Những "thảm họa" y khoa rúng động dư luận
Thứ Tư, 11:48, 22/11/2017
VOV.VN - Vụ 8 người chạy thận chết ở Hòa Bình, hay 4 trẻ tử vong ở Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh là một trong những thảm họa y khoa chấn động Việt Nam.
8 người chết vụ chạy thận ở Hòa Bình: Vụ việc xảy ra vào cuối tháng 5/2017 khiến 8 bệnh nhân đang chạy thận tử vong. Nguyên nhân được xác định là do lọc rửa bằng hóa chất cực độc. |
Sau khi vụ việc tạm lắng xuống, hội đồng kỷ luật thống nhất cách chức ông Trương Quý Dương, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Theo điều tra, với vai trò người đứng đầu, ông Dương là người trực tiếp ký kết các hợp đồng với đối tác, liên quan đến hoạt động chạy thận của bệnh nhân. |
4 trẻ tử vong ở Bệnh viện Sản Nhi Bắc Ninh: Vụ việc xảy ra vào sáng 20/11. Ông Lê Văn Nam, Giám đốc BV Sản Nhi Bắc Ninh cho biết các cháu tử vong đều là sơ sinh non yếu và nhẹ cân, đều phải nằm lồng, thở máy. Ngoài ra, không phải các cháu tử vong mới sinh mà có cháu đã được điều trị tại bệnh viện tới 14 ngày, kèm theo bệnh lý bẩm sinh và đã được tiên lượng trước với gia đình. Ê kíp trực hôm đó tạm thời bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra. |
Trước đó, ngày 15/11, cũng tại Bệnh viện Sản nhi Bắc Ninh, bé trai 2 tháng tuổi tử vong nghi sốc phản vệ sau khi tiêm mũi tiêm cuối cùng trước khi ra viện sau 14 ngày điều trị. |
Rác thải y tế: Ngày 8/1/2016, thông tin hàng chục tấn rác thải y tế độc hại đang được âm thầm sơ chế tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) khiến dư luận hoang mang. Những phế phẩm rất nguy hại được tái chế thành sản phẩm nhựa tại cơ sở sản xuất thủ công ngay ngoại thành Hà Nội. |
Ông Nguyễn Việt Hùng - Trưởng khoa Kiểm soát - Nhiễm khuẩn của Bệnh viện Bạch Mai bị xử lý kỷ luật với nội dung chưa sâu sát trong công tác quản lý, giám sát các quy trình; tự ý triển khai thử nghiệm quy trình xử lý chất thải y tế nguy hại khi chưa báo cáo, chưa được bệnh viện và các cơ quan chức năng cho phép. Một số nhân viên liên quan đến vụ việc bị dừng hợp đồng lao động. |
Nữ sinh bị cưa chân sau khi bó bột: Ngày 6/3, trên đường đi học về, Lê Thị Hà Vi (16 tuổi, ở Đắc Lăk) bị tai nạn giao thông dẫn đến gãy chân. Nạn nhân được người dân đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin cấp cứu và bó bột chân phải. Đến ngày 11/3, khi chân của Vi nổi nhiều bỏng nước lớn, gia đình đã yêu cầu các bác sĩ chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk. Sau khi khám, chiều cùng ngày, đơn vị này đã chuyển Vi xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM. Tuy nhiên, do chậm trễ, Vi phải cắt đi gần hết chân phải. |
Sau khi vụ việc được báo chí phản ánh, bác sĩ Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin, thừa nhận sự yếu kém về chuyên môn, tắc trách trong công việc của cán bộ. Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã kỷ luật ban giám đốc bệnh viện đồng thời xử phạt vi phạm hành chính. |
Bác sĩ yêu cầu người nhà bệnh nhân đưa cả xấp phong bì: Ngày 2/6/2016, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nữ cán bộ y tế của Bệnh viện K, cơ sở 3 Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) nhận cả xấp phong bì từ người nhà bệnh nhân, đồng thời hướng dẫn người nhà bệnh nhân đưa phong bì cho đồng nghiệp. |
Bộ Y tế và công an đồng thời chỉ đạo làm rõ vụ việc. Nữ cán bộ y tế sau đó được xác định là bác sĩ T., Khoa Ngoại vú, mức kỷ luật đối với bác sĩ này là cảnh cáo. |
Năm 2015, anh Nguyễn Văn Thảo (37 tuổi, ở huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bị tai nạn giao thông, chấn thương sọ não và tổn thương chân phải. Sau một năm, anh hồi phục dần nhưng chân trái khó nhấc, đi cà nhắc. Chiều 19/7 tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, anh Thảo được chỉ định mổ chuyển gân chày sau chân trái, nhưng khi hết thuốc tê, anh phát hiện bác sĩ đã mổ nhầm chân phải. Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ký quyết định tạm đình chỉ hoạt động phẫu thuật với bác sĩ Phan Văn Hậu - người mổ chính cho bệnh nhân. |
Năm 2015, em Lê Nguyễn Quốc Hào (6 tuổi, ngụ xã Thanh Bình, H.Vũng Liêm, Vĩnh Long) nhập viện vào sáng 27/7. Sau khi làm bệnh án và xét nghiệm, em Hào được chuyển sang Khoa Ngoại - Tổng quát. Đến 10 giờ 30 ngày 29/7, Hào được đưa vào phòng mổ. Đến 10 giờ 55 cùng ngày, ca mổ hoàn thành. Hào được cho xuất viện ngày 31/7. Tuy nhiên, sau đó, cha của Hào là anh Lê Quốc Dũng đã trực tiếp đến bệnh viện phải ánh về việc Hào được chỉ định mổ chân trái nhưng lại BS lại mổ chân phải… |
Hai bệnh nhân tử vong sau khi gây mê Ngày 25/12/2016, hai bệnh nhân là Hoàng Văn Tr. (sinh năm 1982, ở xã Hồng Thái - Phú Xuyên - Hà Nội) và Quách Thị Mai P. (38 tuổi, ở Trúc Bạch, Ba Đình, Hà Nội) đều được tiêm chung các loại thuốc tiền mê và gây mê, sau đó có biểu hiện sốc phản vệ tại Bệnh viện Trí Đức, sau đó được chuyển sang cấp cứu tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) và tử vong tại đây. |