"Nói đến đột phá trong học đại học, chung quy về một chữ làm ngược"

VOV.VN - “Cuộc CMCN 4.0 đang mở ra những cơ hội làm ngược. Nói đến đột phá trong việc học đại học, chung quy về một chữ làm ngược”.

Đây là phát biểu của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo: “Chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hôm nay (9/12).

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc CMCN 4.0 mà chủ yếu là công nghệ số và chuyển đổi số mở ra những cơ hội để cái mới thay thế cái cũ, đại học mới thay thế đại học cũ.

Mỗi cuộc cách mạng công nghiệp sẽ tạo ra cơ hội chỉ cho một vài nước bứt phá nhanh để vươn lên thành nước phát triển, tạo cơ hội cho một vài đại học bứt phá vươn lên thành đại học hàng đầu. Đó là các nước, các đại học dám đi đầu và đi nhanh. 

Bộ trưởng cho rằng, trong 3 cuộc CMCN trước đây, thì sự thay đổi về công cụ là chính, giải phóng chân tay, nhưng đầu tư cho những công cụ vật chất này lại phụ thuộc vào khả năng kinh tế của mỗi nước. Nó không phải câu chuyện muốn hay không, mà là có khả năng kinh tế hay không. Tuy nhiên, trong cuộc CMCN lần thứ 4, mọi thứ đã thông minh hóa, thay đổi phương thức, mô hình là chính. Nó giải phóng cách nghĩ về công việc, cuộc sống, cách con người sống và làm việc, là cuộc cách mạng về thể chế, khi mà công nghệ đã sẵn sàng và đang đợi những thay đổi thể chế.

Công nghệ số nếu tính chi phí trên đầu người sẽ rất rẻ, càng nhiều người dùng sẽ càng rẻ, gần như bằng 0. Do đó, câu chuyện chính của CMCN 4.0, của chuyển đổi số là có muốn hay không, có dám hay không chứ không phải có khả năng hay không.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nói đến đột phá trong việc học đại học, chung quy về một chữ “làm ngược”: “Cuộc CMCN 4.0 mở ra cơ hội về sự làm ngược. Làm ngược nhưng mang lại kết quả, hiệu quả bất ngờ, mở ra cơ hội của các đột phá, cơ hội cho những người đi sau, nhưng không phải cho người đi sau đi theo cách của cách người đi trước. Vì đi theo cách này sẽ mãi mãi là người đi sau. Các công nghệ 4.0 chủ yếu hỗ trợ cho sự làm khác, làm ngược. Và bằng cách này, chúng ta sẽ đi trước một cách vượt trội”.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng, trong bối cảnh mới, Việt Nam đang có nhiều cơ hội để bứt phá, phát triển, trong đó, giáo dục cũng cần những thay đổi mới: “Trước đây đầu vào là quan trọng, cách học là quan trọng, dạy học là quan trọng… Bây giờ, đầu ra là quan trọng vì học thế nào thì sinh viên có thể tự lo. Có vẻ như dạy bằng cách không dạy, mà định hướng là chính.

Trước đây đại học so với chính mình, bây giờ đại học lại so với đại học khác. Vì thế việc ban hành độ tiêu chí, đo đạc, đánh giá, công bố là quan trọng. Cái gì không đo được thì không quản lý được và không thúc đẩy được. Trước đây học cái có trong SGK, bây giờ học cả cái chưa có trong SGK.

Ngành Giáo dục đào tạo huy động được nhiều hơn những người không phải là giáo viên chính thức vào giảng dạy. Trước đây, giáo viên là thầy, bây giờ giáo viên là huấn luyện viên. Sinh viên làm là chính và kết quả là trò giỏi hơn thầy.

Trước đây học cách giải quyết vấn đề là chính, giờ đây học cách tìm ra vấn đề là chính. Vì thế, việc dạy và học cũng thú vị hơn, hữu ích cho cả người dạy và người học. Bây giờ việc học là cả đời, việc dạy học trong trường có thể rút ngắn đi”...

Những thay đổi trên và nhiều thay đổi khác nữa có thể thực hiện rất nhanh thông qua chuyển đổi số. Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành đã đặt chuyển đổi số về giáo dục lên ưu tiên cao nhất.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, chuyển đổi số giáo dục và đào tạo, nhất là đại học và dạy nghề có lẽ là con đường đúng nhất, nhanh nhất để tạo ra sự đột phá cho ngành. Khi đại học nằm trong các nền tảng chuyển đổi số, mặt bằng đại học sẽ lập tức được nâng lên một cách đáng kể. Chuyển đổi số đại học việc đầu tiên cần làm là chuyển đổi toàn bộ trường đại học thành một quốc gia số thu nhỏ. Và hoạt động của đại học, giáo viên, sinh viên sẽ chuyển lên môi trường số.

Mỗi người trong đại học sẽ có một định danh số. Đại học là một xã hội thu nhỏ, sinh viên là những người trẻ năng động về công nghệ, rất thuận lợi để xây dựng một xã hội học tập số.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết, với quy mô hơn 53.000 cơ sở GD-ĐT, 24 triệu học sinh, sinh viên và 1,4 triệu giáo viên, ngành giáo dục xác định chuyển đối số có vai trò rất quan trọng để triển khai đổi mới căn bản toàn diện, nâng cao hiệu lực hiệu quả các hoạt động giáo và nâng cao chất lượng giáo dục; thực hiện tốt chuyển đổi số ngành sẽ góp phần triển khai thành công Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đóng góp cho nền kinh tế số, xã hội số và hình thành quốc gia số, đây là cơ hội để Việt nam có thể đuổi kịp, thu hẹp khoảng cách với những nước phát triển trên thế giới.

Bên cạnh đó, một nhiệm vụ ngành giáo dục rất quan tâm là làm sao tạo ra những công dân Việt Nam có kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số để trở thành những công dân toàn cầu. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, việc chuyển đổi số thực tế đã được triển khai rất tích cực trong nhiều lĩnh vực khác nhau và đạt được những kết quả tích cực. Dịch Covid-19 tạo áp lực nhưng cũng đồng thời tạo động lực để chuyển đổi số trở nên mạnh mẽ hơn, tạo cơ hội và động lực để giáo viên, học sinh thích ứng, áp dụng phương thức dạy học trực tuyến. Kết quả của việc dạy học trực tuyến trong dịp Covid-19 được đánh giá tốt. 

Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, cần tổ chức lại, làm bài bản để hiệu quả cao hơn. Cụ thể là phải có nền tảng công nghệ quốc gia thống nhất để các tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, các giáo viên, học sinh… đều tham gia nền tảng thống nhất đó để hoạt động được nhanh, hiệu quả, nhanh./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội
Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội

VOV.VN - Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 diễn ra trong 2 ngày 14-15/12 tại Hà Nội, với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội”.

Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội

Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội

VOV.VN - Ngày chuyển đổi số Việt Nam 2020 diễn ra trong 2 ngày 14-15/12 tại Hà Nội, với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Đổi mới phương thức vận hành toàn xã hội”.

Chuyển đổi số ngành giáo dục, nhiệm vụ cấp bách nhưng còn khó khăn
Chuyển đổi số ngành giáo dục, nhiệm vụ cấp bách nhưng còn khó khăn

VOV.VN - Bộ GD-ĐT cho biết đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu học sinh và 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.

Chuyển đổi số ngành giáo dục, nhiệm vụ cấp bách nhưng còn khó khăn

Chuyển đổi số ngành giáo dục, nhiệm vụ cấp bách nhưng còn khó khăn

VOV.VN - Bộ GD-ĐT cho biết đã xây dựng được hệ thống cơ sở dữ liệu của gần 53.000 trường học các cấp, 25 triệu học sinh và 1,5 triệu giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.