Kỷ niệm 180 năm huyện Yên Thành - Nghệ An:

Nơi học để làm người

VOV.VN - Yên Thành, một vùng quê lúa, một vùng đất văn hóa, hiếu học của xứ Nghệ. Vùng đất "gạo trắng nước trong" ấy nay sáng bừng một tương lai rộng mở.

Mảnh đất này lưu giữ những nét truyền thống, tập tục văn hóa đặc sắc của nền văn minh lúa nước. Vùng đất “gạo trắng nước trong” ấy nay sáng bừng một tương lai rộng mở.

Vùng đất của văn hoá - hiếu học

Nhiều lần, tôi được nghe những người con của mảnh đất Yên Thành kể đầy tự hào về vùng đất nổi tiếng về gạo, về khoa bảng này.

Nhà thơ Ngô Đức Tiến, Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật huyện, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành cho biết: “Yên Thành từ lâu đã được biết đến là một vùng đất cổ, nơi quần tụ của nhiều dòng họ cùng sinh sống.

Dân ca ví dặm là “đặc sản” giúp Yên Thành níu chân du khách gần xa.
Từ thời Tiền Lê, thời Lý, nhiều cuộc di dân, khai hoang về miền đất này đã được đẩy mạnh, lập nên những hương ấp, xóm làng trù phú, hình thành nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, là vựa lúa của vùng Bắc Trung bộ mang đậm đặc trưng của văn minh lúa nước”.

Từ đời này qua đời khác, người dân nơi đây cùng nhau xây dựng, gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa mà các thế hệ cha anh để lại. Nghề nghiệp, địa vị tuy khác nhau, song người Yên Thành có điểm chung là cần cù trong sản xuất, đoàn kết trong đấu tranh và cùng chung tay xây dựng đất nước.

Tự hào về nơi đã lưu giữ những ký ức tuổi thơ tươi đẹp, ngọt ngào, anh Trần Ngọc Hiển, quê xã Trung Thành, hiện công tác tại Quân chủng Phòng không - Không quân bày tỏ: “Đất Yên Thành nổi tiếng là vùng đất văn hóa, hiếu học - nơi có vị trạng nguyên đầu tiên của xứ Nghệ. Chính những tên đất, tên làng từ lâu đã được nhân dân hình tượng hóa thể hiện khát vọng vươn tới đỗ đạt khoa bảng, với triết lý “học để biết, biết để làm người”, “cho con một cục vàng không bằng cho con một nang chữ”. Điều đó lại được chắt lọc, chưng cất qua bao thế hệ trở thành truyền thống hiếu học và tôn trọng nhân tài của người dân Yên Thành ngày nay”.

Về quê lúa Yên Thành, du khách được thưởng thức những làn điệu dân ca ví dặm đơn sơ, mộc mạc, thấm đượm tình người của những người nông dân chân chất, một nắng hai sương với ruộng đồng.

Hiện nay, dân ca ví dặm ở vùng đất quê lúa này ngày càng phong phú và đa dạng. Nó là nguồn cảm hứng bất tận của người dân Yên Thành.

Đến bất kỳ xã nào trong huyện, nhất là vào những dịp lễ hội, ngày xuân, đều được nghe những làn điệu dân ca ví dặm da diết níu chân người.

Anh Trần Ngọc Hiển cho biết: “Nét văn hóa độc đáo duy chỉ có ở Yên Thành, đó là sự ngẫu hứng của một người dân khi “tức khẩu thành điệu tuồng”.

Tuồng Kẻ Gám là nét văn hóa đặc trưng còn lưu giữ từ ngàn đời xưa và đến hôm nay trong bề bộn của cuộc sống hiện đại thì nơi đây các CLB tuồng vẫn tồn tại và phát triển như là một nhu cầu sinh hoạt tinh thần không thể thiếu”.

Ngoài tuồng, Yên Thành có các CLB chèo ở Lăng Thành, các CLB dân ca ví dặm.

Giữa mảnh đất miền Trung nắng cằn sỏi đá, vùng đất xã Lăng Thành (huyện Yên Thành) đã có nghệ thuật hát chèo từ lâu đời nổi tiếng cả một vùng.

Ông Ngô Đức Tiến cho hay, nghệ thuật hát chèo được du nhập vào Nghệ An qua con đường giao thương, buôn bán, dần dần phát triển, trở thành một món ăn tinh thần đặc sắc của người dân nơi đây.

Từ nền văn minh lúa nước trên vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử, cách mạng, hiếu học và khoa bảng ấy đã để lại cho Yên Thành hệ thống di tích đình, đền, chùa, miếu mạo và danh thắng hấp dẫn.

Trên 500 di tích, danh thắng là những điểm du lịch tham quan vãn cảnh, tìm hiểu văn hóa lịch sử, tâm linh của vùng quê lúa.

Sở hữu một quần thể rừng sinh thái có hệ động, thực vật khá phong phú như rừng Xanh Gám, rừng lim nguyên sinh Lăng Thành, Hậu Thành... Yên Thành còn có trên 270 sông ngòi, hồ đập lớn nhỏ uốn mình bên những vách núi và các rừng cây bạt ngàn, vừa là nơi cung cấp nước sinh hoạt, nước phục vụ sản xuất, đồng thời là những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn như đập Vệ Vừng, hồ Quản Hài, đập Lọ Nồi, đập Sặt, hồ Xuân Nguyên, đầm sen Diệu Ốc, lèn Vũ Kỳ…

Vốn nổi tiếng với những cánh đồng trù phú, thẳng cánh cò bay, như: Hoa Thành, Nhân Thành, Văn Thành, Hợp Thành..., nơi này còn nổi tiếng hơn với thương hiệu cam Yên Thành, đặc sản mới được khám phá trong 10 năm qua với hương vị đặc biệt thơm ngon, độ đậm đà tan chảy của từng múi cam...

Huyện Yên Thành đã được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý: Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; Huân chương Lao động hạng Nhì, hạng Ba; nhiều tập thể, cá nhân được tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động... Ngày 10/12/1961, Yên Thành vinh dự được đón Bác Hồ về thăm. Năm 2017, Yên Thành được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
Tương lai sáng lạn

Sau bao năm xa quê, nay trở lại Yên Thành trong một không khí đặc biệt - kỷ niệm 180 năm ngày thành lập huyện, anh Trần Ngọc Hiển hào hứng chia sẻ: “Yên Thành giờ đã “thay da đổi thịt”. Những con đường bê tông trải dài nối liền giữa các thôn, xóm; những ngôi nhà cao tầng san sát; trường học, trạm y tế, nhà văn hóa... được đầu tư xây dựng khang trang; những cánh đồng như được khoác một tấm áo tươi mới. Cuộc sống của người dân đang khởi sắc từng ngày”.

Trong suốt chiều dài lịch sử xây dựng và phát triển gần 2 thế kỷ qua, Đảng bộ và nhân dân Yên Thành luôn luôn phát huy truyền thống tốt đẹp của cha ông, chủ động vượt qua mọi thử thách, bước vào thời kỳ đổi mới và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Mỗi cấp ủy Đảng và cán bộ, đảng viên luôn luôn tự rèn luyện mình để có quyết tâm cách mạng cao, có tư duy chính trị đúng đắn, dám nghĩ, dám làm, không thụ động, chờ đợi.

Toàn Đảng, toàn dân tập trung đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, đẩy lùi tư tưởng bao cấp, thực hiện giao đất, giao rừng, phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại; chuyển đổi ruộng đất, đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng để từng bước phát triển sản xuất nông nghiệp; chú trọng công nghiệp, dịch vụ; nâng cấp kết cấu hạ tầng nhất là giao thông; đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM).

Nhờ vậy, từ một huyện nghèo, thuần nông, cơ sở hạ tầng thấp kém; công nghiệp, thương mại, dịch vụ phát triển chậm, đến nay, kinh tế của Yên Thành duy trì tốc độ tăng trưởng khá; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 32 triệu đồng; thu ngân sách đứng trong tốp đầu của tỉnh. Nền nông nghiệp phát triển, tăng cả về quy mô, năng suất và hiệu quả, theo hướng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhiều sản phẩm nông nghiệp của Yên Thành nổi tiếng, có thương hiệu, như: cam Minh Thành, Đồng Thành, mật ong, gà đồi, gạo thảo dược...

Phong trào xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả quan trọng, đến năm 2016, đã có 19 xã đạt chuẩn NTM, năm 2017 phấn đấu thêm 6 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, đưa tổng số toàn huyện có 25/38 xã NTM, dẫn đầu tỉnh về số xã đạt chuẩn NTM.

Công nghiệp - xây dựng có bước phát triển khá nhanh; đã quy hoạch, xây dựng được một số cụm công nghiệp và thu hút doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất hiệu quả như Nhà máy may Nhật Bản, Nhà máy gạch tuy-nel Đồng Thành, Sơn Thành, Nhà máy chế biến tinh bột sắn...

Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển đột phá, nhiều dự án, công trình được thu hút đầu tư xây dựng, như hệ thống trụ sở làm việc các xã, trường học, trạm y tế; hệ thống công trình thủy lợi. Hệ thống giao thông đã và đang được cải tạo và nâng cấp; Hệ thống chính trị vững mạnh; An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường; Diện mạo thị trấn, thị tứ và nông thôn có nhiều khởi sắc.

Tương lai sáng lạn đang rộng mở với mảnh đất giàu truyền thống hiếu học, truyền thống cách mạng Yên Thành./.

“Tôi tự hào khi được sinh ra và lớn lên trên quê hương Yên Thành.  Quê hương Yên Thành đã dạy tôi những bài học làm người đầy ý nghĩa, để tôi được lớn khôn và trưởng thành”-Anh Trần Ngọc Hiển, Quân chủng Phòng không - Không quân.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cây đại thụ của văn hóa xứ Nghệ qua đời
Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cây đại thụ của văn hóa xứ Nghệ qua đời

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cây đại thụ của Văn hóa xứ Nghệ, đã qua đời lúc 2h15 phút sáng ngày 4/2, hưởng thọ 92 tuổi.

Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cây đại thụ của văn hóa xứ Nghệ qua đời

Nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cây đại thụ của văn hóa xứ Nghệ qua đời

Sau một thời gian lâm bệnh nặng, nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh, cây đại thụ của Văn hóa xứ Nghệ, đã qua đời lúc 2h15 phút sáng ngày 4/2, hưởng thọ 92 tuổi.

Nam sinh xứ Nghệ xuất sắc giành 3 điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia
Nam sinh xứ Nghệ xuất sắc giành 3 điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia

VOV.VN - Hồ Phi Khánh học sinh trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An đã xuất sắc đạt được 3 điểm 10 ở các môn Toán, Hóa học, Sinh học.

Nam sinh xứ Nghệ xuất sắc giành 3 điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia

Nam sinh xứ Nghệ xuất sắc giành 3 điểm 10 trong kỳ thi THPT quốc gia

VOV.VN - Hồ Phi Khánh học sinh trường THPT Hoàng Mai, Nghệ An đã xuất sắc đạt được 3 điểm 10 ở các môn Toán, Hóa học, Sinh học.

Ký ức về “ông đồ xứ Nghệ” Văn Như Cương của trường Lương Thế Vinh
Ký ức về “ông đồ xứ Nghệ” Văn Như Cương của trường Lương Thế Vinh

VOV.VN -“Mấy năm trước về làng, tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đồ già, râu bạc phơ cõng mẹ già lên chùa", đồng hương của thầy Văn Như Cương nhớ lại.

Ký ức về “ông đồ xứ Nghệ” Văn Như Cương của trường Lương Thế Vinh

Ký ức về “ông đồ xứ Nghệ” Văn Như Cương của trường Lương Thế Vinh

VOV.VN -“Mấy năm trước về làng, tôi vẫn nhớ hình ảnh ông đồ già, râu bạc phơ cõng mẹ già lên chùa", đồng hương của thầy Văn Như Cương nhớ lại.