Những cây bồ đề khổng lồ 700 năm tuổi ở ngoại ô Hà Nội
VOV.VN - Thật khó tin, khi ngay ngoại thành Hà Nội, trước ngôi đền cổ làng Kiêu Kỵ, là một vườn cây với những cây bồ đề khổng lồ 700 năm tuổi.
Ở trong rừng, chuyện cây cổ thụ ngàn tuổi là bình thường, nhưng giữa thủ đô, có một vài cây tuổi trăm năm đã là sự lạ. Đằng này, cả một vườn với 5 cây khổng lồ, 700 tuổi thì thật khó tin. Thông tin này khiến tôi không thể không tò mò.
Đến xã Kiêu Kỵ, nơi nổi tiếng với nghề dát vàng, dát bạc và giả da, hỏi vườn bồ đề ngàn tuổi ai cũng biết. Vườn bồ đề cổ thụ nằm ở giữa làng, trong khuôn viên rộng lớn của ngôi đền Kiêu Kỵ nổi tiếng.
Cụ Đinh Đăng Thịnh, 76 tuổi, người được dân làng Kiêu Kỵ giao nhiệm vụ trông coi, săn sóc ngôi đền cổ và những “cụ cây” 700 năm tuổi này dẫn tôi đi tham quan ngôi đền và kể tường tận về từng gốc cây bồ đề, đã đứng sừng sững giữa trời 7 thế kỷ.
Đền Kiêu Kỵ thờ vị tướng Nguyễn Chế Nghĩa (1265-1341). Nguyễn Chế Nghĩa là người làng Cuối (Trường Tân, lộ Hồng Châu), sinh ra trong gia đình danh gia vọng tộc. Từ nhỏ ông đã học võ, có sức khỏe phi thường, có tài cưỡi ngựa và dùng giáo dài. Ông tinh thông binh pháp, thiên văn, lại làm thơ, ngâm vịnh thơ rất giỏi.
Vùng đất Kiêu Kỵ có nhiều gắn bó với ông. Hồi làm quan võ, ông luyện quân ở cánh đồng làng Kiêu Kỵ. Sau mỗi trận đánh, ông lại tập hợp quân lính duyệt quân số, tuyên thêm binh lính ở cánh đồng làng.
Khi quân Nguyên tiến đánh nước ta, Nguyễn Chế Nghĩa được Hưng Đạo Vương cử dẫn quân tổ chức phòng tuyến dài 100 dặm từ ải Nội Bàng đến núi Kỳ Cấp ở Lạng Sơn. Khi quân Nguyên tiến vào Thăng Long, ông tổ chức dân binh tiến đánh trại giặc hàng đêm. Trong trận phục kích giặc ở đầm lầy cạnh đồng đay làng Kiêu Kỵ, ông và quân của mình đã tiêu diệt không biết bao nhiêu quân địch.
Khi quân ta tổng phản công, Nguyễn Chế Nghĩa cùng Phạm Ngũ Lão phối hợp tiến đánh quân địch trên sông Bạch Đằng, đánh tan một cánh quân, giết tướng giặc Trương Quân ngay cửa ải Nội Bàng.
Do có công lao lớn trong cuộc chiến đuổi quân Nguyên, Nguyễn Chế Nghĩa được vua Trần phong tước Nghĩa Xuyên Công và gả công chúa Nguyệt Hoa cho ông.
Nguyễn Chế Nghĩa là tướng tài, thuộc hàng quốc thích, đứng đầu ban võ, có lúc kiêm cả Lễ bộ Thượng thư. Khi tuổi cao, ông dâng sớ xin về nghỉ, rồi lập trang ấp ở Hải Dương vui vẻ làm thơ, dưỡng tuổi già. Ông vui sống cuộc đời bình dị, lập chợ Cuối để dân tiện mua bán và lập giáo trường để rèn dân binh.
Bình sinh, Nguyễn Chế Nghĩa là người thẳng thắn, quyết không khoan nhượng với bọn nhũng nhiễu hại dân, nên bị kẻ xấu hãm hại. Một lần, sau khi dự triều hội dâng kế giữ nước an dân, trên đường về, qua đất Kiêu Kỵ, ông bị ám hại, mất ở đất Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm.
Cảm mến đức lớn của bậc công thần, dân Kiêu Kỵ tôn ông làm thành hoàng và lập đền thờ ông ngay khi ông mất.
Trong tâm thức của người dân Kiêu Kỵ và vùng lân cận, đây là một ngôi đền thiêng. Đền từng được vua ban tới 90 sắc phong. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý nhất lại là một vườn cây bồ để cổ thụ. Vườn bồ đề mà trong tâm thức người dân, trong những câu chuyện kể, họ tin rằng, đều đã có tuổi cả ngàn.
Cụ Đinh Đăng Thịnh dẫn tôi đi loanh quanh dưới bóng bát của những tán bồ đề rộng mênh mang ở khuôn viên của ngôi đền. Cụ bảo rằng, lịch sử ngôi đền, lẫn những cây bồ đề này, đều ít được ghi trong tài liệu văn bản, chỉ là truyền miệng, nhưng cụ tin rằng, những lời truyền miệng của những thủ từ đời trước và từ các cụ già, là chính xác.
Theo đó, ngay sau khi Nguyễn Chế Nghĩa mất, người dân làng Kiêu Kỵ đã dựng đền và trồng một loạt cây bồ đề và muỗm. Như vậy, cứ theo truyền miệng của dân làng và những người trông coi đền, thì những cây bồ đề, muỗm trong khuôn viên chùa được trồng từ 700 năm trước.
Tuy nhiên, hiện tại, trong khuôn viên đền, chỉ còn những cây bồ đề, không còn dấu tích cây muỗm nào cả. Ông Thịnh cho biết, hồi kháng chiến chống Mỹ, Công ty Hóa chất Đức Giang sơ tán về Kiêu Kỵ, đặt kho chứa hóa chất trong khuôn viên đền. Đó là lý do khiến 8 cây muỗm khổng lồ, thân to vài người ôm bị chết. Điều lạ là những cây bồ đề không hề bị ảnh hưởng bởi các loại hóa chất độc hại. Ông Thịnh dẫn tôi đến những khoảng trống rộng trong khuôn viên đền, xen kẽ giữa những cây bồ đề và bảo rằng khu vực đó từng là nơi có những cây muỗm khổng lồ.
Các nhà khoa học đã có vài lần về đền Kiêu Kỵ nghiên cứu về 5 cây bồ đề. Các nhà khoa học đã dùng máy móc đo đạc và thấy rằng, những cây bồ đề cao từ 25-30m, đường kính từ 2-3m, tán của 5 cây bồ đề tỏa bóng mát cho một khu vực rộng cả héc-ta. Tuổi thọ của cây chưa được xác định bằng phương pháp khoa học, nhưng cũng phải nhiều trăm năm tuổi.
Loài bồ đề có cả rễ cọc lẫn rễ chùm, nên bám vào đất cực kỳ chắc chắn. Theo lời ông Thịnh, thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Mỹ, nhiều lần pháo, bom bắn phá đền, song chỉ làm gẫy được những cành bồ đề mà thôi. Gỗ bồ đề khá giòn, nên bão to gió lớn, cành gãy khá nhiều. Tuy nhiên, sức sống của nó rất mãnh liệt, nên cành mới nhanh chóng mọc ra.
Từ xa xưa, người dân quanh làng Kiêu Kỵ thường trèo lên ngọn cây, dùng dao chém vào cành để cây bồ đề tiết ra nhựa. Người ta dùng nhựa bồ đề để bẫy chim, cò rất hiệu quả. Những người làm thuốc cũng thường xuyên trèo lên ngọn bồ đề lấy cây tầm gửi về chế thuốc. Tuy nhiên, từ chục năm nay, những “cụ” bồ đề này được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt, nên không ai được trèo lên cây nữa.
Trong số 5 “cụ cây” 700 tuổi trong khuôn viên đền Kiêu Kỵ, thì có 1 “cụ cây” có nguy cơ “hóa” trong vài năm nữa. Lý do không phải “cụ cây” này chết già, mà chết vì bị một cây sanh quấn lên, trùm kín.
Theo cụ Thịnh, cách đây khoảng 20 năm, cây sanh này mọc lên từ hốc nhỏ trên thân cây bồ đề. Ngày đó, những “cụ cây” bồ đề chưa được coi trọng thực sự, nên không được chăm sóc, dọn dẹp thường xuyên, do đó, không ai nhổ cây sanh nhỏ này đi. Không ngờ, loài sanh lớn nhanh như thổi, ngoảnh đi ngoảnh lại, không ngờ, nó đã thả rễ, mọc cành, quấn quện bọc kín cây bồ đề. Nửa thân, cành cây bồ đề 700 tuổi đã bị cây sanh “ăn thịt”. Việc phá hay bỏ cây sanh cũng đã được chính quyền, nhân dân bàn thảo, nhưng chưa đi đến thống nhất.
Hàng năm, dân làng Kiêu Kỵ đều mở hội rất lớn ở đền Kiêu Kỵ. Cứ mỗi dịp đến lễ hội đến, những người đức cao vọng trọng trong làng được dân làng tin tưởng giao nhiệm vụ dọn chồi trên thân cây bồ đề. Giống bồ đề mọc chồi khắp thân, từ chồi non, rễ mọc ra tua tủa bao kín thân cây, do đó, mỗi năm phải đục chồi ra, để thân cây sạch, đẹp.
Cố giáo sư, viện sĩ Vũ Tuyên Hoàng cùng nhiều nhà khoa học đã đưa ra ý tưởng thống kê cây cổ thụ ở Hà Nội để chào mừng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội. Ông cho rằng, cây cổ thụ chính là những nhân chứng sống suốt chiều dài lịch sử của đất Thăng Long. Ông đã rưng rưng xúc động khi đứng dưới những tán bồ đề trong đình Kiêu Kỵ và kính cẩn gọi những cây bồ đề khổng lồ ở đây là cụ, là ông cổ thụ, bởi với ông, những “cụ cây” này thật sự là những linh hồn sống./.