Nỗi đau “da cam”

Cầm súng đi khắp các chiến trường, trải qua bao trận đánh “mười mất một còn”, những vết thương ngang dọc trên người ông giờ cũng đã lành theo năm tháng. Nhưng có một nỗi đau đến giờ vẫn chưa nguôi...

Nỗi đau mà có lẽ còn đeo đẳng ông đến suốt cuộc đời - đó là những đứa con tật nguyền do ảnh hưởng của chất độc da cam/dioxin. Người đàn ông bất hạnh ấy tên là Lương Thanh Xuân, 64 tuổi, ở thôn 9, xã Động Quan, huyện Lục Yên, Yên Bái.

 “Buồn lắm, chú ơi!”

Chúng tôi tìm đến nhà ông khi trời đã quá trưa. Những cơn mưa cuối thu giăng giăng và những làn gió lạnh thổi tới như càng khiến cho ngôi nhà thêm hiu hắt. Mới bước chân tới cổng, những tiếng la hét của những con người tội nghiệp khiến lòng chúng tôi quặn thắt. Trước mắt chúng tôi là hình ảnh người cha già đờ đẫn giữa đám con ngây dại. Mùi phân, mùi nước tiểu bốc lên khắp gian nhà.

Khách bước lên nhà từ lúc nào mà ông Xuân vẫn không hay. Ông ngồi dựa lưng vào sàn nhà như bất lực và lặng lẽ nhìn ba đứa con tội nghiệp nằm quắt quay trên sàn nhà mà không một tấm vải che thân, chốc chốc lại cố rướn tấm thân oặt ẹo bò ngang dọc khắp sàn. Có lẽ bao nhiêu năm xông pha bom đạn với những vết thương ngang dọc trên mình cũng không thể khiến ông đau đớn hơn lúc này. Rồi như chợt tỉnh bởi tiếng chào của chúng tôi, ông quay sang quệt ngang dòng nước mắt đã mờ đục. Vội vã tìm quần áo mặc lại cho ba người con, miệng ông lẩm bẩm: “Các con ơi, có khách, mau nằm im để bố mặc quần áo lại cho”. Nhưng đáp lại lời người cha già chỉ là những ánh mắt ngờ nghệch, ngơ ngác và cả những tiếng kêu gào giãy giụa.

Vừa cố hết sức mình để mặc lại quần áo cho con, ông vừa tâm sự: “Khổ lắm các chú à, suốt ngày chúng nó kêu la, xé rách rồi tự lột trần quần áo. Tôi sức già gắng mấy cũng không cản nổi. Buồn lắm mà chẳng biết làm sao”. Cố gắng thu dọn lấy một khoảnh nhỏ mời khách ngồi, ông trầm ngâm kể về những ký ức xa xưa. Có lẽ với người lính già này, đó là khoảng thời gian không thể nào quên.

Nuốt những giọt nước mắt, ông Xuân cố mặc lại quần áo cho từng người con
Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1964, ông nhập ngũ rồi đi vào chiến trường Đông Nam bộ, thuộc Trung đoàn 141, Sư 7, Tiểu đoàn 4. Sau ngày đất nước giải phóng, ông trở lại quê hương và kết duyên cùng một cô gái làng bên. Hạnh phúc tưởng chừng như đã mỉm cười với người cựu chiến binh này khi 5 người con khỏe mạnh lần lượt ra đời, đó là Lương Văn Tới (sinh năm 1978), Lương Văn Đích (sinh năm 1980), Lương Thị Tuyết (sinh năm 1982), Lương Văn Tuyến (sinh năm 1984), Lương Văn Dưỡng (sinh năm 1986).

Nhưng thật nghiệt ngã khi trong năm người con thì ba người đã mang trong mình chất độc da cam/dioxin. Thế là vợ chồng ông phải chạy vạy khắp nơi, bán hết mọi đồ đạc trong nhà, rồi ai thuê gì làm nấy để cốt mong sao có tiền đưa con đi chữa chạy. Nhưng hết lần này đến lần khác, hết bệnh viện này đến bệnh viện khác, sức lực hai vợ chồng gần như đã cạn nhưng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu từ bác sĩ.

Và rồi hơn 30 năm qua, vợ chồng ông chỉ còn biết ôm con mà khóc mỗi khi chúng lên cơn kêu gào, đập phá. “ở chiến trường, tôi cứ khấp khởi mong ngóng ngày về để được có những đứa con và được thấy chúng khôn lớn trưởng thành. Đâu ngờ... Năm tháng cứ trôi qua mà chúng cứ suốt ngày nằm oặt ẹo không một lần gọi cha. Chỉ duy có thằng Tới là có vẻ lành lặn hơn cả nhưng tay chân cứ luỳnh khuỳnh, cái Tuyết thì trán dô, đi khám bác sĩ kết luận là hẹp não. Chúng nó may mắn đã lập được gia đình nhưng cũng đau ốm liên miên. Chúng nó đã bị chất độc dioxin hại cả rồi…” - ông Xuân thở dài.

 Nếu một ngày kia...

Cả gia đình ông Xuân giờ trông cả vào vài ba sào ruộng vụ được vụ mất, nhân lực chính lại chỉ có hai ông bà già. Hai vợ chồng ông phải thường xuyên thay phiên nhau, người đi ra đồng, người ở nhà trông con. Ông tâm sự: “Bé phải bồng bế đã đành. Giờ có đứa đã gần 30 tuổi rồi mà vẫn thế. Khổ quá chú ơi”. Câu chuyện bỗng dưng bị ngắt quãng bởi những tiếng la hét của những đứa con tội nghiệp. Rồi ông phát hiện trong ba người con, có người vừa… bậy ra nhà. Ngưng cuộc trò chuyện, ông lò dò đi xách ấm nước lã để rửa ráy cho đứa con tội nghiệp. “Không đủ cơm ăn mình còn có thể nhịn cho chúng nó ăn, khổ nhất là chuyện vệ sinh, tắm rửa cho chúng nó. Bây giờ còn khỏe, còn có thể lo được, không biết sau này mất đi rồi ai sẽ lo đây”, giọng ông tuyệt vọng.

Những con người bất hạnh này sẽ ra sao nếu một ngày kia, vợ chồng ông Xuân cũng không còn nữa?
Hai vợ chồng ông Xuân năm nay đều đã ngoài 60 tuổi. Mái đầu giờ “muối đã nhiều hơn tiêu” lại phải gồng trên vai gánh nặng ba đứa con tội nghiệp. Tuổi già nhưng hai vợ chồng ông “không dám ốm” bởi hai tấm lưng già ngày ngày vẫn phải phơi ra giữa đồng để kiếm miếng cơm cho con. Và nếu có ốm thì có lẽ cũng chẳng thể có tiền để thuốc thang vì tất cả đều đã dành hết cho con. Ba đứa con ngây dại là nỗi đau nhưng cũng chính là động lực để vợ chồng ông gắng gượng sống qua ngày. Rồi ông nghẹn ngào: “Chúng có tội tình gì đâu. Sống được ngày nào, vợ chồng tôi phải lo cho chúng chu đáo ngày đó. Chúng đã thiệt thòi hơn người, sao nỡ bắt chúng phải chịu đói, chịu rét…”.

Gần 30 năm qua, kể từ ngày vợ chồng ông Xuân lấy nhau và sinh đứa con đầu lòng, người làng dường như đã quen với cảnh vợ chồng ông thay nhau chạy vạy khắp nơi để lo cái ăn và thuốc thang cho ba người con tội nghiệp. Hiếm khi thấy hai vợ chồng có được một phút nghỉ ngơi. Cuộc sống của cả gia đình ông lâu nay chỉ biết trông cả vào đám ruộng và những đồng trợ cấp ít ỏi. Nhìn khắp nhà không một vật gì đáng giá, chúng tôi phần nào hiểu được những khó khăn mà hai vợ chồng già đang phải đối mặt. Nhưng có lẽ với hai con người đã ở tuổi xế bóng này, nỗi day dứt lớn nhất là những đứa con tội nghiệp sẽ ra sao nếu một ngày kia, họ cũng sẽ không còn…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên