Những người bắc nhịp cầu Xuân

(VOV) - Đêm giao thừa, nhiều nhà báo của VOV phải làm nhiệm vụ, không được sum vầy, đoàn tụ ấm cúng bên gia đình đón năm mới.

Những cung bậc cảm xúc

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng, Giám đốc Kênh Truyền hình VOV tâm sự, là người tham gia nhiều trong các chương trình PT-TH trực tiếp về các sự kiện lớn của đất nước nhưng mỗi lần dẫn chương trình cầu PT-TH đêm giao thừa, anh vẫn thấy hồi hộp.

Có lẽ bởi đây là thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, con người ta dễ có cảm xúc hơn chăng? Với người dẫn chương trình, cảm xúc ấy càng mãnh liệt khi được “chứng kiến” cảnh người dân ở khắp mọi miền Tổ quốc đón Tết. Từ cảm xúc của bản thân, người dẫn chương trình truyền cảm xúc cho khán, thính giả bằng lối dẫn nhẹ nhàng, gần gũi, thân tình.

 Nhà báo Hồng Nhung và đồng nghiệp dẫn chương trình cầu phát thanh đêm giao thừa năm 2012 (Ảnh: PV)

Qua chương trình, người dân có thể biết được từng vùng miền trên cả nước đón Tết ra sao, cảm nhận từng nhịp thở của thời gian qua những hoạt động vui chơi giải trí của người dân khắp mọi miền Tổ quốc.

Cùng chung tâm trạng ấy, nhà báo Hồng Nhung, Trưởng phòng sản xuất chương trình Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1) chia sẻ, ở thời khắc thiêng liêng ấy, trong lòng mỗi con người ai cũng bộn bề những cảm xúc, nhưng họ đều chung một mong ước những điều tốt đẹp sẽ đến với bản thân, gia đình, bạn bè và đất nước.

Những phóng viên thực hiện chương trình cầu phát thanh đêm giao thừa phải đặt mình trong tâm thế ấy để phản ánh được nỗi niềm của khán, thính giả, có như thế mới tạo được sự gần gũi, hấp dẫn cho chương trình.

“Đã nhiều năm thực hiện chương trình cầu phát thanh đêm giao thừa nhưng năm nào tôi cũng có những cảm xúc tươi mới. Khi phản ánh không khí nhộp nhịp đón Tết của người dân, tôi thấy lòng phơi phới, vui tươi, nhưng đi vào từng số phận, từng mảnh đời trong lòng tôi lại tràn đầy những nỗi niềm”.

“Còn nhớ chiều 30 Tết năm Nhâm Thìn (2012), khi thực hiện bài viết về những mảnh đời phải bám trụ ở thành phố mưu sinh ngày Tết, tôi thấy lòng mình trĩu nặng. Lại có năm vào chiều 30 Tết, tôi ở Lũng Cú (Hà Giang) - điểm cực Bắc của Tổ quốc - để phản ánh không khí đón Tết của người dân nơi đây nhưng thấy lòng ấm áp như ở nhà mình, bởi lúc đó mới thấm thía cái cảm giác Tổ quốc đúng là một ngôi nhà rộng lớn”.

“Hay mỗi lần nối cầu trực tiếp với Trường Sa phản ánh không khí đón Tết của quân và dân trên quần đảo, để nhân dân cả nước trò chuyện, giao lưu với họ, tôi bỗng thấy Trường Sa sao gần gũi, thân thương đến vậy. Lúc đó không còn thấy khoảng cách giữa đất liền và hải đảo, thấy Trường Sa và đất nước như hòa làm một” - nhà báo Hồng Nhung chia sẻ.

“Chương trình cầu phát thanh đêm giao thừa được phát trực tiếp trên các Hệ VOV1, VOV2 và một phần trên VOV3, VOV Giao thông. Từ năm 2010, chương trình được truyền hình trực tiếp trên Hệ VOVTV”.
Năm đầu tiên thực hiện chương trình nối cầu phát thanh đêm giao thừa cũng là năm đầu tiên nhà báo Phạm Hà Khánh Hiệp (VOV thường trú tại TP HCM) chứng kiến cảnh người dân thành phố đón Tết. Khác với quê Hiệp (Quảng Ngãi), người dân chủ yếu đón giao thừa ở nhà, còn người dân TP HCM đổ ra đường đón giao thừa khá đông.

Tuy nhiên không có cảnh vội vã, tất bật, chen lấn, tắc đường như mọi ngày; thay vào đó, dòng người đi lại với sự thong dong, thư thả hiếm thấy. Nét mặt ai cũng lộ rõ niềm hân hoan, háo hức. Họ sẵn lòng chia sẻ những cảm xúc trên sóng phát thanh.

Hòa vào dòng người đông đúc ấy để phản ánh cho nhân dân cả nước biết người dân TP HCM đón Tết ra sao, tâm trạng của phóng viên hiện trường cũng khác ngày thường, cảm giác hân hoan, hồi hộp khó tả. Đối với Hiệp đó là một trải nghiệm đáng nhớ trong cuộc đời làm báo.  

Giao thừa muộn

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng chia sẻ, gần 10 năm nay anh không đón giao thừa ở nhà. Xong chương trình, anh về nhà đã gần 2h giờ sáng nên năm nào cũng là người xông nhà. Vợ anh đợi chồng về mới mở sâm banh đón mừng năm mới. Sau đó, cả gia đình cùng nhau đi chơi xuân. Anh đưa vợ con vào chùa thắp hương cầu một năm mới bình an. Sau đó, họ hòa vào dòng người tấp nập để cảm nhận không khí năm mới đang tràn về. Lang thang trên các ngả đường, có năm gia đình anh về tới nhà thì trời đã gần sáng.

16 năm công tác ở Phòng Thời sự thì có tới 13 năm nhà báo Hồng Nhung đón giao thừa ở cơ quan. Rất may chồng chị là người biết thông cảm và chia sẻ với công việc của vợ. Tuy nhiên, không vì thế mà chị ỷ lại cho chồng.

Để chuẩn bị cho buổi trực đêm giao thừa, từ ngày 29-30 Tết, chị đã đi chợ chuẩn bị chu đáo mọi thứ để anh ở nhà làm lễ cúng giao thừa. Nhà chị ở khu Hồ Tây nên anh thường cúng giao thừa sớm rồi đưa con ra Hồ Tây xem bắn pháo hoa đợi chị về. Khu nhà chị bao năm nay có tục lệ cứ sau giao thừa mọi người sang nhà nhau chúc Tết. Nhà chị bao giờ mọi người cũng vào chúc Tết sau cùng. Cứ nghe thấy tiếng xe máy của chị về là họ kéo nhau sang nhà chị chúc Tết. Lúc đó, bao vất vả của công việc như tan biến, chị chào đón năm mới trong niềm vui và sự ấm áp của tình làng nghĩa xóm.

Riêng với nhà báo Phạm Hà Khánh Hiệp, năm anh tham gia chương trình cầu phát thanh đêm giao thừa (năm 2010) là năm anh phải đón Tết xa gia đình. Quê Hiệp ở tận Quảng Ngãi, về nhà trọ chỉ có một mình nên quay về cơ quan đón Tết với đồng nghiệp. Mấy anh em trực ở cơ quan lôi bánh kẹo, rượu bia ra hàn huyên nên tới 2 - 3 giờ sáng Hiệp mới về nhà trọ.

Sáng mùng 1 Tết, Hiệp lại lên trực ở cơ quan, tất bật với chương trình mới phục vụ thính giả cả nước. “Cũng hơi buồn đôi chút vì phải đón Tết ở xa nhà nhưng mình còn trẻ mà đã được cơ quan tin tưởng giao việc quan trọng nên trong lòng cũng cảm thấy tự hào” - Hiệp chia sẻ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên