Những khoản lương, phụ cấp nào làm căn cứ đóng BHXH từ năm 2016?
VOV.VN -Trước mắt, tiền lương, mức lương theo cấp bậc và các khoản phụ cấp thỏa thuận được bằng một mức cụ thể nào đó là cơ sở để đóng BHXH.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với nhiều điểm thay đổi quan trọng có ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Theo đó, mức đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ thay đổi từ đầu năm tới. Cụ thể, từ 1/1/2016 đến hết năm 2017, đóng BHXH dựa trên mức lương và phụ cấp ghi trong hợp đồng. Từ 1/1/2018 trở đi, người lao động đóng bảo hiểm dựa trên mức lương, phụ cấp và nhiều khoản bổ sung khác ghi trong hợp đồng lao động. Người lao động sẽ đóng 8% và doanh nghiệp đóng 18%, chiếm 26% lương hàng tháng.
Trả lời phóng viên sáng 25/12 về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Phạm Minh Huân cho biết đã nhận được nhiều thông tin trái chiều của các doanh nghiệp về thay đổi mức đóng BHXH. Hiện Bộ LĐTBXH đang làm việc với BHXH Việt Nam để sớm ban hành thông tư về việc này. Trường hợp đến 1/1/2016 chưa ra được thông tư, thì sẽ thực hiện tạm thu trong tháng 1/2016.
Thứ trưởng Phạm Minh Huân trả lời báo chí sáng 25/12 |
PV: Ông giải thích thế nào khi ngày 1/1/2016 đến gần mà chưa có thông tư quy hướng dẫn thực hiện việc đóng BHXH theo Luật mới?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Hiện thông tư đang được lấy ý kiến từ các địa phương. Bản thân tôi cũng mong muốn nhanh chóng ban hành, nhưng cũng muốn các địa phương, Bộ ngành đóng góp ý kiến.
Không phải Bộ LĐTBXH không quyết tâm thu BHXH theo quy định mới từ 1/1/2016. Tất cả văn bản pháp luật ban hành rồi thì phải làm. Tuy nhiên, doanh nghiệp còn nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng áp lực chi phí đầu vào tăng quá lớn, cho nên Bộ phải cân nhắc. Ngay chuyện tập hợp được mấy chục khoản phụ cấp, lựa chọn các khoản phụ cấp nào đóng BHXH, còn phụ cấp nào gắn với trả lương là việc không hề dễ dàng.
PV: Ông có thể làm rõ các khoản lương và phụ cấp nào sẽ làm căn cứ thu BHXH?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Giữa lương và bảo hiểm có liên quan với nhau. Trong vấn đề lương, tôi đã ký Thông tư số 47 khắc phục những vấn đề các doanh nghiệp “kêu”, làm sao để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn.
Theo quy định của pháp luật là đóng BHXH dựa trên tiền lương. Tiền lương theo khái niệm của luật gồm mức lương, các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung. Hiện nay trong thông tư đã “chẻ” rất rõ là đóng bảo hiểm trên mức lương; các khoản phụ cấp thì chúng ta biết, hiện nay tổng hợp trên thực tế các doanh nghiệp đặt tên rất khác nhau và có khoảng 30 – 40 loại.
Trước hết, việc đóng BHXH phải dựa trên mức lương cấp bậc, chức danh theo hệ thống lương của doanh nghiệp đã quy định; thứ 2 là các khoản phụ cấp thể hiện điều kiện lao động, trình độ ngành nghề, yếu tố thu hút mà trong mức lương chưa thể hiện được thì hai bên thỏa thuận và mức phụ cấp đó cũng để đóng BHXH.
Còn một loại phụ cấp nữa hiện nay doanh nghiệp đang tách ra, ví dụ phụ cấp đánh giá trong quá trình làm việc, phụ cấp đánh giá kết quả công việc. Như vậy sẽ rất không ổn định, cho nên trước mắt tập trung vào tiền lương, mức lương theo cấp bậc công việc và các khoản phụ cấp mà hai bên thỏa thuận được bằng một mức cụ thể nào đó để đóng BHXH; các khoản bổ sung sẽ theo lộ trình đến năm 2018. Điều này Bộ rất muốn nghe ý kiến của các doanh nghiệp.
(Ảnh minh họa. Nguồn: KT) |
Tôi cũng đề nghị các hiệp hội doanh nghiệp đánh giá tác động của chính sách BHXH trên 2 mặt. Một mặt chúng ta mong muốn nâng tỷ lệ đóng của người lao động lên để sau này khi nghỉ hưu có mức lương cao hơn. Mặc khác, sẽ làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Bây giờ phải hài hòa việc này và doanh nghiệp phải có đánh giá.
Nhấp nhổm đóng bảo hiểm xã hội theo cách tính mới
Có thể trong trường hợp khó khăn, nhiều doanh nghiệp cũng kiến nghị giãn lộ trình ra, không phải thay vì trong 3 năm chúng ta thực hiện dồn dập. Còn áp lực nữa là hàng năm chúng ta điều chỉnh tăng lương tối thiểu, cho nên chi phí của doanh nghiệp cũng là yếu tố chúng ta phải tính đến, rồi cả chuyện cạnh tranh quốc gia nữa.
PV: Vậy từ 1/1/2016 chúng ta sẽ tiến hành thu BHXH như thế nào khi chưa có thông tư chính thức?
Thứ trưởng Phạm Minh Huân: Bộ đang bàn với BHXH có hướng dẫn tạm thời, ví dụ từ ngày 1/1/2016, khi các văn bản pháp luật ra chưa đồng bộ thì vấn đề đóng bảo hiểm sẽ trên cơ sở nào? Có thể sẽ tiến hành tạm thu trong tháng 1/2016, nhưng mức thu không thấp hơn mức lương tối thiểu. Sau đó sớm hoàn thiện các văn bản pháp luật để việc đóng BHXH theo quy định.
Hoặc tiếp tục cấp thẻ BHYT cho người nghèo trên đối tượng tạm cấp như hiện nay, để người nghèo có bệnh vẫn đến khám chữa bệnh bình thường. Có nghĩa là từ ngày 1/1/2016, mọi việc vẫn phải chạy bình thường nếu như các văn bản pháp luật chưa đồng bộ.
PV: Xin cảm ơn ông!./.