Những khó khăn xây dựng nông thôn mới tại Hòa Bình
VOV.VN - Sau hơn 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, diện mạo khu vực nông thôn ở tỉnh Hòa Bình đã có nhiều đổi thay. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu Chính phủ đề ra đến năm 2025, xây dựng nông thôn mới tỉnh Hoà Bình vẫn còn gặp nhiều khó khăn và thách thức.
Pà Cò là xã vùng cao của huyện Mai châu, tỉnh Hòa Bình. Thời gian qua, nhiều chương trình, đề án đầu tư hỗ trợ cho đồng bào Mông nơi đây. Bộ mặt nông thôn vùng cao ở Pà Cò đã có nhiều khởi sắc, thế nhưng, để đạt 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới thì quả thực rất khó đối với một xã vùng cao. Dù cấp uỷ, chính quyền địa phương đã đổi mới tư duy, tìm hướng phát triển kinh tế cho người dân như làm du lịch homestay, thành lập tổ, nhóm dệt thổ cẩm truyền thống, nhưng thu nhập của người dân mới chỉ đạt 16 triệu đồng/người/năm. Cùng với đó, do hủ tục tảo hôn của đồng bào dân tộc vùng cao ở Pà Cò vẫn còn, nên để đạt được tiêu chí này đang là nỗi lo của chính quyền địa phương.
Ông Sùng A Sía, Chủ tịch UBND xã Pà Cò huyện Mai Châu cho biết: "Tiêu chí 16 về văn hóa không biết có đạt được không vì liên quan đến tảo hôn, sinh con thứ ba. Từ giờ đến cuối năm, nếu không có trường hợp nào mới đạt được tiêu chí này".
Dù không còn nạn tảo hôn, nhưng xã Hùng Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình cũng vấp phải những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới. Vừa được thành lập trên cơ sở sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của 3 xã. Trước thời điểm sáp nhập, mới chỉ có một trong ba xã đạt chuẩn nông thôn mới. Nay xã mới Hùng Sơn có 12 thôn thì 5 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Theo đánh giá của ông Nguyễn Khắc Thành, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn, đến nay xã mới hoàn thành 14/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Tiêu chí về nhà ở dân cư của xã không hoàn thành, vẫn còn trên 10 ngôi nhà tạm.
Ông Nguyễn Khắc Thành, Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn huyện Kim Bôi chia sẻ: "Riêng tiêu chí 02 về giao thông và 06 về cơ sở vật chất thì cần phải có nguồn lực tài chính của các cấp, các ngành thì mới có thể thực hiện được".
Khó khăn tại xã Hữu Lợi của huyện Yên Thuỷ lại khác. Do là xã thuộc diện vùng 2 khó khăn, mặc dù đã có nhiều giải pháp thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, nhưng người dân không có nghề phụ, 90% chỉ sống nhờ rừng trồng, vì thế nguồn lực để phấn đấu về tiêu chí thu nhập vẫn là vấn đề đau đầu đối với địa phương.
Ông Bùi Xuân Điều, Chủ tịch UBND xã Hữu Lợi huyện Yên Thuỷ nói: "Trong các tiêu chí về đầu tư văn hóa, giao thông, điện... thì Nhà nước có thể đầu tư nhưng về vấn đề thu nhập, hộ nghèo thì đây thực sự là khó khăn...".
Tỉnh Hòa Bình đặt mục tiêu đến năm 2025 có 65% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tương đương khoảng 84 xã/129 xã), 40% đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 10% xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng hiện nay tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới lại giảm so với thời điểm trước khi sắp xếp lại đơn vị hành chính mới. Cùng với đó, những khó khăn sau dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Ông Hoàng Văn Tuân, Phó Chánh văn phòng Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Hoà Bình cho biết: "Thực hiện Nghị quyết tỉnh Hòa Bình (2021-2025) sẽ phấn đấu đạt 70 % xã đạt nông thôn mới và 2 huyện đạt nông thôn mới. Chúng tôi xây dựng kế hoạch dùng nguồn lực của tỉnh và xã hội hóa để đạt mục tiêu. Trong năm nay sẽ phấn đấu thêm 6 xã nông thôn mới và các xã đều đạt 16 tiêu chí".
Theo Quyết định 263/QĐ-TTg ngày 22/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ: "Đến năm 2025, phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, miền núi phía Bắc đạt 60%". Để hoàn thành được mục tiêu Chính phủ đề ra đang rất cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Hòa Bình trong việc chỉ đạo, cũng như bố trí nguồn lực, nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương thì mới có thể thực hiện thành công Chương trình xây dựng nông thôn mới./.