Những lão nông khoác áo Long bào đi cày

(VOV) - Điểm nhấn trong lễ hội chính là việc tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành đi những đường cày đầu tiên trong mùa xuân mới.

Ngày mai (mùng 7 Tết), Lễ hội Tịch điền sẽ được tổ chức tại xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Lễ hội được khôi phục từ năm 2009 nhằm nhằm khơi dậy truyền thống lao động sản xuất, thông minh, cần cù sáng tạo của nhân dân, góp phần xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp. Điểm nhấn trong lễ hội chính là việc tái hiện lại hình ảnh vua Lê Đại Hành đi những đường cày đầu tiên trong mùa xuân mới. Vì thế, người đóng vai vua đi cày được lựa chọn rất kỹ lưỡng.

Người vinh dự 4 năm liền được chọn đóng vai nhà vua để xuống đồng đi những đường cày đầu tiên là cụ Đinh Trọng Tế, 85 tuổi, ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Là người rất quen thuộc với các công việc của nhà nông, cụ đã từng cầm cày từ khi mới 14 tuổi.

Người đóng vai vua đi cày được lựa chọn rất kỹ lưỡng (Ảnh minh họa)

Lớn lên đi bộ đội, rồi trở về địa phương làm công tác xã đội nhưng công việc nhà nông cụ vẫn không ngơi tay trong suốt thời gian dài. Cụ Đinh Trọng Tế cho biết, ngày hội diễn ra, được khoác trên mình tấm long bào, đeo mặt nạ đóng giả vua là niềm vinh dự nhưng cũng không khỏi lo lắng. Nhưng sau đó, cụ lấy lại bình tĩnh, bước từng bước chậm rãi song dứt khoát, một tay cầm roi, một tay giữ tay cày rồi thúc trâu cày thẳng tắp. Phía sau là đoàn người đi vãi hạt giống để cầu một năm mùa màng bội thu.

“Tôi đi theo bố đi cày từ năm 14 tuổi. Trước khi đi cày phải kiểm tra từ cái cày, vai chão có chắc chắn hay không, xem xét lại từ cái thừng, kiểm tra đầy đủ. Từ đó phục hồi lễ hội cổ truyền, giáo dục ý thức làm ruộng, trong tâm tôi cũng rất muốn góp phần phục hồi lễ hội cổ truyền này”, cụ Đinh Trọng Tế nói.

Năm nay, vì lý do sức khỏe nên cụ Tế không thể tiếp tục đảm nhiệm vai trò là người đóng thế vua Lê Đại Hành trong Lễ Tịch điền. Người được chọn để giao trọng trách này là ông Nguyễn Đức Trung, ở xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên. Ông là người có công tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, bảo vệ Tổ quốc. Trở về quê hương, ông cũng gắn bó với sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế trên chính mảnh đất quê hương mình.

Mặc dù rất quen thuộc với công việc nhà nông, nhưng ông vẫn phải tập luyện để có những đường cày đẹp trong lễ hội. Ông Nguyễn Đức Trung chia sẻ:“Tôi rất phấn khởi khi được nhận nhiệm vụ và cố gắng để cho Hội tịch điền thành công, đóng góp thêm một phần cho địa phương. Ngày xưa cày ruộng là công việc bình thường hàng ngày, còn bây giờ trong lễ hội có phần phức tạp hơn vì phải cày cho mọi người xem mà còn phải thể hiện sự chững chạc đàng hoàng của một ông vua. Nên lúc đầu tôi cũng bỡ ngỡ vì đi đứng gò bó, nhưng bây giờ thì thuần thục rồi”.

“Tịch điền” là ruộng dành cho vua cày vào các dịp tế lễ Thần nông hàng năm. Đầu Xuân, nhà vua đến tế lễ cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt và đích thân xuống đồng cày ruộng, mở đầu cho niên vụ mới.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, Lễ Tịch điền trở thành một sinh hoạt văn hóa tâm linh quan trọng, là di sản văn hóa của dân tộc. Một trong những cảnh diễn không thể thiếu trong lễ hội Tịch Điền là việc vua xuống ruộng đi cày đầu xuân. Vua xuống đồng khai xuân bằng đường cày, nhằm thể hiện sự đồng cam cộng khổ, cảm thông và chia sẻ khó khăn cực nhọc với người dân, khuyến khích nhân dân lao động để mọi người ấm no, đất nước thanh bình.

Ông Trần Đình Tiến, Trưởng phòng Văn hóa thông tin, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cho biết, việc tìm ra người phù hợp để đóng vai vua không phải là việc đơn giản. Đó không chỉ là người cao tuổi trong làng mà còn phải là người có uy tín, đức độ, được mọi người kính trọng.

Ông Tiến nói: “Đối với những người đóng thế vua chúng tôi phải chọn những người có nét uy nghi, khoan thai, có phong thái của một ông vua. Những cụ đóng thế vua cũng đã có nhiều công lao đóng góp trong các cuộc kháng chiến của dân tộc và bản thân gia đình chấp hành tốt đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, giữ được mối quan hệ tốt với nhân dân trong thôn, xã”.

Một mùa xuân mới lại về, hòa cùng không khí xuân của đất trời, Lễ hội Tịch điền mang đến một tinh thần mới, một khí thế lao động hăng say mới để nhân dân Hà Nam cùng nhân dân cả nước chung tay phấn đấu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp hơn./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mùng 6 Tết, Hà Nam tổ chức Lễ hội tịch điền
Mùng 6 Tết, Hà Nam tổ chức Lễ hội tịch điền

(VOV) -Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm nay tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn.

Mùng 6 Tết, Hà Nam tổ chức Lễ hội tịch điền

Mùng 6 Tết, Hà Nam tổ chức Lễ hội tịch điền

(VOV) -Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn năm nay tổ chức giải vật Tịch điền Đọi Sơn.

Lễ hội Tịch điền 2011
Lễ hội Tịch điền 2011

Sáng 9/2 (mùng 7 tháng Giêng), rất đông người dân và du khách đổ về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) tham dự Lễ hội Tịch điền năm 2011.

Lễ hội Tịch điền 2011

Lễ hội Tịch điền 2011

Sáng 9/2 (mùng 7 tháng Giêng), rất đông người dân và du khách đổ về xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên (Hà Nam) tham dự Lễ hội Tịch điền năm 2011.

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn
Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Trong hai ngày 19 và 20/2, tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội Tịch điền Đọi Sơn lần thứ hai.

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Lễ hội Tịch Điền Đọi Sơn

Trong hai ngày 19 và 20/2, tỉnh Hà Nam tổ chức lễ hội Tịch điền Đọi Sơn lần thứ hai.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn
Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Sau khi người cao tuổi nhất làng Đọi Xuân được chọn để làm lễ nhập Vua Lê Đại Hành cày xá đầu tiên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong trang phục áo nâu cày xá thứ hai.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết dự Lễ hội Tịch điền Đọi Sơn

Sau khi người cao tuổi nhất làng Đọi Xuân được chọn để làm lễ nhập Vua Lê Đại Hành cày xá đầu tiên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết trong trang phục áo nâu cày xá thứ hai.