Những người con của đại ngàn Trường Sơn

Những chiến sĩ thuộc Đồn Biên phòng 645 đã làm nên chuyện “cổ tích giữa đời thường”, trở thành niềm tự hào của người dân vùng cao Tây Giang, Quảng Nam.

Một ngày ở Anông, được nghe đồng bào kể về những câu chuyện về của các chiến sĩ mang “quân hàm xanh”, thuộc Đồn Biên phòng (ĐBP) 645 khiến chúng tôi cảm động. Với đồng bào, họ chính là những người con ưu tú của buôn làng Cơtu trên dãy Trường Sơn đại ngàn.

Những “kỹ sư” của buôn làng

Từ chiếc cầu treo của bản Arớt (xã Anông, huyện Tây Giang) nhìn về phía thung lũng dưới chân núi Bha’nơm, những cánh đồng lúa xanh mơn mởn đang khoe sắc giữa đại ngàn. Trong ánh nắng nhẹ của một ngày cuối xuân, diện mạo mới của các buôn làng Anông bỗng trở nên lạ thường.

Đưa chúng tôi đi “tham quan” cánh đồng non xanh sắc, đại úy Zơrâm Thức – Chính trị viên ĐBP 645 hồ hởi cho biết: Đây là kết quả của sự gắn kết, đồng thuận giữa quân và dân trên địa bàn. Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, bắt đầu từ năm 2010, cán bộ ĐBP 645 đã đề xuất với UBND huyện Tây Giang, phòng Nông nghiệp, Phòng Tài chính - Kế hoạch cùng xã Anông thực hiện chương trình “Thí điểm áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nước”. Đây là mô hình mới nhất được thí điểm triển khai trong việc gieo trồng lúa nước ở huyện miền núi Tây Giang, nhằm góp phần xây dựng nông thôn mới, giúp đồng bào từ bỏ những tập quán sản xuất lạc hậu trong chăn nuôi và sản xuất nông nghiệp từ bao đời nay.

Những chiến sĩ ĐBP 645 từ lâu đã trở thành người con của buôn làng vùng cao Tây Giang

Để triển khai có hiệu quả, ngay từ khi chương trình được đưa vào thí nghiệm, những cán bộ, chiến sĩ của ĐBP 645 đã cùng nhau lội bùn, xắn tay áo cùng đồng bào vùng cao Anông làm ruộng lúa nước. Mặc dầu vậy, do là lần đầu tiên một ĐBP đảm nhiệm tất cả các khâu, từ đề xuất ý tưởng đến trực tiếp nhận đất đai, giống và phân bón gieo trồng lúa nước nên cũng gặp không ít khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện.

Đại úy Alăng Púi, người dân tộc Cơtu, một trong những cán bộ chiến sĩ của ĐBP 645 có nhiều đóng góp trong việc xây dựng triển khai mô hình trồng lúa nước cho đồng bào kể lại: “Do địa bàn này trước đây là nơi ở của hơn 13 hộ dân thôn Acấp, cộng với địa hình hiểm trở, nên gây không ít khó khăn cho chúng tôi trong việc cải tạo đất đai, hình thành ruộng lúa nước. Tuy vậy, nhờ tinh thần đoàn kết, đồng thuận từ cả hai phía quân và dân nên về sau công trình cũng được hiện thực trong niềm vui vỡ òa”.

Từ ngày mô hình “áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng lúa nước” được triển khai, đời sống vật chất của đồng bào được cải thiện đáng kể, năng suất lúa mùa nâng cao rõ rệt khiến cuộc sống người dân thêm phần ấm no, hạnh phúc. Nói như cụ bà Alăng Đếh, ở thôn Arớt (xã Anông) thì, những chiến sĩ bộ đội biên phòng Đồn 645 là “những kỹ sư của nhà nông ở buôn làng người Cơtu”.

Đại úy Zơrâm Thức chia sẻ về công tác giữ gìn an ninh biên giới nơi đơn vị đóng quân   

Giữ vững biên cương Tổ quốc

Không chỉ làm giỏi việc ruộng đồng, tăng gia sản xuất, những chiến sĩ biên phòng đồn 645 còn tự rèn mình dẻo dai trước sóng gió biên ải, cầm chắc tay súng để giữ vững miền biên cương của Tổ quốc.

Hơn ai hết, đại úy Alăng Púi hiểu rõ nhất “đặc thù” của lính biên phòng, bởi tuổi thơ anh đã lớn lên ở một trong những xã khó khăn nhất của huyện Hiên (cũ), nay là Đông Giang và Tây Giang. Suốt từ khi nhập ngũ (năm 1988), trừ những năm theo học nghiệp vụ dưới xuôi, còn lại hầu như cuộc sống của anh gắn với núi rừng, biên giới. 15 năm sống và làm việc tại ĐBP 645, đại úy Alăng Púi đã thấu hiểu được những khó khăn, trở ngại mà các chiến sĩ biên phòng phải đối mặt.

Bởi vậy mà, mỗi chuyến hành quân lên các bản làng vùng cao, hay những đêm tuần tra biên giới… đã giúp các chiến sĩ biên phòng có thêm kinh nghiệm sống giữa muôn trùng sóng gió. Trong ký ức của các chiến sĩ, những ngày mới thành lập, ĐBP 645 chỉ là một dãy nhà đơn sơ, vách nứa. Mọi sinh hoạt của anh em trong đồn khi ấy đều phải chen chúc trong căn phòng chỉ có độc một chiếc bàn và một cái sạp tre để ngủ.

Những ruộng lúa xanh tươi được hình thành trên mảnh đất khô cằn là kết quả của tình quân dân

Đại úy Zơrâm Thức kể, tính trung bình mỗi tháng anh em chiến sĩ ở đồn 645 “xuất ngoại” sang nước bạn Lào đến 2-3 lần là chuyện thường. Như đại úy Alăng Púi, lợi thế là người bản địa lại vừa rành rẽ tiếng Cơtu, giao tiếp dễ dàng với đồng bào vùng biên giới, vừa biết tiếng Lào, thế nên Púi được phân công làm “thông dịch viên”, công tác dẫn đường cho hầu hết những lần cắm mốc hoặc tuần tra biên giới.

Lần đầu tiên được phân công dẫn và bảo vệ đoàn cắm mốc vào tháng 5/2011, với hành trình suốt 7 ngày dọc theo biên giới. Nhờ thông thuộc địa hình, đường đi mà Alăng Púi đã giúp đoàn cắm mốc xác định được vị trí, rút ngắn đáng kể thời gian khảo sát. “Lần đầu tiên làm nhiệm vụ dẫn đoàn, bảo vệ đoàn cắm mốc, vừa tự hào với nhiệm vụ thiêng liêng của mình, vừa cảm nhận được trọng trách công việc nên cũng trước khi đi cũng lo lắm. Suốt 7 ngày, lúc nào cũng trong tình trạng cảnh giác kể cả khi ngủ, để đảm bảo an toàn cho đoàn cắm mốc. Đến khi về đến Đồn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mới hết lo” – Alăng Púi nhớ lại.

Mô hình ruộng lúa nước của ĐBP 645 đã đem hưởng lợi cho đồng bào Cơtu ở xã Anông 

Chia sẻ với chúng tôi, nhiều chiến sĩ ở ĐBP 645 thường nói vui rằng, các anh ở đồn thường “ngủ võng nhiều hơn ngủ giường”, sở hữu vài chục “căn nhà” rải rác khắp vùng biên giới (những lán trại lúc hành quân cắm mốc – PV). Những chuyến đi có khi kéo dài gần 10 ngày, cắt rừng hành quân trong cái rét buốt của vùng cao mùa đông, giữa âm u rừng thiêng nước độc, càng tôi luyện thêm cho người chiến sĩ biên phòng.

Ông Alăng Bao – Bí thư Đảng ủy xã Anông tự hào: “Ngoài làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh biên giới, những chiến sĩ của ĐBP 645 đóng tại xã Anông đã phát huy đức tính tốt đẹp của người bộ đội Cụ Hồ. Với đồng bào vùng cao Tây Giang, họ được xem như những người con của buôn làng, giúp buôn làng phát triển kinh tế, giữ vững an ninh chủ quyền và xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc”.

Không chỉ gần gũi, hướng dẫn và giúp đồng bào biết cách làm ăn, phát triển kinh tế, những chiến sĩ ĐBP 645 còn biết tận dụng sự am hiểu về phong tục tập quán, vốn ngôn ngữ của đồng bào. Qua đó, nhằm chuyển tải mọi chính sách, chủ trương của Đảng, Nhà nước đền với đồng bào người Cơtu. Do vậy, nhiều đồng bào ở các thôn, các bản trở thành “tai mắt” của ĐBP 645, giúp cho Đồn  hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, cũng như đề cao cảnh giác đối với tội phạm vùng biên giới./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên