Những gia đình khuyết đàn ông ở nơi “bão trắng” tràn về
VOV.VN -“Bão ma túy” chưa thể chấm dứt tại bản Có, Chiềng Xôm và danh sách hộ nghèo khuyết đàn ông chưa biết bao giờ chấm dứt.
Tuy chỉ cách thành phố Sơn La (tỉnh Sơn La) chưa đầy chục cây số, nhưng chỉ sau một cơn mưa nhỏ, bản Có - xã Chiềng Xôm như bị chia cắt bởi con đường sình lầy, bùn nhão nhoét đến đầu gối, không một loại xe nào có thể vào được. Chúng tôi lội bộ theo những phụ nữ bản Có đi chợ về vào bản. Các chị nói rằng bản Có cái gì cũng “có”, kể cả những thứ các chị không muốn, đó là ma túy, gốc rễ gây nên những nỗi đau đeo bám cuộc đời nhiều phụ nữ người Thái ở đây.
Những ngôi nhà vắng tiếng đàn ông
Nghèo “có tiếng” ở bản Có là chị Lò Thị Nga. Gần 40 tuổi, chồng chết do AIDS cách đây 10 năm sau một thời gian dài dính vào ma túy. Từ đó, chị một nách hai con, một người mẹ chồng già hay ốm đau, nay cộng thêm người em chồng 30 tuổi bị AIDS giai đoạn cuối nằm liệt ở nhà.
Không sõi tiếng Kinh, do từ bé chị Nga đã phải bỏ học giữa chừng bởi nhà nghèo. Trong câu chuyện đẫm nước mắt, chị Nga cho biết từ khi chồng chết, chị vừa phải lao động nuôi hai con, người em chồng, vừa lo trả nợ. Con gái lớn Lù Thị Yến sinh năm 1998 đã phải bỏ học đi làm thuê kiếm tiền giúp mẹ nuôi em và chú. “Ma túy đã phá nát gia đình tôi. Ngày còn sống, anh ấy theo xã hội đen đi làm ăn xa. Chẳng biết anh ấy làm gì nhưng kiếm được đồng nào thì nướng hết vào ma túy. Hết tiền, anh ấy về đòi tôi cho tiền. Tôi không có thì anh ấy túm tóc đánh đấm túi bụi. Muốn cho con đi học cho bằng bè bạn, nhưng không có tiền, không có rẫy để canh tác. Nhiều khi tôi chỉ biết khóc một mình” – chị Nga sụt sùi.
Cách nhà chị Nga một con dốc nhỏ trơn trượt là gia đình chị Tòng Thị Phấn, năm nay 37 tuổi. Chồng chị cũng chết do AIDS cách đây 2 năm. Một mình chị nuôi 3 đứa con và mẹ chồng đã 73 tuổi cùng món nợ “lãi mẹ đẻ lãi con” khoảng 40 triệu đồng từ khi chồng chị nhập viện rồi qua đời. Trước đây, chồng chị Phấn làm thợ xây, theo bạn bè đi hết bản xa đến bản gần. Ban đầu, anh còn đều đặn đưa tiền cho vợ, sau này thấy anh đi miết mà chẳng có tiền, sức khỏe ngày một yếu đi, chị theo dõi thì biết anh đã dính ma túy.
Khác với chồng chị Nga, chồng chị Phấn rất hiền lành, thương vợ con, không to tiếng bao giờ. Biết mình mắc nghiện, anh quyết tâm đi cai. Nhưng rồi “đâu lại vào đó”. Đến khi anh chết, đi làm xét nghiệm thì may mắn là chị và các con không ai bị lây nhiễm HIV. Hiện tại, niềm an ủi lớn lớn của chị Phấn là cả 3 đứa con đều ngoan ngoãn, học giỏi, trong đó đứa con gái lớn đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Tây Bắc.
Chị bảo, từ bé đã mồ côi mẹ, lớn lên với nương ngô giờ cũng chỉ biết ngô, bởi chị không biết buôn bán để xuống thành phố kiếm sống. Mỗi tháng chị kiếm được khoảng 1 triệu đồng, chi phí cho con học hành từ 400 – 500.000 đồng. Chị Phấn chia sẻ, nhiều lúc cũng thấy rất mệt mỏi, tủi cực, nhưng được mẹ chồng và các con động viên, an ủi nên niềm vui đã trở lại. Cứ nghĩ đến ma túy và bóng những người đàn ông “dặt dẹo” trong bản, chị lại rùng mình, ớn lạnh.
“Bão trắng” qua đi, cái nghèo ở lại
Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Xôm Lèo Văn Hưởng cho biết, toàn xã hiện có khoảng 30 cháu mồ côi, nhiều cháu mất cả cha lẫn mẹ và chủ yếu là do “cái chết trắng”. “Mặc dù tệ nạn ma túy tại địa phương có giảm những năm gần đây, nhưng hậu quả của nó thì quá ghê gớm. Nhiều em nhỏ trong xã mồ côi cả bố lẫn mẹ phải ở với ông bà đã già yếu. Ngoài khó khăn về điều kiện sống, các em còn mang một nỗi mặc cảm lớn khi có bố, mẹ chết do ma túy hay HIV/AIDS. Nhiều chị em có chồng mất từ khi còn rất trẻ và cứ thế lăn lộn với cuộc sống nghèo đói, sự kỳ thị từ phía cộng đồng để kiếm tiền nuôi con nên rất cơ cực, trong khi hầu hết lại ít học, thậm chí có chị không biết tiếng Kinh” – ông Hưởng chia sẻ.
Ông Quàng Văn Thủy, phụ trách văn hóa xã Chiềng Xôm cho biết thêm, khi những trụ cột gia đình chết do ma túy, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai của người vợ. Theo đó, những gia đình khuyết đàn ông như thế này “nghiễm nhiên” trở thành hộ nghèo với những món nợ do chữa chạy cho chồng khi còn sống. “Ở đây ai cũng biết hoàn cảnh của các chị, song hầu hết người dân trong bản đều nghèo nên chỉ giúp họ được phần nào mà thôi” – ông Thủy nói.
Nếu “tích lũy” từ nhiều năm qua, đã có hàng chục chị có chồng chết do ma túy tại Chiềng Xôm và vệ lụy của nó kéo theo là vô cùng nặng nề. Theo ông Lèo Văn Hưởng, trước năm 2006, địa phương là một trong những điểm nóng về tệ nạn ma túy với trên 150 người nghiện nằm trong diện quản lý. Qua công tác đấu tranh, vận động, hiện số người nghiện của xã giảm, song vẫn còn trên 20 người mắc nghiện và nhiễm HIV thuộc diện quản lý; còn những đối tượng vãng lai thì rất khó kiểm soát, thậm chí họ biết bản thân bị nhiễm HIV nhưng không chịu “lộ diện”.
Thế nên, “bão trắng” chưa thể chấm dứt tại bản Có và Chiềng Xôm, cũng như danh sách hộ nghèo như chị Nga, chị Phấn sẽ chưa biết bao giờ chấm dứt./.