Những người thầy "không biên chế” tận tâm vì trẻ khuyết tật
VOV.VN - Những năm qua, những người làm công tác chăm sóc, dạy học tại Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk vẫn ngày đêm miệt mài với công việc, thầm lặng giúp nhiều người khuyết tật từng bước trưởng thành, hòa nhập xã hội.
Trong lớp tiếng Anh, thuộc Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân, hay còn gọi “trường chuyên biệt Vi Nhân”, ở thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, 6 học sinh ngồi quây quần quanh cô giáo. Với điện thoại thông minh và chiếc loa nhỏ , cô và trò cùng học tiếng Anh qua các bài hát.
Còn tại lớp học nhạc cạnh bên, thầy giáo đang kèm 2 học sinh tập đàn. Lớp sát bên, 4 học sinh đang học chữ nổi (Braille). Cô giáo Lê Thị Kim Cúc chia sẻ, lớp có nhiều học sinh ở độ tuổi khác nhau, khả năng nhận thức và tiếp nhận bài học cũng không giống nhau. Mỗi thầy cô chỉ có thể hướng dẫn từng nhóm, tùy thuộc vào mức độ tiếp nhận, nghe, hiểu của mỗi em.
“Mới vào thì các em không biết gì, thứ nhất là các em không nhìn thấy, có những em dân tộc thiểu số không biết tiếng Kinh. Các em mắt sáng thì đã khó rồi nhưng các em khiếm thị thì lại càng khó khăn. Tất cả mọi việc mình đều phải dạy hết, rồi dạy chữ nổi. Mình dạy rồi các em biết, các em đi học cao hơn ra trường và có công ăn việc làm. Mình thấy các em cũng giống như những đứa trẻ bình thường chứ không có khác gì hết. Mình nghĩ dạy ở đâu cũng vậy nên gắn bó ở đây tới bây giờ”- cô Cúc chia sẻ.
Là trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật, trường chuyên biệt Vi Nhân hiện có hơn 200 học viên từ 2 tuổi đến 20 tuổi, với các khuyết tật như khiếm thính, khiếm thị, tự kỷ, bại não nhẹ, thiểu năng trí tuệ,… Các em đến từ nhiều tỉnh thành, hầu hết là người dân tộc thiểu số, có hoàn cảnh khó khăn. Với hơn nửa số học viên ở nội trú, mọi sinh hoạt, học tập của các em được các tu nữ dòng Phaolo (đạo Thiên Chúa, Giáo phận Ban Mê Thuột) đảm nhiệm. Theo sơ Nguyễn Thị Nhiệm, quản lý nội trú, các em được chỉ bảo từng bước, từ việc chào hỏi, xin phép, xin lỗi, cảm ơn và biết tự chăm sóc bản thân, sau đó mới đến những kiến thức trong sách vở.
“Mình nói các em không hiểu nhưng mà Sơ phải làm mẫu để các em sẽ làm răm rắp như vậy luôn. Có một cái rất hay đó là khi mình khen thưởng các em trước đám đông thì lần sau các em sẽ tích cực hơn. Đôi lúc sơ chưa hiểu hết các em, sơ cũng phải học các em, nhờ các em bày cho mình ngôn ngữ ký hiệu. Sơ cảm thấy khó khăn thì ít, cũng có nhưng mà Sơ thấy niềm vui nhiều hơn”- sơ Nguyễn Thị Nhiệm nói.
Cùng với dạy văn hóa, năng khiếu nhạc – họa, trung tâm Vi Nhân còn dạy các nghề như: may, mộc mỹ nghệ, dệt thảm, in lụa, massage để tạo sinh kế cho học viên. Gần 30 năm qua, từ "ngôi trường" này đã có nhiều thế hệ học viên trưởng thành, hòa nhập cộng đồng. Anh Lê Hoàng Gia Hưng ở thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, là người khiếm thị từng được nuôi dưỡng, học tập tại trung tâm. Anh cho biết, từ trung tâm này, anh đã được tiếp sức để vươn lên tốt nghiệp cao đẳng chuyên ngành âm nhạc, và trở lại trung tâm dạy nhạc cho các thế hệ sau.
“Đối với những người khuyết tật, đặc biệt là khiếm thị, rất khó khăn trong vấn đề học tập cũng như về đời sống, đi lại. Nhưng nhờ sự động viên của gia đình, đặc biệt là quý sơ sát tránh bên mình. Các Sơ như là người mẹ, người thầy hết sức hỗ trợ để mình vượt qua những khó khăn, giúp mình hoàn thành ý nguyện là sau khi học xong trở về và ngày nay thì mình cũng rất vui khi được đồng hành cùng với các em môn âm nhạc”- anh Hưng nói.
Sơ Bùi Thị Ngọc Liên - Phụ trách Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân cho biết, tham gia giảng dạy và chăm sóc tại trường cùng với các tu nữ còn có gần 30 giáo viên và tình nguyện viên. Suốt gần 30 năm qua, họ luôn tận tâm giúp đỡ nhiều trẻ vượt lên khiếm khuyết.
“Các sơ rất là vui khi nhìn thấy các em trưởng thành, nhất là có những em lập gia đình, có con cái và sống hạnh phúc. Thỉnh thoảng có dịp các em quay về, không những về một mình mà dẫn cả gia đình của mình về luôn. Các em luôn luôn coi các sơ như là người thân thương của mình, các sơ rất hạnh phúc về điều đó. Giáo dục không phải là để mình tính số lượng hay là mình gây tiếng vang, mà vấn đề là để thấy các em sau này đi vào cuộc sống có thể hạnh phúc, trưởng thành, có thể sống độc lập và là một người tốt cho xã hội”- sơ Bùi Thị Ngọc Liên nói.
Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, động lực để mỗi thầy cô ở trường chuyên biệt Vi Nhân thêm nỗ lực, gắn bó với sự nghiệp “trồng người” là mỗi ngày thấy từng học viên trưởng thành, vượt qua trở ngại và hòa nhập cộng đồng. Trung tâm không chỉ tạo điều kiện, cơ hội để trẻ khuyết tật vươn lên mà còn góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.