Những mùa bánh tét ở Nhị Bình
VOV.VN - Về ấp 4, xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn, TP.HCM những ngày cuối năm như được chậm lại trong một không gian đậm chất nông thôn với những nóc nhà bảng lảng khói. Người dân ở đây cứ đến tầm 20 tháng Chạp là đỏ lửa nấu bánh tét. Có nhà gói 500-600 đòn bánh tét/ngày. Tuy là vậy, nhưng không ồn ã, vội vàng, mà việc ai nấy làm, vui vẻ và ấm áp như cách mà họ đã giữ nghề hơn nửa thế kỷ.
Bà Ích năm nay 83 tuổi, bà vẫn được người dân địa phương gọi thân thương là bà Út Bánh Tét.
Chậm rãi ngồi lên chiếc chõng tre, bà Út vẫn sát sao từng công đoạn gói bánh của các con và trực tiếp gói, vỗ bánh chắc nịch.
“Tôi bắt đầu làm đến nay con tôi 52 tuổi là tôi làm 52 năm rồi. Làm cái gì cũng phải chu đáo, thành ra khách hàng thích, phải lựa lá đẹp như lá chuối hột, lá chuối sứ còn mấy lá tầm bậy là không gói. Gia đình tôi 8 người, cũng dạy con từng bước nó mới làm được. Bây giờ con tôi đứa nào cũng làm được hết rồi, vì mình biết mình già rồi, mình phải truyền lại cho con mình truyền thống”, bà Ích tự hào cho biết.
Anh Nguyễn Minh Trị là con út của bà Ích, nối nghiệp mẹ. Anh Trị đang làm công nhân ở Bình Dương, cứ cuối tuần được nghỉ là tất bật từ sáng sớm đến đêm khuya.
Ký ức tuổi thơ quẩn quanh bên mẹ, nhìn mẹ gói bánh, rồi được mẹ cho gói thử, giao bánh phụ gia đình và những lần bị la vì gói chưa chuẩn đã theo anh đến tận bây giờ.
“Lúc còn đi học cấp 2, đam mê với nghề của má rồi má chỉ cái gì làm nấy. Đầu tiên má chỉ cho lau lá, rồi vo nếp, cách làm nhân. Má dạy xong rồi làm thấy thích, cũng vui nữa”, anh Trị nhớ lại.
Bí quyết gia truyền để chiếc bánh tét ngon, với anh Trị chỉ đơn giản là không chạy theo lợi nhuận. Từ công đoạn chọn gạo, đậu xanh, lá chuối đều phải rất kỹ lưỡng.
Bánh tét gói xong nấu bằng lò củi liên tục khoảng 6 - 7 giờ. Bánh vừa chín tới sẽ được vớt ra, thả vào lu nước lạnh trong vòng 20 phút rồi để ráo. Muốn bánh dẻo thơm, bếp cũng liên tục đượm lửa. Luôn tay châm lửa cho ba nồi bánh, anh Trị chia sẻ.
“Công đoạn nào cũng phải làm rất kỹ. Nếp thì trên thị trường phải chọn nếp loại 1, đậu cũng phải loại 1. Với lại bây giờ sử dụng bếp điện công nghệ nhưng thực sự mà nói nấu bếp củi rất ngon. Tùy theo độ lửa đều đều, nấu khoảng 6 tiếng cho vừa chín thì mới ngon, còn chín quá thì không ngon. Khoảng nửa tiếng phải dở nắp nồi canh, coi có cạn nước thì phải châm nước vô thêm”.
Anh Trị nói, nhà anh có rất nhiều loại bánh nhưng đặc biệt có 3 loại bánh cao điểm nhất là bánh mỡ, bánh thịt, bánh thập cẩm. Đúng ra bánh tét truyền thống thì là nhân mỡ còn sau này phổ biến thêm, có người thích ăn trứng muối, hột điều hay đậu phộng, nhà anh vẫn ráng cập nhật để phục vụ thị trường.
“Nếu mình cột lạt thì phải ngâm trước cho dẻo, xong rồi chẻ tầm chừng 2 – 3 li gì đó sẽ vừa, còn nếu bự quá cột không đẹp. Trong quá trình cột mình phải siết cho chặt nếu siết không chặt, bánh sẽ mềm, mau thiu”, chị Thanh Bình, con gái bà Ích chia sẻ bí quyết.
Lâu lâu nhà bà Ích lại có khách đến đặt mua bánh tét làm từ thiện. Bà khéo tay nên không chỉ gói bánh tét mà còn tự muối thêm cả củ cải, củ kiệu.
Chị Út Hương năm nào cũng tới đặt bánh, không chỉ bởi bánh ngon, mà còn vì cái tình của bà Ích: “Tôi mua bánh má Út lâu rồi. Tôi thấy vị bánh này cực kỳ ngon. Nhân mỡ, nhân trứng muối đều rất đặc biệt. Thường mọi năm dịp Tết, nhà tôi đặt má khoảng 100 đòn để làm từ thiện, nhưng năm nay thì khác. Năm nay tôi thấy kinh tế mọi người ai cũng khó khăn nên má Út nói: “Thêm xíu đi con, má ủng hộ thêm xíu”. Nghe tình cảm rất trân trọng, rất đáng quý. Tôi và má đã quyết định làm 120 đòn để bà con có một cái Tết vui”.
Hơn nửa thế kỷ, 3 thế hệ làm nghề, anh Trị tâm niệm, mẹ còn làm thì vẫn nối bước theo: “Mỗi một gia đình có một nồi thôi. Còn đối với gia đình mình quá trời nồi rồi, bập bùng lửa nên rất phấn khởi mỗi khi Tết đến Xuân về. Mẹ vẫn còn làm thì vẫn nối bước theo. Vẫn ráng cố gắng để giữ cái nghề".