Những vụ việc đáng suy ngẫm năm 2015

VOV.VN - Bị phạt vì “nói xấu” chủ tịch tỉnh, thôi việc vì từ chối nhận chức cao hơn, đi chợ cũ bị phạt kiểm điểm... là những vụ việc đáng để suy ngẫm năm 2015

Năm cũ khép lại, chào một năm mới hướng tới những kỳ vọng tốt đẹp hơn để quên những vụ việc lùm xùm tưởng không thật mà thật, có lẽ chỉ duy nhất ở Việt Nam mới có.

Bị phạt vì “nói xấu” chủ tịch tỉnh

Vụ việc hồi tháng 10/2015, 3 công dân đã dính kỷ luật, trong đó 2 người còn bị Sở TT&TT phạt 10 triệu đồng chỉ vì được cho là “nói xấu” Chủ tịch tỉnh An Giang

Vụ việc xảy ra hồi tháng 10/2015, khi  thông tin Thanh tra Chính phủ đề nghị kiểm điểm Chủ tịch UBND tỉnh An Giang do yếu kém trong quản lý đất được bà Lê Thị Thùy Trang là giáo viên ở Trường THPT Long Xuyên tải lên facebook với lời bình “nhìn cái mặt kênh kiệu” và được bà Phan Thị Kim Nga, Phó văn phòng Sở Công thương, vào “like” (thích).

Nhà ông chủ tịch tỉnh (bên phải) và nhà 2 người bị phạt.

Lập tức, Sở TT&TT cùng Công an tỉnh truy tìm, phát hiện “like” trên facebook là do chồng của bà Nga là ông Huỳnh Nguyễn Huy Phúc sử dụng tài khoản của bà. Bà Trang và ông Phúc bị Sở TT&TT phạt mỗi người 5 triệu đồng vì hành vi “sử dụng thông tin nhằm xúc phạm uy tín, danh dự người khác”.

Hệ thống Đảng và chính quyền cũng được huy động vào cuộc để kỷ luật 3 người. Thông tin trên cổng thông tin điện tử tỉnh An Giang cho biết, Đảng ủy Sở GD&ĐT phối hợp với Ban Giám đốc Sở lãnh đạo, chỉ đạo Ban Giám hiệu Trường THPT Long Xuyên xem xét, xử lý kỷ luật khiển trách bà Trang. 

Với bà Nga, “Đảng ủy Sở Công thương phối hợp với Ban Giám đốc Sở xem xét, xử lý kỷ luật cảnh cáo về Đảng và chính quyền”. Còn ông Phúc là nhân viên điện lực thì bị “Đảng ủy Khối Doanh nghiệp lãnh đạo, chỉ đạo Đảng ủy Công ty Điện lực An Giang xem xét, xử lý về chính quyền bằng hình thức phê bình bằng văn bản trong toàn Công ty”.

Trước sự lên án mạnh mẽ của người dân và dư luận, sau đó Thường vụ tỉnh này đã tổ chức cuộc họp với các ban ngành có liên quan để xử lý dứt điểm vụ 3 cán bộ bị xử phạt, kỷ luật khi “nói xấu” chủ tịch tỉnh trên facebook.

 Cuộc họp thống nhất rút các quyết định xử lý phạt hành chính và chính quyền, kỷ luật Đảng đối với 3 cán bộ mà các cơ quan này đã ra quyết định xử lý trước đó.

Bị buộc thôi việc vì từ chối nhận chức cao hơn

Chủ vì từ chối chức vụ cao hơn vì cho rằng mình chưa đủ khả năng. Nguyện vọng chính đáng này nhẽ ra phải được xem xét nghiêm túc, thậm chí biểu dương nhưng đáng tiếc vì cách từ chối thẳng thắn này nữ bác sĩ ở Phú Yên đã bị một phen lao đao trước sức ép kỷ luật từ Sở Y tế Phú Yên buộc thôi việc.

Bác sĩ Nguyễn Thị Băng Sâm, người từ chối nhận chức cao hơn vì lo không đảm đương tốt.

BS Nguyễn Thị Băng Sâm giữ chức Phó trưởng khoa Chống nhiễm khuẩn - BV Mắt Phú Yên, đã tốt nghiệp cao học tháng 12/2014. Ngày 30/7, Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm và điều động BS Sâm giữ chức vụ Trưởng khoa Mắt của BVĐK tỉnh. 

Theo nữ bác Sâm, trước khi được bổ nhiệm và điều động sang Trưởng khoa Mắt của BVĐK, tôi cũng có đơn gửi Sở Y tế đề đạt nguyện vọng là tiếp tục ở lại công tác tại BV Mắt

"Thời điểm đó BV Mắt đang thiếu bác sĩ. Hơn nữa, khả năng của tôi cũng có hạn nên nếu cố nhận chức vụ mới mà mình không muốn, không đủ năng lực, không đủ tự tin và uy tín thì tôi sợ ảnh hưởng đến đơn vị mới, mà BVĐK tỉnh lại là bệnh viện đầu ngành của Phú Yên”-Bác sĩ Sâm nói.

Cũng theo BS Sâm, vì Sở Y tế bổ nhiệm và điều động không đúng tâm tư nguyện vọng nên chị đã 2 lần làm đơn trình bày, xin không nhận chức vụ mới.

Tuy nhiên, Sở vẫn tiếp tục yêu cầu viên chức chấp hành sự phân công công tác. Vì BS Sâm không thực hiện quyết định bổ nhiệm nên Sở thành lập hội đồng kỷ luật, thống nhất đề nghị áp dụng hình thức xử lý kỷ luật buộc thôi việc.

BS Sâm cho rằng việc kỷ luật là không thấu tình đạt lý. “Lẽ ra khi tôi không chấp hành quyết định bổ nhiệm và điều động công tác, Sở phải tiến hành xử lý kỷ luật tôi ngay. Đằng này, Sở kéo dài thời gian, đợi đến khi tôi xin thôi việc, rồi từ chối đơn để ra quyết định xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc là không thỏa đáng”.

Công chức đi chợ cũ bị phạt kiểm điểm

Tình trạng phá bỏ chợ truyền thống để xây dựng Trung tâm thương mại chủ yếu phục vụ lợi ích nhóm không tính đến nhu cầu thực tế của người dân, hầu hết các dự án xây xong tiểu thương không vào kinh doanh, vắng khách, hiệu quả kinh doanh thấp nhưng không một tỉnh nào rút ra bài học. Việc xây cứ xây và khi xây xong để cứu vãn tình thế nhiều địa phương đưa ra những văn bản, chỉ thị trái luật nhằm “ép” người dân tới chợ mới. Cụ thể, người dân sống tại huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng xôn xao về chuyện cơ quan chức năng của huyện bất ngờ ra thông báo sẽ kiểm tra cán bộ, công chức, viên chức của địa phương nếu ai bị lực lượng chuyên trách quay phim, chụp ảnh đi mua sắm ở chợ cũ của huyện sẽ bị lập biên bản để báo cáo UBND huyện kiểm điểm.

Khung cảnh chợ cũ Di Linh sau quyết định "lạ" của địa phương (Ảnh: VnExpress))

Thông báo của Tổ thanh tra Công vụ của huyện Di Linh nêu rõ, hàng ngày Phòng Nội vụ, Phòng Kinh tế và Hạ tầng, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Đài Truyền thanh Truyền hình huyện Di Linh sẽ cử 1 người đi kiểm tra tại khu vực chợ cũ. Nếu phát hiện cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc cơ quan nhà nước mua sắm tại chợ cũ thì ghi hình, lập biên bản báo cáo tổ thanh tra, sau đó sẽ báo cáo lên UBND huyện để có hình thức xử lý.

Sự việc là do chợ Di Linh mới được đưa vào hoạt động từ cuối tháng 9/2015 nhưng theo các tiểu thương thì giá thuê quầy sạp tại chợ mới do UBND huyện đưa ra là quá cao nên nhiều người đã khiếu nại, đề nghị UBND huyện gia hạn thời gian di chuyển thêm 2 năm. Trong quá trình thực hiện việc di dời, UBND huyện Di Linh đã nhận gần 300 đơn khiếu nại của tiểu thương ở chợ cũ.

Theo UBND huyện Di Linh, việc ra thông báo này trước mắt để những công nhân viên chức làm gương nhằm nhanh đạt được mục tiêu sớm di dời chợ cũ về chợ mới, đảm bảo an ninh trật tự và ổn định việc kinh doanh, mua sắm của người dân.

Tòa nhà 8B Lê Trực xây sai rồi xin hiến để xóa sai phạm

Việc một chủ đầu tư ngang nhiên xây Trung tâm văn phòng thương mại cao cấp  sai vượt phép 5 tầng tại số 8 B Lê Trực. Một vị trí rất gần với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tòa nhà Quốc hội được cho là nhạy cảm. Điều đáng nói công trình cao sừng sững như vậy buộc phải cắt ngọn sau khi được báo chí phát hiện, phanh phui Thủ tướng Chính phủ có ý kiến yêu cầu UBND thành phố Hà Nội có báo cáo. Tất cả những vụ việc nổi cộm xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn Hà Nội đều do người dân và báo chí phát hiện. Sự thờ ơ của một bộ phận cán bộ có trách nhiệm đã khiến cho những vụ việc gây bất bình trong nhân dân ngày càng xảy ra ở mức độ nghiêm trọng hơn.

Tòa nhà 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

Sau đó, tại Hội nghị lần thứ 23 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội (khóa 15) diễn ra sáng ngày 13/10, Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị chỉ đạo xử lý nhất quán, kiên quyết bằng cách cắt ngọn công trình tòa nhà sai phép tại số 8B Lê Trực, quận Ba Đình, Hà Nội.

Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định, đây là vi phạm nghiêm trọng. Báo cáo của UBND thành phố với Thủ tướng đã xác định mức độ vi phạm, nguyên nhân và đã đề ra hướng xử lý. Về biện pháp xử lý sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực, ông Phạm Quang Nghị đề nghị Sở Xây dựng, Sở Kiến trúc xử lý nghiêm theo quy định của thành phố bằng biện pháp “cắt ngọn công trình”.

Sai chỗ nào cắt chỗ đó. Sai 16m cắt đi 16m, sai thiết kế không giật cấp, yêu cầu giật cấp. Giả sử có gì phải gia cố để cho ngôi nhà hoàn thiện, đó là trách nhiệm chủ đầu tư phải làm. Bí thư Thành ủy Hà Nội cũng đề nghị phải kiểm điểm, xử lý nghiêm túc đến nơi, đến chốn những người đã thanh tra, kiểm tra lập biên bản mà không xử lý kịp thời, thậm chí không báo cáo với lãnh đạo thành phố.

Trước bày tỏ mong muốn từ phía chủ đầu tư hiến các tầng xây dựng sai phép cho Nhà nước sử dụng vào mục đích công ích có lợi cho cộng đồng, ông Phạm Quang Nghị cho biết, ông chưa nghe thông tin này. Theo ông Nghị, không thể dùng hình thức hiến hay tặng để đánh đổi cho những sai phạm. Nhà nước không khuyến khích những việc làm như thế. Nếu nhà nước chấp thuận thì lần sau các chủ đầu tư khác cũng làm sai.  

Ông Phạm Quang Nghị cũng cho biết, chưa bao giờ có tiền lệ xây dựng sai phép xong đề nghị hiến tặng nhà nước và dư luận cũng không nên khuyến khích những ý tưởng như vậy.

Chặt hạ cây xanh: Kiểm điểm trách nhiệm lãnh đạo thành phố

Trước đó, vụ chặt hạ cây xanh ở Hà Nội một lần nữa cho thấy năng lực và trách nhiệm của những cán bộ công chức có vấn đề. Sau khi có kết luận thanh tra người đứng đầu thành phố đã tự kiểm điểm trách nhiệm.

Kết luận của Thanh tra Hà Nội đã chỉ ra các sai phạm trong việc thực hiện Đề án chặt hạ hơn 6.700 cây xanh. Trong đó, Sở Xây dựng vi phạm nhiều quy định do chính mình ban hành. Thanh tra đề nghị "nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND thành phố do thiếu kiểm tra, sâu sát trong chỉ đạo, triển khai thực hiện".

Chặt hạ cây xanh.

Theo Kết luận Thanh tra thành phố: Việc lập Đề án cải tạo, thay thế cây xanh đô thị hai bên đường Hà Nội giai đoạn 2014 - 2015 là bước cụ thể hóa Quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa, hồ nước đến năm 2015, chủ trương là đúng đắn.

Tuy nhiên, khi triển khai thực hiện Đề án chặt hạ 6.700 cây xanh, Sở Xây dựng chưa tranh thủ rộng rãi ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, cộng đồng dân cư nơi chịu tác động ảnh hưởng. Công tác thông tin, tuyên truyền trước và trong quá trình thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh chưa thực hiện tốt, chưa sâu rộng nên chưa tạo được sự đồng thuận cao của người dân sở tại và nhân dân thủ đô.

Theo Thanh tra TP Hà Nội, việc xác định, ước tính chi phí cải tạo, thay thế cây xanh theo cách tính bình quân 10 triệu đồng/cây  là không khoa học, chưa phù hợp với nội dung thực hiện cho từng loại cây, từng tuyến phố.

Thanh tra Hà Nội xác định trách nhiệm để xảy ra những hạn chế, thiếu sót này thuộc về Sở Xây dựng. Sở Thông tin - Truyền thông cũng có trách nhiệm khi không thông tin đầy đủ, rõ ràng cho người dân được biết; đồng thời, lãnh đạo UBND TP Hà Nội cũng có trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, kiểm tra thiếu sát sao.

Theo Thanh tra Hà Nội, UBND TP Hà Nội cần chỉ đạo rà soát, điều chỉnh biện pháp, cách làm, khắc phục những việc làm không phù hợp vừa qua trong việc cải tạo, thay thế cây xanh trên địa bàn TP Hà Nội đảm bảo theo đúng quy định, thiết thực, hiệu quả. Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền tạo đồng thuận trong nhân dân cần được làm tốt hơn.

Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của lãnh đạo UBND TP do thiếu kiểm tra, sâu sát trong chỉ đạo, triển khai thực hiện cải tạo, thay thế cây xanh trong thời gian qua.

Chỉ đạo kiểm điểm và xử lý kỷ luật theo quy định đối với các đơn vị, cá nhân thuộc Sở Xây dựng và các đơn vị liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện để xảy ra những hạn chế, thiếu sót nêu trên.

Đối với Sở Xây dựng, cần kiểm điểm và xử lý kỷ luật đối với tập thể, cá nhân lãnh đạo Sở Xây dựng và những cá nhân trực tiếp liên quan: Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật môi trường và công trình ngầm, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên