Nỗi lo điện mùa khô

Nỗi lo thiếu điện đang hiện hữu và lớn dần lên. Giải pháp được cho là hữu hiệu nhất trong thời điểm hiện nay vẫn là huy động mọi nguồn điện kết hợp với việc sử dụng tiết kiệm của doanh nghiệp và người dân.

Vào mùa khô, tình hình căng thẳng về nguồn điện lại diễn ra, do thủy điện chiếm từ 40 – 60% nguồn điện trong hệ thống điện quốc gia. Mùa khô năm nay nỗi lo thiếu điện do thiếu nguồn phát đang lớn dần lên. Giải pháp cho điện mùa khô được cho là hữu hiệu trong thời điểm hiện nay chính là huy động mọi nguồn điện kết hợp với công tác tiết kiệm của doanh nghiệp và người dân.

Chạy hết công suất vẫn không đủ điện

Theo tính toán của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), 3 tháng đầu năm nay, nhu cầu điện tăng hơn 23%, trong đó, điện cho sản xuất tăng khoảng 40%. Ở một số nơi, điện cho sản xuất tăng cao, như khu vực miền Bắc tăng khoảng 40%, TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh phía Nam tăng hơn 32%, miền Trung tăng khoảng 47%, cá biệt, Hà Nội tăng trưởng điện cho sản xuất lên tới 71%.

Bên cạnh niềm vui về đà phục hồi của nền kinh tế là nỗi lo thiếu nguồn điện, đặc biệt trong những tháng mùa khô (từ tháng 4 đến tháng 6). Ông Trịnh Ngọc Khánh – Trưởng ban Kinh doanh của EVN cho biết: Ngay từ tháng 3 đã xảy ra tình trạng căng thẳng về nguồn điện do phụ tải tăng cao và nguồn cung không đủ đáp ứng, cho dù hiện nay, tất cả các nguồn khác ngoài thủy điện như nhiệt điện chạy than, nhiệt điện chạy khí đã được phát huy hết công suất.

Ông Nguyễn Tiến Vinh, Trưởng ban Điện – Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam cho biết: Hiện nay, cả 3 nhà máy nhiệt điện chạy khí của tập đoàn đã và đang chạy hết công suất để đảm bảo cấp điện cho hệ thống. Trong thời gian này, các kế hoạch bảo dưỡng đều phải tạm dừng lại. Ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Quảng Ninh 1, một số nhà máy chưa nghiệm thu nhưng vẫn phải chạy phát điện để đảm bảo nguồn cấp cho hệ thống. Hơn 600MW điện từ các nhà máy nhiệt điện chạy than của Tập đoàn Công nghiệp Than -  Khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng được khai thác triệt để và dừng các kế hoạch bảo trì, bảo dưỡng. Tập đoàn này đang nỗ lực để đưa Nhà máy Nhiệt điện Cẩm Phả 2 (công suất 300MW) vào vận hành cuối năm nay.

Nhiệt điện Phả Lại – nhà máy nhiệt điện chạy than lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á – hiện có hai nhà máy sản xuất điện gồm 6 tổ máy có công suất 1.040MW. Được coi như địa chỉ “cứu cánh” cho điện mùa khô của miền Bắc nên Nhiệt điện Phả Lại khá chủ động trong việc bảo dưỡng máy móc, thiết bị, sẵn sàng cho sản xuất, phát điện. 3 tháng đầu năm nay, Nhiệt điện Phả Lại đã cung cấp cho toàn hệ thống được 1.826 triệu kwh, đạt 31,2% kế hoạch năm (5,4 tỷ kwh/năm 2010). Ông Nguyễn Khắc Sơn – TGĐ Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, cho biết, cùng với việc đảm bảo điện mùa khô, Nhiệt điện Phả Lại sẽ nỗ lực để đạt 110% kế hoạch đã đề ra. Ông Sơn khẳng định: “Chúng tôi luôn xác định được vị trí của mình trong hệ thống điện vào mùa khô nên công việc sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị chúng tôi luôn chuẩn bị tốt. Và chúng tôi luôn có kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo hệ thống vận hành một cách tối ưu…”.

Hai giải pháp cốt lõi

Mặc dù tất cả các nhà máy nhiệt điện than, nhiệt điện khí đều nỗ lực phát huy hết công suất nguồn, song hệ thống điện vẫn không thể đảm bảo đủ điện bởi thiếu hụt nguồn từ thủy điện.

Ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết, trong khi các hồ thủy điện  khắp từ Nam ra Bắc đều ở mức nước thấp, không đảm bảo thì ngày 25- 26/3 vừa qua, hồ thủy điện Hòa Bình vẫn lại tiếp tục phải xả nước đợt 4 để đảm bảo dưỡng lúa và đẩy lùi việc xâm nhập mặn ở khu vực cửa sông đồng bằng Bắc Bộ.

Việc nhập khẩu điện hiện nay cũng gặp rất nhiều khó khăn do Trung Quốc cũng đang hạn hán nặng nên EVN chỉ có thể nhập khẩu được khoảng 50% lượng điện từ Trung Quốc theo hợp đồng đã ký kết. Trong khi đó, việc đảm bảo điện cấp sang các nước bạn vẫn phải duy trì, thậm chí có xu hướng tăng lên. Trước khó khăn này, ông Trịnh Ngọc Khánh đề nghị có sự giúp đỡ, chia sẻ từ phía doanh nghiệp và người tiêu dùng, đặc biệt là doanh nghiệp: “Các doanh nghiệp nên cố gắng xem xét nếu dây chuyền nào có thể chuyển từ giờ cao điểm sang thấp điểm, hoạt động vào ban đêm để đảm bảo có đủ nguồn điện”.

Cùng với các giải pháp khai thác nguồn điện tối đa từ tất cả các nhà máy điện, than, dầu, tua- bin khí…, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng yêu cầu các nhà máy thủy điện khai thác các hồ triệt để tiết kiệm nhằm giữ mực nước hồ cao nhất có thể để phục vụ chống hạn và sản xuất nông nghiệp ở hạ du, chuẩn bị cho cuối mùa khô; đồng thời, truyền tải điện từ miền Nam ra miền Bắc qua đường dây 500kV. Cùng với đó là tăng cường các giải pháp tiết kiệm điện từ doanh nghiệp và người dân… Tuy nhiên, tất cả những giải pháp này chỉ là tình thế. Để khắc phục được việc thiếu điện trong dài hạn, hai mấu chốt căn bản ngành điện cần giải quyết, đó là giảm tối đa lượng điện tổn thất trên đường truyền tải cũng như tiêu dùng và đẩy nhanh tiến độ các dự án nguồn điện theo chiến lược phát triển nguồn điện đã được Chính phủ phê duyệt./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên