Những tiếng than sau “tấm vách” dựng tạm thi công ga ngầm ở Hà Nội
VOV.VN - Từ ngày dựng rào chắn thi công ga S12, cuộc sống của người dân ở đây luôn thấp thỏm, lo âu. Họ lo việc kinh doanh ế ẩm, mưa bão nước ngập, tai nạn giao thông …
Khởi công từ tháng 10/2010, sau 12 năm triển khai, dự án metro Nhổn - ga Hà Nội vẫn trong tình trạng chậm trễ chưa thể đi vào hoạt động. Qua đó, dự án nhiều lần gặp phải khó khăn, vướng mắc, phải tạm dừng dẫn tới khung cảnh hoang tàn tại một số hạng mục thi công chưa hoàn thiện.
Vào tháng 6/2019, nhà thầu thi công đã tiến hành rào chắn đường Trần Hưng Đạo và thu hẹp lòng đường còn lại 5m, tổ chức giao thông một chiều cho phương tiện lưu thông. Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, tiến độ thi công nhà ga S12 dự kiến trong khoảng 459 ngày (tương đương 15 tháng). Tuy nhiên đến nay sau hơn 3 năm việc thi công vẫn chưa thể tiến hành. Toàn bộ gói thầu thi công ngầm đã bị dừng từ tháng 7/2021 đến nay.
Tại khu vực công trường thi công đoạn phố Trần Hưng Đạo - Lê Duẩn được quây kín bằng tôn nhưng bên trong không hề có bóng dáng công nhân làm việc. Được biết, phía bên trong nhiều vật tư, thiết bị phục vụ thi công lâu ngày không sử dụng đến nay đã hư hỏng, gỉ sét.
Vào giờ tan tầm, người dân lưu thông qua đây rất vất vả, con đường nhỏ hẹp, gập ghềnh nhiều ổ gà. Tại một số hố ngầm trên đoạn đường Trần Hưng Đạo, nước bẩn tù đọng phủ kín rêu xanh và bốc mùi hôi tanh khắp khu vực.
Chừng ấy thời gian, người dân sống ở khu vực Trần Hưng Đạo “hứng chịu” biết bao khó khăn, khổ sở do dự án nghìn tỷ này gây nên.
Nhiều cửa hàng phải chuyển đi nơi khác
Bán cơm ở số 100 Trần Hưng Đạo được 6-7 năm nay, chưa bao giờ việc kinh doanh của bà Nguyễn Thị Hương lại ế ẩm đến như thế. Bởi khi chưa dựng rào chắn làm đường, quán cơm của bà nhìn ra mặt đường, lúc nào cũng đông khách, mỗi ngày 200 lượt khách tới quán. Thế nhưng từ ngày có vách cứng che trước mặt, chẳng ai biết đến tiệm cơm của bà nữa.
“Từ khi rào chắn, cuộc sống vô cùng khó khăn, không có khách, quán mở ra lỗ vốn”, bà Hương thở dài chia sẻ.
Cũng theo bà Hương, các hộ kinh doanh xung quanh cũng phải chuyển đi nơi khác để ở hoặc buôn bán. Nhiều nhà trong tình trạng cửa đóng then cài. Mấy năm nay không thấy bóng dáng công nhân thi công tại công trình này, cũng chẳng biết đến bao giờ dự án hoàn thành để công việc kinh doanh của bà cũng như các hộ khác ở đây được ổn định như xưa.
“Mấy năm nay không thấy bóng dáng công nhân thi công ở đây. Bên trong mọc rêu, cỏ cây mọc um tùm, xanh tốt. Mong từng ngày mở lại con đường này để người dân đỡ khổ”- bà Hương chia sẻ.
Cùng ý kiến với bà Hương, chị Nguyễn Thu Trang, người dân cũng sinh sống tại khu vực thi công trên phố Trần Hưng Đạo thở dài ngao ngán.
“Dự án này có từ ngày tôi lấy chồng mà giờ con tôi đã vào cấp 3 rồi mà bây giờ mà vẫn đang thế này”- chị Trang cho biết.
Gia đình chị Trang mở cửa hàng kinh doanh giày dép ngay mặt đường Trần Hưng Đạo. Từ ngày có dự án metro Nhổn – ga Hà Nội, con đường rộng lớn trước mặt trở nên thu hẹp lại, 2 người đi cũng chẳng đủ, nói chi đến việc có chỗ cho khách để xe, mua sắm. Vì vậy việc buôn bán của gia đình chị cũng trở nên điêu đứng.
“Trước đây vỉa hè trên đường này rất rộng, bây giờ chỉ cần 2 xe ngược chiều nhau là tắc đường. Việc kinh doanh quá khó khăn, bởi đường hẹp không có chỗ để xe cho khách. Nhà mình là nhà ở đây còn gắng gượng, còn các hộ thuê thì cũng phải trả hết mặt bằng. Muốn cho người khác thuê cũng không ai thuê mà cũng không biết kêu ai. Thiệt hại về kinh tế không biết ai sẽ đền bù cho mình”, chị Trang nói.
Tai nạn giao thông “rình rập”
Bà Phạm Thị Tâm, người bán hàng nước trên con phố Trần Hưng Đạo cũng gần 30 năm. Hàng ngày bà phải đi đường vòng khoảng hơn 100m (trước đây khoảng 10m) để có thể ra được đến chỗ bán nước- nghề duy nhất bà có thể mưu sinh bấy lâu nay. Từ lâu nay bà cũng mất đi một nguồn thu nhập, khiến cuộc sống khó khăn.
“Cứ chặn như này không biết bà con sống kiểu gì. Giờ tôi cũng chỉ mong họ mở lại con đường, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Trời nắng đã đành, trời mưa thì khổ, vất vả, đẩy xe hàng ra kiếm được đồng không đáng là bao”, bà Tâm nói.
“Tôi bán nước ở đây, nghe người ta nói rằng, ra Tết, khoảng tháng 3 thì người ta thi công công trình, nhưng đến tháng 3 thì lại nghe bảo tới tháng 7, hết tháng 7 lại bảo tháng 9 mà nay đã tháng 9 cuối cùng chả thấy làm gì cả”, bà Tâm nói.
Uống chén nước trà, bà Tâm nhìn sang con đường lớn bây giờ trở thành con ngõ nhỏ trước mặt mà buồn rười rượi. Bởi từ khi cái vách dựng lên cũng từ lúc đó bà chứng kiến cảnh sống của người dân nơi đây cơ cực quá.
“Dự án thì chả thấy động tĩnh gì, cây cối, ruồi muỗi cứ thế đâm chồi và phát triển. Tấm vách đã che hết tầm nhìn của các căn nhà, nay cây cối lại mọc um tùm khiến những nhà sống ở đây như bị cô lập. Chưa kể trời mưa, nước xuống không có chỗ nào thoát được nên chảy vào tận đến nhà dân. Chưa kể con đường nhỏ, 2 xe máy đi ngược chiều nhau cũng dễ va quệt rồi. Mới đây có vụ tai nạn, gọi điện và chờ đợi mãi cấp cứu mới len lỏi vào ngõ nhỏ đưa bệnh nhân đi viện được. Khổ, không có gì khổ hơn”, bà Tâm than thở.
Bà Đỗ Thị Liên (65 tuổi, ở phố Hàng Cỏ) nói rằng: “Từ ngày quây như này, bà cũng như các hộ dân không buôn bán được gì, nghề bán nước gắn bó với bà gần 5 năm sau khi nghỉ hưu cũng đành phải bỏ”.
Giờ đây, ngoài việc dựa vào tiền lương hưu hàng tháng, bà Liên không còn nguồn thu nhập nào khác để trang trải cuộc sống.
Theo bà Liên, những ngày đầu thi công dự án, con đường đi lại của người dân ngõ Hàng Cỏ cũng bị “dày xéo”, đã nhỏ hẹp lại bị lồi lõm. Không ít lần người dân bày tỏ mong muốn được lát lại đường nhưng đều không được.
“Họ nói rằng chờ dự án làm xong mới sửa đường được. Đã không ít lần trẻ con, người già đi lại bị ngã gãy cả tay. Nói chung cứ làm dang dở rồi bỏ, chán lắm”, bà Liên cho biết./.