Những mô hình hay giúp tai nạn giao thông giảm sâu tại TPHCM
VOV.VN - TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước có Trung tâm điều hành giao thông thông minh. Nhiều khu vực trong trung tâm thành phố được điều hành trực tiếp từ Trung tâm giao thông với 8 kịch bản tự động.
Thời gian qua, tình hình giao thông tại TPHCM có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm đều cả ba mặt qua từng năm. Đến thời điểm này, có thể nói năm 2020 sẽ là năm đầu tiên có số người chết vì tai nạn giao thông dưới 600 người. Đây là kết quả của nhiều giải pháp quyết liệt mà các cấp, các ngành đã triển khai.
Tăng cường xử lý qua hình ảnh
11 tháng năm nay, lực lượng CSGT đã xử lý trên 31.000 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn; riêng trong tháng cao điểm 8/2020 đã xử lý gần 14.000 trường hợp (cả nước 53.000, chiếm ¼ cả nước). Là lực lượng trực tiếp tham gia vào công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông ngoài việc nâng cao nghiệp vụ, hoàn thiện lực lượng theo hướng phục vụ nhân dân, nâng cao tinh thần trách nhiệm đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ. Nhờ đó đã mang lại hiệu quả tích cực. Cụ thể, số người chết do TNGT trong năm 2020 có khả năng dưới 600 người (11 tháng là 514 người chết), thấp nhất trong 20 năm qua. Năm cao nhất là 2002 với 1.410 người tử vong do tai nạn giao thông.
Theo Phòng CSGT đường bộ - đường sắt, Công an TPHCM, dự kiến đến năm 2021, việc xử lý qua hình ảnh chiếm 65% để nâng cao hiệu quả trong công tác xử lý vi phạm.
Thượng tá Huỳnh Trung Phong, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an TPHCM, vừa được điều động làm Giám đốc Công an Quận 6 cho rằng: Dù kết quả đạt được là rõ nhưng cần phải quyết liệt đeo bám hơn bằng quyết tâm chính trị cao nhất.
Thượng tá Phong nói: "Tất cả vi phạm về pháp luật giao thông được xử lý hệ thống thiết bị nghiệp vụ, mang tính khoa học, chuyên sâu, hạn chế sự đối đầu giữa lực lượng cảnh sát giao thông với người dân và người dân cũng có ý thức cao hơn."
Điều hành giao thông thông minh, hạn chế xung đột
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm cho biết, TPHCM là địa phương đầu tiên cả nước có Trung tâm điều hành giao thông thông minh. Nhờ đó, phạm vi 36 km2 ở trung tâm thành phố gồm Quận 1, 3, 4, 5, 10, Tân Bình… và trục Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Đồng Văn Cống, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất được điều hành trực tiếp từ Trung tâm giao thông với 8 kịch bản tự động. Bên cạnh đó, ngành giao thông tổ chức 4 cặp đường “làn sóng xanh” như Điện Biên Phủ - Võ Thị Sáu, Pasteur – Nam Kỳ Khởi Nghĩa…, tức là nếu như một phương tiện chạy với tốc độ 35 – 40km/h thì không phải chờ đèn đỏ, từ đó tối ưu hoá luồng giao thông, hạn chế va chạm ở các nút giao. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, các lực lượng trực tiếp tham gia điều hành giao thông không vất vả như trước.
Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM Trần Quang Lâm nói: "Các đồng chí cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông không phải mất sức như trước đây. Hiện rất ít cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông ở các chốt. Chỉ có các chốt cực kỳ quan trọng thì chúng ta trực để xử lý tình huống. Qua đó thấy rằng các giải pháp công trình xây dựng và công trình khoa học công nghệ thông tin đã đưa vào góp phần giải quyết giao thông rất hiệu quả.
Nhân rộng mô hình hay gắn với thực tế
Ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM cho biết: Các phong trào thi đua đã có kết quả đáng ghi nhận. Tình hình trật tự an toàn giao thông chuyển biến khởi sắc, tai nạn giao thông kéo giảm 3 mặt liên tục nhiều năm liền. Thành công của các phong trào cho thấy, vai trò của người đứng đầu các địa phương, các ngành là rất quan trọng bởi nơi nào mà người đứng đầu quan tâm thì các hoạt động phong trào nơi đó được nâng cao và hiệu quả đảm bảo trật tự an toàn giao thông nâng cao. Vì thế, giai đoạn 2020 – 2025, các phong trào thi đua sẽ tiếp tục được triển khai rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân, với nhiều hình thức đa dạng, nội dung phong phú, phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Nguyễn Ngọc Tường cho rằng việc xử phạt qua camera cần được đẩy mạnh hơn nữa nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân: "Chúng ta sẽ tăng cường hơn nữa trong thời gian tới mô hình xử lý xử phạt qua camera để mọi người dân đều hiểu biết, tự giác chấp hành về pháp luật giao thông. Chúng ta đi tham gia giao thông không phải chỉ thấy công an mới thực hiện tốt, nhưng nếu biết trên các tuyến đường có camera quan sát, theo dõi xử lý xử phạt thì chúng ta sẽ chấp hành nghiêm túc từng bước hình thành và người ta tự giác chấp hành."
Với những giải pháp quyết liệt và hiệu quả, tình hình giao thông tại TPHCM đã có bước chuyển đáng kể, tai nạn giao thông giảm đều trên 5% trên cả ba mặt qua từng năm. Đặc biệt năm 2020, lần đầu tiên số người chết vì tai nạn giao thông xuống dưới mức 600 người. Đây là tín hiệu đáng mừng để TPHCM tiếp tục tự tin triển khai các giải pháp để giảm đến mức thấp nhất tai nạn giao thông, vì sự bình yên của nhân dân./.