Nỗi buồn địa đạo

Chứng tích về một địa đạo lịch sử trong suốt những năm ròng kháng chiến gian khổ trong vùng cát trắng Quảng Nam đang ngày một bị vùi lấp đi

Phải mất hơn nửa giờ vòng vèo trong những ngõ nhỏ chằng chịt, tìm đến toát mồ hôi, chúng tôi mới được một cậu bé chăn bò dẫn tới địa đạo Kỳ Anh (xã Tam Thăng, TP Tam Kỳ, Quảng Nam) - một trong ba địa đạo nổi tiếng nhất Việt Nam còn tồn tại sau địa đạo Củ Chi (TP HCM), địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị). Giữa vùng cây cối rậm rạp, đình Thạch Tân, nơi có lối vào của địa đạo hiện ra trước mắt chúng tôi buồn hiu hắt. Cậu bé chăn bò nói trỏng: “Lâu lắm rồi mới có người vào thăm!”…

Nơi 12 chiến sỹ du kích hy sinh giờ chỉ còn một tấm bia mờ

Một thời lửa đạn của vùng cát

Địa đạo Kỳ Anh được đào từ năm 1965 - 1969. Đây là căn cứ địa vững chắc và quan trọng cho cả vùng Đông thị xã Tam Kỳ trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Ngày 1/1/1965, dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Bá và Nguyễn Minh Tuân, nhân dân thôn Thạch Tân đào hầm chiến đấu, cất giấu lương thực, thuốc men.

Tuy là vùng đất cát nhưng nằm sâu dưới lớp cát độ chừng một mét là tầng đá cóc màu nâu sẫm. Đất đào lên được đem làm nền nhà, đắp thành mộ giả nên kẻ thù không phát hiện được. Cứ thế, chỉ sau một thời gian, vừa kiên trì chống địch càn vừa đào hầm theo thế liên hoàn, quân dân Kỳ Anh đã hình thành một hệ thống điạ đạo với hơn 16km trải dài khắp 9 thôn của xã Kỳ Anh.

Suốt 5 năm liền chiến đấu trong lòng địch, hơn 16 km địa đạo được hình thành trong lòng đất xã Tam Thăng, cứ 10m lại có 1 lỗ thông lên, được che dấu bằng những rặng tre. Địch càn, dừng đào, địch rút, tiếp tục đào. Và kẻ địch không thể ngờ, dưới những trảng cát trắng ấy, có một địa đạo chở che cho những chiến sĩ cách mạng.

Địa đạo tập trung nhiều nhất ở thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình với chiều dài gần 16km chạy ngang dọc như bàn cờ qua các xóm. Cũng tại hai thôn này, có hai địa điểm cực kỳ trọng yếu là ngôi đình cổ thôn Thạch Tân và giếng nước ông Hồ Kỳ.

Đình Thạch Tân nơi có cửa xuống di tích địa đạo

Ngôi đình cổ Thạch Tân gồm năm gian khá rộng, nền vuông. Phía dưới đình, quân ta đã đào hai căn hầm bí mật để làm nơi chứa lương thực, thuốc men... và cứu thương, nuôi dưỡng thương binh trước khi chuyển lên tuyến trên. Cả hai căn hầm gần 140m2 ăn thông với các ngách hầm địa đạo. Còn giếng vuông của ông Hồ Kỳ có bốn ngách thông ra các ngả địa đạo, cách thức thả gàu múc nước là những ám hiệu ông Hồ Kỳ thông báo quân giặc tiến đến hay rút về.

Ông Huỳnh Kim Ta, Trưởng thôn Thạch Tân dẫn chúng tôi thăm địa đạo, vừa đi ông vừa kể: “Thôn Thạch Tân này hồi ấy nhà nào cũng theo cách mạng cả. Không một người nào theo địch, ngay cả trẻ con cũng biết đến cách mạng rồi!”.

Đến nhà nào ở thôn Thạch Tân cũng thấy những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những câu khẩu hiệu “Không có gì quý hơn độc lập tự do” treo ngay ngắn trước cổng, trước nhà. Một thời lửa đạn dưới lòng địa đạo đã được đáp đền khi nhà nước công nhận nơi đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Bao người dân nơi đây đã vui mừng không xiết đón nhận tin vui ấy. Nhưng…

Còn gì cho thế hệ mai sau?

Chúng tôi theo lối dưới ngôi đình cổ Thạch Tân vào trong lòng địa đạo. Sau nhiều lần trung tu, sửa chữa với một số tiền không nhỏ nhưng địa đạo này không còn giống như xưa nữa.

Trong lòng địa đạo.

Địa đạo trước đây được đào bí mật, qua lớp cát sâu cách mặt đất từ 1 - 1,5m rồi đào ngang; lòng địa đạo rộng từ 0,8 - 1m; cao từ 1,2 - 1,5m; và cứ khoảng 10m thì có 1 lỗ thông hơi. Các lỗ thông hơi này được ngụy trang nằm ở các bụi tre nằm rải rác quanh làng. Đường địa đạo hình xương cá, chạy chằng chịt trong lòng đất, đi qua 9 thôn của xã Tam Thăng dưới các lũy tre làng, xuyên qua các hộ gia đình với tổng chiều dài hơn 16km. Các miệng hầm thường nằm trong nhà dân hoặc nằm trong các bụi tre. Đường địa đạo tập trung nhiều nhất ở thôn Thạch Tân và Vĩnh Bình có sức chứa đến 3 tiểu đoàn. Trong địa đạo có hầm cứu thương, ẩn mật, tác chiến… Đặc biệt, còn có hầm xuyên qua các giếng nước để cung cấp nước sạch cho cán bộ, chiến sĩ và đường hầm thoát nước ra sông Đầm để tránh nước ứ đọng vào mùa mưa.

Khi chúng tôi lom khom bò sâu vào trong lòng địa đạo tối om, mới đi được khoảng hơn 20m đã chẳng còn lần ra được đường đi nữa, bởi nó đã bị sập. “Chưa đầy hai năm sau khi trùng tu thì đường hầm địa đạo bị sụp hoàn toàn, không vết tích và trở thành bãi chứa rác của những người dân xung quanh. Thi công quá đơn giản và sơ sài!”, ông Huỳnh Kim Ta chua chát nói khi chúng tôi lên đến miệng hầm.

Không xót xa sao được khi hầm địa đạo ngày xưa có tổng chiều dài hơn 16km nay chỉ còn được vài chục mét, dẫu đã được tu sửa bằng bê tông nhưng vẫn tối om, rêu bám đen, phủ đầy cây dại và cỏ rác, lẩn khuất trong hàng rào dọc hai bên đường đi, cũ nát và thê thảm.

Bàn thờ các chí sỹ, chiến sỹ trong đình Thạch Tân.

Nơi 12 chiến sĩ du kích quả cảm hy sinh ngày trước bây giờ không có gì hơn ngoài tấm bia lở lói, chữ đã nhòe được dựng ngay đầu thôn. “Năm 1998, địa đạo được chỉnh trang tu sửa. Nhưng gần hai năm sau đã sập xuống thế này đây!”, bác Phạm Hồng Diện, một người dân sống ngay bên cạnh nơi hy sinh của các chiến sỹ ngậm ngùi.

Bà Trần Thị Lan - người trực tiếp tham gia đào địa đạo và tiếp tế cho cách mạng khi nghe chúng tôi hỏi đã trầm ngâm: “Rồi mai này lớp trẻ trong thôn, trong xã đâu còn biết đến quá khứ hào hùng của ông cha nữa, khi chứng tích về một địa đạo lịch sử mà cha ông họ đã gây dựng trong suốt những năm ròng kháng chiến gian khổ trong vùng cát trắng đang ngày một bị vùi lấp đi. Nhiều lúc đi qua những đoạn đường địa đạo, những miệng hầm xưa kia lại thấy buồn, thật buồn!”.

Địa đạo dài hơn 16km xưa chỉ một lần duy nhất được chống xuống cấp vài ba trăm mét, và bây giờ, dấu ấn để lại chỉ là những tấm bê tông được che chắn sơ sài lên vài ba miệng hầm địa đạo. Có lẽ, đây không chỉ là nỗi buồn của người dân xã Kỳ Anh ngày xưa, và xã Tam Thăng bây giờ mà còn là sự nuối tiếc của những chiến sỹ đã từng một thời bom đạn được địa đạo Kỳ Anh che chắn.

Rời ngôi đình cổ Thạch Tân, chúng tôi lại phải nhờ đến cậu bé chăn bò chỉ đường mới ra khỏi được thôn Thạch Tân chằng chịt những đường ngang ngõ tắt không hề có biển chỉ đường. Cậu bé tò mò: “Các chú vào để làm chi! Có còn chi nữa mà coi!”. Câu nói của cậu bé làm chúng tôi giật mình. Phải rồi, nếu không giữ thì chỉ mấy năm nữa thôi địa đạo sẽ bị sập hoàn toàn, và cái địa danh này sẽ chỉ còn trên giấy và trong trí nhớ của những người trực tiếp tạo ra nó, nhưng đang ngày một ra đi. Tôi lại nhớ đến thắc thỏm lời bà Lan: “Còn gì cho lũ trẻ ngày sau???!./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên