta được nhờ”

Ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội từng phát biểu: “Hiện, người bán rong không được quy định địa điểm bán nên buộc phải gánh trên phố. Tới đây, thành phố sẽ quy định các khu vực trong ngõ, phố không tên thành chợ tạm, chợ cóc quy tụ hàng rong lại. Chúng ta bảo tồn những gì truyền thống là nét đẹp, nhưng nó phải mang lại hiệu quả kinh tế-xã  hội và phải đúng giá trị thẩm mỹ. Không lẽ những gì lạc hậu cũng phải giữ”.

Công bằng mà nói, hàng rong là một hiện tượng xã hội có tính truyền thống, bởi vậy bao giờ cũng có hai mặt. Việc thực hiện một chủ trương, một quyết định nào đó, cần rất nhiều nghiên cứu thấu đáo. Việc quan tâm đến đời sống của người dân cũng như gắn kết đời sống nông thôn – đô thị là rất cần thiết. Điều quan trọng là các cấp chính quyền ứng xử thế nào với những bất cập đó.  Hàng nghìn số phận đang nương nhờ vào gánh hàng rong và tất cả chúng ta đang nóng lòng chờ đợi một câu trả lời phân minh nhất./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên