Những người bạn Pháp đóng góp cho Hiệp định Paris
(VOV) -Họ là những người công khai và thầm lặng, với nhiều hành động cụ thể như xuống đường tuần hành ủng hộ Việt Nam...
Việc ký kết thành công của Hiệp định Paris 40 năm trước không chỉ là thắng lợi của riêng dân tộc Việt Nam mà của cả một mặt trận đoàn kết nhân dân thế giới ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của chúng ta. Trong đó, trên hết phải kể đến những người bạn Pháp, công khai và thầm lặng, với nhiều hình thức và hành động ủng hộ cụ thể, đã cùng góp nên thành công của Hiệp định Paris.
Khu trường Đảng xưa tại Choisy le Roi, giờ thành một khu chung cư nhỏ, cánh cửa gỗ vẫn nguyên như xưa. |
Trong số khá nhiều địa điểm ứng cử, Paris cuối cùng đã được chọn là nơi tiến hành đàm phán chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Đến nay, 40 năm đã trôi qua, có thể khẳng định rằng không ở đâu hai đoàn đại biểu của Việt Nam có được những lợi thế và sự hậu thuẫn to lớn đến như thế khi đến đàm phán tại Paris. Một mặt, chính phủ Pháp đã đảm bảo mọi điều kiện cần thiết về an ninh, giao thông, hậu cần cho các cuộc đàm phán, giữ một thái độ trung lập khách quan đúng với vai trò của một nước thứ ba trung gian. Mặt khác, Đảng Cộng sản Pháp – khi đó là một lực lượng chính trị rất mạnh trên chính trường dành sự ủng hộ đặc biệt cho hai đoàn đàm phán của Việt Nam. Chính Đảng Cộng sản Pháp đã lo sắp xếp các địa điểm ăn ở, đàm phán bí mật, gặp gỡ song phương bí mật cho hai đoàn đàm phán. Nói tưởng đơn giản, nhưng sắp xếp đủ các công tác hậu cần cho hai đoàn đại biểu sống và đàm phán trong suốt gần 5 năm trời ròng rã quả là một việc cực kỳ quan trọng góp phần vào thành công cuối cùng ký kết được Hiệp định Paris.
Nhà sử học Alain Rouscio |
Nhà sử học Alain Rouscio nhận định: «Không phải vô tình mà Việt Nam đã chọn Paris, trong số nhiều thành phố ứng cử viên khác. Chính sách của chính quyền De Gaulle, trong đó có tuyên bố tại Phnom Penh 1966, cho thấy thái độ khá rõ ràng của chính phủ Pháp đối với chính sách can dự, gây chiến tranh của nước Mỹ. Người Pháp cũng không muốn chiến tranh; trước đó là chế độ thực dân đã dẫn đến cuộc chiến của Pháp chống lại Việt Nam chứ không phải ý nguyện của người Pháp. Người dân Pháp yêu hòa bình. Lúc đó tôi còn trẻ lắm nhưng đã chứng kiến nhiều cuộc biểu tình tại Pháp chống chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Đế quốc Mỹ định làm khuất phục người Việt Nam, muốn đưa Việt Nam trở lại thời đồ đá, nhưng đã không thể làm được. Các cuộc đàm phán dù rất dài và khó khăn nhưng đã dẫn đến thất bại cuối cùng của Mỹ».
Hành động đầu tiên của những người Pháp yêu chuộng hòa bình là xuống đường tuần hành ủng hộ Việt Nam. Vào thời điểm đó, có tới 52 tổ chức hữu nghị chống chiến tranh – một con số kỷ lục- thường xuyên tiến hành biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam. Đúng như sau này đã có ý kiến cho rằng nước Mỹ không chỉ thua trên bàn đàm phán hay trên chiến trường mà trước hết đã thua trên các đường phố!.
Theo nhà báo, nhà làm phim Daniel Rousselle, người sắp hoàn thành bộ phim tài liệu về Hiệp định Paris, câu chuyện kỳ diệu về tình người giữa nhân dân Pháp với nhân dân Việt Nam là một điều thôi thúc ông làm bộ phim: «Câu chuyện này cũng thực sự kỳ diệu ở lòng đoàn kết giữa đoàn đàm phán với người dân trong vùng; về tình cảm của những người bạn Pháp, từ người phục vụ đoàn đến người lái xe, người bảo vệ, đội chăm sóc y tế… Đó còn là sức mạnh tổng lực của hàng trăm người cùng giúp đỡ hai đoàn miền Bắc và Nam, như trong một gia đình thực sự. Câu chuyện làm tôi rung động tận trái tim, nói về hành trình giành lấy hòa bình, dù là một hành trình khó khăn, gồm cả chiến tranh, dù hành trình kéo dài đến 5 năm, nhưng đó là một câu chuyện hòa bình và nhân văn mà tôi muốn kể».
Đúng như nhận định của nhà làm phim Daniel Rousselle, hàng trăm con người, đa số là thành viên Đảng Cộng sản, nhưng cũng có người không ; có người làm theo lời kêu gọi của Đảng Cộng sản Pháp nhưng cũng có người tự hành động theo trái tim mình ; họ đã có những hành động cụ thể ủng hộ Việt nam, bằng nhiều hình thức khác nhau, nhưng hoàn toàn tự nguyện và không chút vụ lợi. Từ người lái xe, nhân viên an ninh cho tới người phục vụ bữa ăn…, trong mỗi người, ký ức về những tháng ngày gắn bó với hai đoàn đàm phán của Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn.
Cựu Thượng nghị sỹ Hélène |
Cựu Thượng nghị sỹ Hélène Luc tự hào kể lại rằng từ khi còn là một cô bé 15 tuổi, bà đã xuống đường ủng hộ hòa bình cho Việt Nam. Giai đoạn đàm phán Hiệp định Paris, bà và chồng bà, cố Phó Thị trưởng, Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi đã hỗ trợ hết mình cho đoàn đại biểu của Việt Nam.
Quảng trường mới mang tên «Hiệp định Paris» sẽ được khánh thành tại Choisy-le-Roi |
Vào tháng 3/2013, sẽ có một Quảng trường mới mang tên «Hiệp định Paris» được khánh thành tại Choisy-le-Roi, ngay trên Đại lộ mang tên chồng bà ông Louis Luc. Và với bà, đó như là sự ghi nhận đối với tình yêu mãi mãi của gia đình bà với Việt Nam. Bà nói: «Tôi rất tự hào vì quảng trường sắp được khánh thành, đặt trên đại lộ Louis Luc. Con gái tôi hiện giờ cũng đang là Phó Thị trưởng thành phố Choisy-le-Roi, cháu phối hợp chặt chẽ với Hội hữu nghị Pháp Việt tổ chức nhiều hoạt động thúc đẩy hợp tác với quận Đống Đa và Việt Nam; quyên góp tạo quỹ học bổng cho các cháu học sinh ở trường tiểu học Nam Thành Công… Các chuỗi hoạt động từ nhiều thế hệ là minh chứng cho mối quan hệ hợp tác Pháp - Việt như một câu chuyện tình yêu không bao giờ kết thúc».
Hơn 40 năm đã qua đi, giống như nhiều thành viên hai đoàn đàm phán Việt Nam năm xưa, những người bạn Pháp nay cũng người còn, người mất hoặc già yếu. Nhưng lịch sử ghi nhận họ - với những hành động cá nhân như những mảnh ghép riêng rẽ đã tạo thành bức tường thành vững chắc cùng ý chí của nhân dân Việt Nam bảo vệ thành công hòa bình cho dân tộc Việt Nam./.