Những người ở phía sau cánh sóng

Để “Tiếng nói Việt Nam” tới thính giả xa gần không thể không nhắc tới những người làm công tác truyền dẫn, với những công việc âm thầm, lặng lẽ…  

“Đây là Tiếng nói Việt Nam, phát thanh từ Hà Nội…” – danh xưng thiêng liêng của Đài TNVN đã quen thuộc và vô cùng thân thiết với bạn nghe Đài suốt 66 năm qua. Từ đó, những tên tuổi của nhiều nghệ sỹ, phát thanh viên, biên tập viên của Đài đã trở nên phổ biến và gắn bó như “người nhà” của bao gia đình. 

Song, để cánh sóng của “Tiếng nói Việt Nam” vươn dài, bay xa tới đồng bào cả nước từ Nam chí Bắc, từ miền núi tới hải đảo xa xôi, không thể kể tới đóng góp của những người dù chưa từng được nêu tên, xuất hiện trên làn sóng, song họ đã thầm lặng, đồng hành cùng Tiếng nói Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và trưởng thành của Đài. Họ là những cán bộ làm nghề truyền dẫn sóng.

Từ “Công trình 273”

Những ngày Tám lịch sử, trong không khí hân hoan kỷ niệm 66 năm ngày Quốc khánh (2/9) và thành lập Đài TNVN (7/9), chúng tôi đã có dịp về thị xã Sơn Tây (Hà Nội), thăm “tổng hành dinh” của Đài Phát sóng phát thanh VN1 - Đài TNVN. Chính từ nơi đây, các chương trình phát sóng đối nội và đối ngoại của Đài TNVN được truyền đi tới thính giả gần xa.

Trụ sở làm việc của Đài Phát sóng phát thanh VN1

Sau khi Đài phát sóng phát thanh Mễ Trì bị đế quốc Mỹ ném bom rải thảm, đánh phá cuối năm 1972, Nhà nước ta có chủ trương xây dựng một đài phát sóng phát thanh có công suất lớn, mang tầm cỡ quốc gia. Chủ trương đó của Việt Nam được Chính phủ Liên bang Xô Viết trước đây chấp thuận, giúp đỡ xây dựng. Công trình  được ký kết vào tháng 2/1973 nên được mang tên Công trình 273. Đến ngày 14/5/1980, công trình khánh thành và mang tên Đài Phát sóng phát thanh VN1, với tổng công suất 1.200KW. Từ đó, Đài VN1 trở thành một trong những cơ sở phát sóng lớn của Đài TNVN.

Ông Nguyễn Đông Hưng - Giám đốc Đài VN1.

Giám đốc Đài VN1 Nguyễn Đông Hưng cho biết: Hơn 30 năm qua, Đài VN1 đã phát trên 600.000 giờ phát thanh, gồm các chương trình đối nội và đối ngoại của Đài TNVN một cách an toàn và liên tục. Đặc biệt, Đài Phát sóng phát thanh VN1 vinh dự được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước phát lệnh phát sóng phủ sóng biển Đông ngày 29/8/2009.

Từ đây, cộng đồng ngư dân và các chiến sĩ đang canh giữ biển trời Tổ quốc có thêm một kênh thông tin chuẩn mực, nhanh nhạy, kịp thời, ổn định và liên tục về tình hình chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội trong nước và quốc tế, đặc biệt là những thông tin dự báo thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn trên biển, giảm thiểu thiệt hại về người và của do thiên tai gây ra. Cũng từ sự kiện này, những người “đứng sau cánh sóng” có thêm trọng trách Chính phủ và Đài TNVN giao phó.

Huân chương Lao động hạng Nhì; 3 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều Cờ thi đua của Đài TNVN… là những ghi nhận cho sự lớn mạnh của Đài VN1 trong suốt chặng đường hơn 30 năm qua.

Gặp những người “canh sóng”

Dù thời tiết đã sang Thu, song cái “nắng Sơn Tây” vẫn như thiêu đốt da người. Không máy lạnh, không bàn vi tính với ghế mềm như ta vẫn hình dung ở các văn phòng, dưới cái nóng hập hập ấy, cùng với tiếng máy “xịch xịch” ồn ào suốt ngày đêm, những kỹ sư, kỹ thuật viên của Đài VN1 lặng lẽ, miệt mài kiểm tra từng chi tiết máy, ghi chép tỉ mỉ và… nghe Đài kiểm sóng.

Kỹ sư Nguyễn Thị Ngọc Lan đang vận hành máy phát sóng ra biển Đông

Theo chân kỹ sư Nguyễn Thị Ngọc Lan, công tác tại Tổ Vận hành máy vào ca trực, chúng tôi mới thấm nỗi vất vả và căng thẳng của những cán bộ nơi đây. Chị kể, các sự cố kỹ thuật thường xuyên xảy ra, mặc dù đã được thống kê, ghi chép cẩn thận, song đã là sự cố thì ở “muôn hình vạn trạng”, không thể lường trước.

“Yêu cầu đòi hỏi không để “Tiếng nói Việt Nam” bị gián đoạn quá 3 phút, cho nên vào ca trực ai cũng phải “căng như dây đàn” vậy. Mỗi khi gặp sự cố, sóng bị dừng đột ngột, đó là lúc “thót tim” nhất. Tuy nhiên, chỉ tích tắc sau, kíp trực buộc phải “khoanh vùng” và nhanh chóng khắc phục. Khi sóng vang lên trở lại, tất cả mới thở phào nhẹ nhõm”, chị Lan tâm sự.

Đối với chị Lan, gần 20 năm gắn bó với Đài VN1 đã khiến chị “nằm lòng” những thông số máy móc. Song chị, cũng như các kỹ thuật viên khác, không cho phép mình lơ là bất cứ thao tác nào, bởi với cánh sóng Đài TNVN, sai một ly là đi… toàn cầu, không những ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, mà còn tác động không nhỏ tới tâm lý người nghe Đài. Do đó, quá trình làm việc tự thường xuyên tự học, nâng cao trình độ tay nghề, cũng như bắt kịp với kỹ thuật phát sóng phát thanh hiện đại.

Ông Trần Quang Hải, Trưởng phòng Kỹ thuật của Đài VN1

Chúng tôi tới thăm Phòng Kỹ thuật của Đài VN1. Trong căn phòng cũ kỹ do Liên Xô xây dựng 30 năm trước, các kỹ sư đang cần mẫn sửa chữa những chi tiết máy. Chỉ vào đống linh kiện ngổn ngang, anh Trần Quang Hải, Trưởng phòng cho biết, máy móc ở đây thường hỏng hóc, trong khi hầu như không có linh kiện thay thế, bởi thế hầu hết thiết bị đang vận hành thuộc thế hệ “già” do Liên Xô đầu tư trước đây. Do đó, đòi hỏi 6 cán bộ kỹ thuật của Phòng phải sáng tạo nên những linh kiện thay thế dự phòng. Tuy có hơi “vênh nhau” song vẫn đảm bảo chất lượng sóng. “Phát thanh không thể chần chừ, nhất là không để mất sóng quá quy định, cho nên chúng tôi phải xử lý theo hướng linh hoạt nhất và nhanh nhất”, anh Hải chia sẻ.

Theo anh Hải, khó khăn nhất là việc sửa an-ten lúc bão gió. Với địa hình đồi núi, nắng lắm mưa nhiều như Sơn Tây, nên khi giông thường kéo theo sấm sét. Dẫu an-ten cấu tạo chống sét và bão cấp 12, tuy nhiên sự cố thì khôn lường. Khi đó, buộc các anh phải chuyển sang an-ten khác theo hướng tương đối, trong phạm vi cho phép mà vẫn đảm bảo sóng khoẻ.

Bên cạnh đó, tình trạng mất điện vào mùa mưa bão cũng thường xuyên xảy ra. Mất điện, đồng nghĩa với mất sóng. Khi đó, người kỹ thuật viên phải “đua cùng tia chớp” khởi động và vận hành máy thay thế - và anh Quách Đình Hân là một người như thế. 27 năm công tác tại Đài VN1 là từng ấy năm anh gắn bó với nhà máy phát điện 10 MW, do đó anh là một trong những kỹ thuật viên vận hành máy phát thành thạo nhất và nhanh nhất.

Anh Quách Đình Hân đang trò chuyện với phóng viên VOV Online

Anh cho biết, mặc dù quy định cho phép 3 phút để vận hành máy, đổi nguồn khi mất điện, song hầu như các anh chỉ cần 1 – 1,5 phút là dòng điện hoạt động trở lại. Thăm “cơ ngơi” hậu cần của tổ máy với bếp núc, chỗ ăn nghỉ ngay tại chỗ mới thấy, trực máy chẳng “nhàn” như ta tưởng.

Giám đốc Đài VN1 Nguyễn Đông Hưng cũng khẳng định, trong quản lý khai thác các thiết bị trong dây chuyền phát sóng, hàng trăm sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được các kỹ sư, kỹ thuật viên của Đài đề xuất, áp dụng, tiết kiệm cho Nhà nước hàng trăm triệu đồng. Tiêu biểu là sáng kiến chạy chung hai tần số trên một an-ten, được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cấp bằng sáng tạo.

Nhìn về phía bãi an-ten, từ đây những cánh sóng tỏa đi muôn nơi, mang đến tiếng nói của “nhà Đài” đi mọi miền Tổ quốc, chúng tôi mới thấu hiểu được phần nào những vất vả của những người đứng sau cánh sóng./.

Đài VN1 là một trong 12 đài truyền dẫn, phát sóng phát thanh của Đài TNVN trong cả nước. Đài có nhiệm vụ: Phát sóng đối nội và đối ngoại theo khung giờ quy định; phát sóng biển Đông; dự phòng sóng Hệ Thời sự - Chính trị - Tổng hợp (VOV1).

Đài VN1 trực thuộc Trung tâm Kỹ thuật phát thanh, Đài TNVN. Kỷ niệm 66 năm thành lập Đài TNVN (7/9/1945 – 7/9/2011), Trung tâm Kỹ thuật phát thanh vinh dự được đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân của Chủ tịch nước.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên