Những ngôi làng thanh bình tại Trường Sa
VOV.VN - Xa đất liền hàng trăm hải lý, ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, có những ngôi làng nhỏ bé, hết sức thanh bình, vẫn có đầy đủ trường học, trạm y tế phục vụ.
Xa đất liền hàng trăm hải lý, ở nơi tiền tiêu của Tổ quốc, có những ngôi làng nhỏ bé, hết sức thanh bình, có đầy đủ trường học, trạm y tế phục vụ. Những cư dân của các ngôi làng ấy đang an cư tại nơi đảo xa và thẳm sâu trong lòng mỗi người dân ấy là tình yêu biển đảo, quê hương, đất nước.
Giữa 4 bề sóng vỗ, tại một góc của hòn đảo Song Tử Tây xinh đẹp, có một ngôi làng nhỏ bé, bình dị, chỉ với 7 hộ dân sinh sống. Họ là những cặp vợ chồng trẻ, với 2 con nhỏ, sống trong những ngôi nhà cận kề nhau, “không có quá nhiều khác biệt”. Có chăng chỉ khác một số vật dụng trong nhà, những loại rau trồng trong vườn, hay số lượng vật nuôi ở trong chuồng. Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, điều kiện kinh tế của những hộ gia đình ở đây cũng không hề chênh lệch.
Hằng ngày, những người đàn ông trong các hộ gia đình tham gia đội ngũ dân quân, đoàn thanh niên, cùng bộ đội tham gia nhiều hoạt động trên đảo. Còn những người phụ nữ ở nhà cần mẫn trồng rau, nuôi lợn, gà và chăm con cái học hành. Khi bóng chiều buông xuống, họ gặp nhau, thong dong đạp xe chở những đứa nhỏ dạo trên những con đường rợp bóng cây, để tận hưởng làn gió biển mặn mòi. Cuộc sống ở đây cứ thế trôi đi từ ngày này qua ngày khác, không ồn ào, vội vã, không đông đúc, nhộn nhịp và không tiếng còi xe.
Chia sẻ với chúng tôi về cuộc sống ở đây, chị Lê Thu Trang - một hộ dân trên đảo cho biết: “Gia đình tôi có 4 người, gồm 2 con nhỏ, một trai và một gái. Chúng tôi sinh sống trên đảo đến nay đã được 3 năm rồi. Tôi thấy cuộc sống trên đảo vô cùng bình yên và hạnh phúc”.
Những mái ấm gia đình hạnh phúc còn được chính quyền, cán bộ, chiến sĩ trên đảo chở che, tạo điều kiện về mọi mặt. Tình quân dân khăng khít là sự hỗ trợ nhau lúc khó khăn, là những lần chia nhau cái bánh, mớ rau tăng gia.
Chị Lưu Thị Cẩm Hằng rất vui về những tình cảm ấm áp nơi đảo xa: “Đối với người dân sinh sống trên đảo Song Tử Tây, tình quân dân trên đảo rất đoàn kết, quan tâm lẫn nhau, chia sẻ những khó khăn, giúp đỡ lẫn nhau. Chúng tôi vẫn chia nhau những chiếc bánh, món quà với các chiến sĩ trong khi các chiến sĩ thường sẻ chia các mớ rau tăng gia cho chúng tôi. Mọi người rất vui, sống tình cảm”.
Còn với những đứa trẻ theo cha mẹ ra đảo, tình yêu với chú bộ đội, với biển đảo quê hương được hun đúc từ sớm. Một cháu bé chia sẻ: “Con yêu các chú bộ đội vì các chú dạy cho chúng con những điều học tốt, hướng dẫn cho chúng con những trò chơi vui. Các chú bộ đội cầm súng canh gác cho chúng con được học tập mỗi ngày”.
Đó là lời chia sẻ hồn nhiên của cô bé Sầm Thị Trúc Ly, đang học chương trình lớp 3 tại trường tiểu học Song Tử Tây. Đây là một ngôi trường rất đặc biệt, chỉ với một lớp học cho tất cả những em bé theo bố mẹ ra đảo, hoặc được bố mẹ sinh ra tại nơi đảo xa; từ độ tuổi mầm non cho đến cô cậu học sinh lớp 4, lớp 5. Việc giảng dạy ở một lớp học nhiều độ tuổi như vậy tại nơi đảo xa chắc chắn không phải câu chuyện dễ dàng. Với hai thầy giáo của trường học, việc được “gieo chữ” nơi đây xuất phát từ sự thấu hiểu, đồng dành cho những đứa trẻ sinh sống xa đất liền; đây còn là niềm vinh dự, tự hào của bản thân cũng như gia đình.
Thầy Nguyễn Hữu Phú cho biết: "Tôi rất vui mừng và tự hào vì được giảng dạy tại nơi đầu sóng ngọn gió, nơi tiền tiêu của Tổ quốc. Không chỉ riêng tôi mà cả gia đình rất vinh dự và tự hào khi được góp một phần công sức nhỏ bé của mình cho Trường Sa hết sức thiêng liêng; giúp các em có những kiến thức để sau này trở thành những công dân có ích cho xã hội”
Tại lớp học ấy, các thầy hằng ngày vẫn truyền thụ cho các công dân nhí Trường Sa các kiến thức trong chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dạy các em các kỹ năng mềm như ca hát, võ thuật, rồi những buổi học ngoại khóa, tìm hiểu về biển cả bao la hết sức thiết thực.
Cuộc sống tại những ngôi làng ở Trường Sa vẫn đang được cải thiện từng ngày, không chỉ có trường học, mà nhiều bệnh xá đã mọc lên, để chăm sóc cuộc sống người dân và cán bộ chiến sĩ. Nước ngọt cũng đã không còn khan hiếm như xưa nhờ các máy lọc nước biển được tài trợ, bể chứa nước mưa cũng đã lớn hơn. Điện cũng đã về đến từng nhà nhờ hệ thống năng lượng gió và mặt trời. Giữa bốn bề sóng vỗ, nơi ấy, hằng ngày vẫn có tiếng chuông chùa ngân nga, tiếng học bài ê a của những đứa trẻ, tiếng gà gáy ban trưa. Được tận mắt chứng kiến những hình ảnh đẹp đẽ, bình dị nhưng cũng đầy sức sống ở nơi đầu con sóng, với chúng tôi Trường Sa thật gần, bởi đó là một phần máu thịt của Tổ quốc yêu thương./.