Những nhà báo chiến trường làm phát thanh
VOV.VN - Có mặt tại những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh, cùng sống, chiến đấu với bộ đội và nhân dân, các nhà báo của Đài TNVN đã ghi lại các sự kiện cũng như những nhân chứng lịch sử
Trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, những người làm báo, trong đó những người làm báo phát thanh của Đài TNVN đã thực sự là những nhà báo - chiến sĩ. Có mặt tại những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến tranh, cùng sống, chiến đấu với bộ đội và nhân dân, các nhà báo của Đài TNVN đã ghi lại các sự kiện cũng như những nhân chứng lịch sử. Nhiều tin, bài, phóng sự được sản xuất từ chiến trường chuyển về phát trên làn sóng phát thanh của Đài TNVN, cổ vũ, động viên tinh thần quân dân cả nước. Làm thế nào để những phóng viên chiến trường, đặc biệt là phóng viên làm phát thanh gửi tin, bài từ chiến trường về Đài TNVN ở Thủ đô Hà Nội trong thời chiến tranh khó khăn trăm bề về thông tin liên lạc?
Cho đến bây giờ, nhà báo Lê Thông, phóng viên Đài TNVN vẫn không thể quên những kỉ niệm trong suốt 3 năm ở Trường Sơn từ năm 1973 đến 1975:“Tôi nhớ có một lần ở Mỹ Lược, Quảng Đà, tôi viết về một tiểu đội du kích, trong hai ngày họ nhổ được 2 cái chốt, nơi hàng chục năm không thể nhổ được, đến năm 1974 đó thì họ nhổ được cả 2 chốt. Hai hôm sau nghe trên Đài phát bài đó, tất cả họ nghe, họ vui sướng và bảo “chúng tôi đánh trận cỏn con thế này mà được lên Đài TNVN. Đúng là chỉ có nhà báo mới làm được việc đó”.
Khoảng thời gian đó, đôi chân ông đã đi qua không biết bao nhiêu vùng đất, gặp không biết bao nhiêu người với ý chí và sức mạnh phi thường trong cuộc chiến bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc và ông cũng không nhớ đã có bao nhiêu bài viết, những cuốn băng ghi lại những khoảnh khắc, âm thanh mà chỉ những phóng viên chiến trường như ông làm được. Nhà báo Lê Thông kể: đi chiến trường, những người làm báo viết chuyển tin về tòa soạn đã khó nhưng với những người làm phát thanh, truyền hình còn khó khăn hơn gấp bội. Đến được với chiến tuyến rồi, gặp được nhân vật rồi, một trong những khó khăn mà bất kể phóng viên chiến trường nào cũng gặp, đó là làm sao để truyền được thông tin về Hà Nội một cách nhanh nhất, chính xác nhất và đầy đủ nhất: “Việc đưa tin về là sự quyết định thành công của mình. Trước hết là đưa tin chay, gọi là tin không có âm thanh, thường tôi phải nhận làm “chân” quay máy phát điện, phát nguồn điện 15W nhưng quay nặng lắm, quay phát được một cái tin 15 phút thì mình quay mất 30 phút. Phát ở địa phương về cho cơ sở hoặc cho ra Bắc. Anh chị em kỹ thuật ở nhà họ cũng nhận bằng máy “tạch tè”, họ cũng có người quay, người nhận để trao đổi với mình, họ cũng phải có chuyên môn. Mỗi lần viết xong một cái tin và phát xong thì vui lắm”.
Tin không có âm thanh còn khó vậy, với những phóng sự có âm thanh thì phải mất nhiều thời gian hơn rất nhiều. Ngày đó, công cụ tác nghiệp của một phóng viên làm phát thanh là chiếc máy ghi âm có băng cát-xét, thô sơ, to như cái thùng và nặng 5-7 kg, phải đeo trên vai, đi khắp nơi trên chiến trường để phỏng vấn và thu âm thanh. Sau đó, nhà báo viết bài, đọc rồi ghép băng thủ công, mất rất nhiều thời gian. Khi hoàn thành phóng sự, để gửi được về Đài ở Hà Nội thì không ít lần có cả máu và nước mắt của nhiều người, có khi phóng sự chiến trường “hy sinh” theo người giao liên hay lính quân bưu: “ Bài có băng ghi âm thì là những bài phóng sự, mình viết xong 2-3 ngày là phải gửi ngay. Mình gửi bằng con đường thứ nhất là con đường giao liên, thứ hai nếu tranh thủ hỏi được các đồng chí lãnh đạo có đường dây đặc biệt thì gửi theo đường quân bưu của họ sẽ nhanh hơn, thường một tuần sau ngoài Hà Nội mới nhận được. Các anh chị kỹ thuật, biên tập viên ở nhà mà nhận được bài có băng thì mừng lắm, lập tức ngay cả trong đêm cũng mở ra biên tập ngay”.
Điều kiện tác nghiệp khốc liệt trong mưa bom, bão đạn, tính mạng cũng “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng có những lúc để có được âm thanh chân thực của tiếng bom, đạn trong khi phương tiện nghèo nàn, nhà báo Lê Thông cũng như các đồng nghiệp của mình đã tìm cách sáng tạo để thu được tiếng bom, đạn chân thực nhất:“Tiếng pháo ngoài trận địa ùng oàng to như thế nhưng khi thu vào băng thì nghe cạch cạch cạch vì nó hết độ căng của màng căng micro rồi. Sau tôi cũng rút kinh nghiệm, nghĩ ra cách gập 2-3 lớp mùi soa lại, bịt lấy đầu micro thì thu được tiếng rất hay, đúng là tiếng ùng oàng của pháo đạn”.
Tác nghiệp ở chiến trường với các phóng viên nam đã khó, với phóng viên nữ còn khó khăn hơn nhiều. Nữ nhà báo Nguyễn Yến Tuyết kể lại khoảng thời gian 3 tháng ở chiến trường Quảng Trị dự lễ trao trả tù binh vào năm 1972. Sau khi tin được viết xong, bà và đồng nghiệp tìm cách liên lạc với điện báo viên để chuyển về Đài ở Hà Nội nhưng không gặp được điện báo viên, bà phải gửi qua giao liên. Có những lúc tin chuyển đi, các nhà báo của Đài TNVN cũng không thể biết khi nào mới về đến Đài và khi nào được phát sóng: “Lúc bấy giờ không có điện thoại, không có phương tiện gì hỗ trợ. Khi muốn gửi tin chỉ nhờ địa phương thôi, không biết là họ chuyển như thế nào và họ chuyển bao lâu thì đến nhưng chắc chắn những tin ấy được phát trên Đài nhưng tôi cũng không biết tin được phát lúc nào. Nói chung là chúng tôi đi trong hoàn cảnh rất ngặt nghèo, gian khổ nhưng rồi cuối cùng chúng tôi vẫn đưa được bài, đưa được tin ra ngoài Hà Nội”.
Vất vả, khó khăn nhưng những phóng viên “nhà Đài” luôn cảm thấy tự hào vì đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chung của toàn dân tộc, truyền tới người dân những thông điệp ý nghĩa về chiến tranh và hòa bình, để người dân hiểu hơn giá trị của độc lập, tự do.
Nhà báo Trần Đức Nuôi, nguyên Trưởng Ban Kinh tế Đài Tiếng nói Việt Nam chia sẻ, thời kỳ chiến tranh, ông đã làm báo với tinh thần của một chiến sỹ cách mạng, luôn làm việc với tinh thần đầy nhiệt huyết, trách nhiệm, đảm bảo bí mật, an toàn tuyệt đối. Bởi dù trong hoàn cảnh nào, Đài TNVN cũng phải đảm bảo sóng phát thanh được thông suốt. Dấu ấn quan trọng trong cuộc đời làm báo của nhà báo Trần Đức Nuôi là những ngày trước và trong ngày 30/4/1975. Tin tức nóng hổi ở chiến trường điện về, chiến thắng đến đâu là ở Đài, thông tin nóng hổi tới đó. Chương trình đặc biệt 30 phút chào mừng ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng được thực hiện gấp rút, miêu tả đúng không khí ngày giải phóng, âm thanh, tiếng động rộn ràng khiến người nghe cảm nhận được chân thực không khí tưng bừng và niềm vui chiến thắng. Ít ai biết rằng, đằng sau những thông tin nóng hổi đó là sự vào cuộc đầy trách nhiệm của các phóng viên, kỹ thuật viên, phát thanh viên, tất cả đều làm việc với tinh thần say mê, nhiệt huyết với nghề:“Sự kiện ngày 30/4, mình chỉ nhớ một điều, trọng trách lúc đó không có gì ghê gớm nhưng tâm niệm một điều, lúc các bạn đồng nghiệp của mình tiến về Sài Gòn, tất cả anh em của mình đang hội tụ ở đấy, tất cả đang làm nên một tin chiến thắng lớn như thế này. Anh em chúng tôi ngoài này được may mắn là cùng làm bản tin để phát cho đồng bào cả nước và thế giới nghe, đó là may mắn quá lớn, quá sướng. Vì vậy, chỉ có một điều là làm sao đừng để xảy ra sai sót”.
Với tinh thần làm báo thời chiến quả cảm, sáng tạo, thông qua làn sóng phát thanh, thông tin báo chí như một binh chủng có mặt khắp các trận địa, cổ vũ cho cuộc kháng chiến của cả dân tộc. Từ cuộc sống nơi chiến trường đến tinh thần anh dũng, quả cảm của những người lính được miêu tả chân thực, đã lan tỏa mạnh mẽ đến mọi tầng lớp nhân dân, động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân chung sức, đồng lòng làm nên chiến thắng vĩ đại 30/4/1975./.