Những thân phận không có chốn để trở về ngày Tết
VOV.VN -Trẻ mồ côi, người không nơi nương tựa phải ăn Tết tại Trung tâm bảo trợ xã hội rất cần sự chia sẻ về vật chất và tinh thần của các nhà hảo tâm.
Những ngày Tết Nguyên đán, trong khi mọi người háo hức chờ phút giây đoàn viên cùng gia đình bên mâm cỗ đón Xuân, thì vẫn có những mảnh đời chẳng có chốn để trở về. Thậm chí có người hàng chục năm ăn Tết trong các trung tâm bảo trợ xã hội.
Chẳng có ai để ngóng trông ngày Tết…
Chị Nguyễn Thị Hiền, 50 tuổi đời nhưng đã có hơn 30 năm sống tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An (Ba Vì – Hà Nội). Chị Hiền bị khuyết tật vận động, không thể đi lại và nói năng, nhưng vẫn cảm nhận được mọi thứ xung quanh đang diễn ra và nhớ được quê hương bản quán cũng như người thân của mình.
Chị Nguyễn Thị Hiền (ngồi xe lăn) 30 năm qua ăn Tết tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An |
Thông qua “phiên dịch” là chị Nguyễn Thị Thanh Hà, nhân viên trực tiếp chăm sóc đã hơn 10 năm nay cho biết, chị Hiền vẫn nhớ quê ở Nam Định, còn người mẹ già đã 90 tuổi và em gái đã có chồng con. Lần về quê gần nhất của chị Hiền đã được 6 năm, kể từ đó dù nhớ mẹ nhưng đành bất lực vì mẹ già đã yếu, em gái cũng nghèo không có điều kiện đưa đón hay lên Hà Nội thăm chị.
Những ngày giáp Tết, thấy nhiều người ở Trung tâm được người nhà đến đón về, chị Hiền rớm nước mắt chỉ tay ra xa, miệng ú ớ. “Chị nói rằng rất muốn về thăm mẹ và người thân, nhưng sức khỏe yếu. Chị cảm thấy tủi thân vì không có ai để trông ngóng, để thấy mỗi năm có dịp được về quê đón Tết. Thiệt thòi của chị là không được sum vầy cùng gia đình. Bệnh tình ngày càng nặng, chị chỉ mong được một lần về sum họp cùng gia đình ngày Tết nhưng không thể” – chị Hà “dịch” lại.
Trang A Vổng (áo xanh) cảm thấy tủi thân khi các bạn có người nhà đến đón về ăn Tết |
Cũng tại Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, chúng tôi gặp cháu Trang A Vổng, 14 tuổi ở Yên Bái đang được nuôi dưỡng, chăm sóc. Em được Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Yên Bái làm thủ tục gửi nuôi từ năm 2012. Vổng mất cả cha lẫn mẹ trong một vụ sạt lở đất tại địa phương. Em gái Vổng được một gia đình ở Yên Bái nhận làm con nuôi, thế nên 2 anh em ly tán từ đó.
Các cô giáo lớp Phục hồi chức năng cho biết, lần đầu xuống Trung tâm, Vổng sợ hãi mọi người xung quanh vì em chưa bao giờ tiếp xúc với người lạ, suốt ngày thu mình vào một góc. Sau cú sang chấn tâm lý do mất cha mẹ và xa em gái, Vổng không nói năng hay ăn uống gì. Sau thời gian dài được các cô chăm sóc, được chơi cùng các bạn, Trang A Vổng dần hòa nhập.
Chị Nguyễn Thị Thanh Hà tâm sự: “Dù không nói ra, nhưng Vổng và nhiều em nhỏ ở đây biết là đến Tết rồi, vì các em được tặng quà, quần áo mới. Hôm qua, nhìn thấy chiếc áo của một em gái phơi bên hiên, Vổng đã khóc vì nhớ tới em gái mình. Gần Tết, nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân đến Trung tâm tặng quà, tổ chức vui chơi đón Tết nên các cháu cũng phần nào vơi đi nỗi nhớ nhà.
Những em nhỏ khuyết tật này năm nay ăn Tết tại Trung tâm |
Chúng tôi mỗi lần về nhà, được ngắm nhìn và ôm con mình vào lòng lại thấy thương các cháu ở đây vô cùng vì chúng thiếu vắng tình cảm cha mẹ. Có những em từ khi được gửi vào đây chẳng biết gia đình mình ở đâu, 7 – 8 năm nay và có lẽ nhiều năm nữa vẫn sẽ ăn Tết ở Trung tâm. Vì thế, ngày Tết chúng tôi luôn dành thời gian vào đây vui chơi, chuyện trò để các cháu cảm thấy ấm áp như ở nhà”.
Tết đầm ấm cho những hoàn cảnh thiệt thòi
Cùng các cháu trang trí phòng khách đón Tết, chị Đào Thị Minh Thư, giáo viên lớp dạy nghề handmade (Phòng hướng nghiệp dạy nghề) cho trẻ khuyết tật vui vẻ cho biết: Hầu hết các cháu ở lớp học nghề này bị khiếm thính, song ai cũng nhanh nhẹn, khéo tay và giàu ý tưởng. Những sản phẩm của các cháu sáng tạo ra như hoa giả, sản phẩm thêu tay, hộp quà… rất đắt khách tại siêu thị Lan Chi.
Cô Đào Thị Minh Thư đang hướng dẫn cho các em khiếm thính làm hoa, trang trí phòng đón Tết |
Một số cửa hàng mở gian từ thiện cũng giúp tiêu thụ sản phẩm, nên Tết này các em được thêm chút quà và tiền để về quê. Những cháu ở lại cũng được cải thiện vào bữa ăn hàng ngày. Dù các cô tránh nhắc đến những từ như “gia đình”, “bố mẹ” trong những ngày này, nhưng trong tâm tư các em, ai cũng mong ngóng, trông đợi được gặp người thân đến đón về.
Theo BS. Trần Văn Lý, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, chăm lo Tết cho các cháu thiệt thòi đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại Trung tâm là công việc thường niên của ban lãnh đạo cũng như nhân viên ở đây. Ngày Tết, tất cả các phòng ban đều có kíp trực ở lại, từ cán bộ y tế, nhân viên bảo vệ.
Tổng số cháu hiện ở Trung tâm là 230 người, cùng với một số cụ già không nơi nương tựa và người bị tai nạn, sau tai biến. Các đối tượng hầu hết tới từ những vùng khó khăn ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Yên Bái, Hòa Bình, Lai Châu nên không phải ai cũng có điều kiện để trở về đoàn tụ cùng gia đình. Thông thường số ở lại ăn Tết dao động từ 20 – 40%.
Ông Trần Văn Lý chia sẻ: “Trường hợp các cháu được gia đình đón về, chúng tôi có suất quà trị giá từ 150.000 – 200.000 đồng. Đối với các cháu ở lại như trẻ mồ côi, người nhiễm chất độc da cam, Trung tâm cũng tổ chức đón Giao thừa đầy đủ, ấm cúng. Sáng mùng 1 đi thăm và mừng tuổi cho các em. Mâm cỗ ngày Tết cũng đầy đủ bánh chưng, bánh kẹo, mâm ngũ quả, mứt Tết...
Ngoài ra, một số đơn vị, cá nhân lên tổ chức các chương trình vui chơi cho các cháu như gói bánh, các hoạt động tập thể, để các em cảm nhận như được đón Tết cùng gia đình, không cảm thấy lẻ loi”./. Ngày Tết nên ăn những loại mứt gì?