Nới lỏng chính sách, liệu có bùng nổ dân số trở lại?

VOV.VN - Nhiều người cho rằng chính sách dân số đã có sự nới lỏng theo hướng không giới hạn về số con

Nghị quyết Trung ương 6 về công tác dân số trong tình hình mới đã chuyển trọng tâm từ dân số kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển. Trong Nghị quyết này dù không có câu nào đề cập việc mọi người được thoải mái sinh con, nhưng nhiều người cho rằng chính sách dân số đã có sự nới lỏng theo hướng không giới hạn về số con. Vậy, việc nới lỏng chính sách, liệu có bùng nổ dân số trở lại? 

Tỷ lệ sinh ở Thái Bình tăng nhẹ- Ảnh minh họa.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Thái Bình có khoảng 3.000 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên, tăng gần 350 trường hợp so với cùng kỳ năm trước. Số cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên ở tỉnh này cũng ngày càng tăng. Năm 2017 là 240 trường hợp.

Ông Đặng Văn Hơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Thái Bình cho biết: “Hiện nay, việc tăng sinh ở Thái Bình do số phụ nữ bước vào độ tuổi sinh đẻ lớn, số ca sinh tăng cũng do số sinh con thứ 3 tăng. Nếu chính sách nới lỏng thì đối tượng đảng viên sinh con thứ 3 sẽ tăng”.

Hiện, Thái Bình có quy mô dân số tương đối lớn, gần 2 triệu người, mật độ dân số đông, 1.250 người trên một ki-lô-mét vuông. Từ khi chính sách dân số được nới lỏng, tỷ lệ sinh có xu hướng tăng lên. Tổng số trẻ sinh ra tại Thái Bình trong 10 tháng năm 2017 là hơn 21.000 trẻ, tăng gần 2.500 cháu so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Phạm Văn Dịu, Giám đốc Sở Y tế Thái Bình cho rằng mức tăng nhẹ này do người dân chọn “năm đẹp” để sinh. Trên thực tế, đại đa số gia đình vẫn chọn mô hình ít con để nuôi dạy cho tốt:  “Ở Thái Bình vấn đề tăng dân số không còn là vấn đề đáng lo. Bây giờ nhận thức của người dân cũng đã cao, họ không muốn đẻ nhiều. Vấn đề là giải quyết tư tưởng trọng nam khinh nữ. Nếu giải quyết được vấn đề này thì việc mất cân bằng giới tính sẽ giảm. Sợ không có con trai nên có những gia đình đẻ con thứ 3 cho yên tâm.”

Tại Hà Nội, tỷ lệ cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 cũng có xu hướng tăng. Bên cạnh đó, có những người dân sinh trên dưới 10 con. Đó là bà Đặng Thị Hải 49 tuổi ở phường Đồng Mai, quận Hà Đông có tất cả 14 đứa con. Hoặc chị Nguyễn Thị Hồng, 29 tuổi ở xã Tân Phú, huyện Thanh Oai có 8 con. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, đây chỉ là những trường hợp cá biệt, không ảnh hưởng nhiều đến việc duy trì mức sinh thay thế. Bởi lẽ, những năm qua, tỷ lệ sinh ở nhiều nơi, nhất là thành phố lớn có xu hướng giảm, nhiều gia đình chỉ sinh 1 con, thậm chí không sinh con.

Giáo sư Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Dân số và các vấn đề xã hội nói: “Trên thế giới cũng như ở nước ta, khi đất nước càng phát triển thì mức sinh càng thấp. Nước ta hiện nay đang phát triển, đang hội nhập quốc tế, đang đô thị hóa, tất cả các yếu tố phát triển đã hỗ trợ cho mức sinh đạt thấp, nhất là một số thành phố lớn của nước ta, mức sinh rất thấp, dưới mức sinh thay thế. Ví dụ như TP HCM, mức sinh chỉ đạt bình quân 1,4 con trên một phụ nữ và ngay cả các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng thấp rất nhiều ”

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - kế hoạch hóa gia đình, từ năm 2008, quy định 94 của Trung ương Đảng đã thống nhất mức kỷ luật cảnh cáo với đảng viên sinh con thứ 3, khai trừ đảng viên sinh con thứ 4. Đến năm 2013, quy định này được nới lỏng hơn, đảng viên sinh con thứ 3 bị khiển trách, sinh con thứ 4 cảnh cáo và sinh con thứ 5 bị khai trừ. Còn theo Nghị quyết Trung ương 6 về công tác dân số trong tình hình mới vừa được ban hành, sẽ từng bước rà soát sửa đổi các quy định hiện có, theo hướng không xử phạt đảng viên sinh con thứ 3, thứ 4.

Ông Đặng Văn Hơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số- KHHGĐ Thái Bình.

Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Tân khẳng định, những kết quả khảo sát mới nhất cho thấy, dù chính sách được nới lỏng cũng khó có thể xảy ra tình trạng dùng nổ dân số trở lại: “Chúng tôi đã khảo sát đối với hơn 700.000 người; kết quả 73% trong số này mong muốn có 2 con, 8,3% mong có 1 con, 9,3% mong có 3 con, trên 8% mong có nhiều hơn 3 con. Với tỉ lệ như trên thì hiện nay nếu để người dân sinh theo mong muốn cũng chưa có vấn đề gì lớn xảy ra.

Pháp lệnh dân số không quy định phạt người sinh con thứ 3 trở lên. Tuy nhiên, đã có 7 địa phương đưa ra những hình thức phạt khi người dân sinh con thứ 3 trở lên. Trước thực tế này, cơ quan chức năng đang rà soát để sửa đổi các nội dung không phù hợp.

Để quy mô dân số phù hợp với sự phát triển đất nước, Việt Nam tiếp tục vận động các cặp vợ chồng nên có 2 con; đồng thời vận động sinh ít con hơn ở những vùng có mức sinh cao, duy trì ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế (tức là trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2 con) và vận động sinh thêm con ở những vùng có mức sinh thấp hơn mức sinh thay thế./. 

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Dân số Việt Nam sẽ chạm mốc 100 triệu người vào năm 2026
Dân số Việt Nam sẽ chạm mốc 100 triệu người vào năm 2026

VOV.VN - Theo Tổng cục Thống kê: Dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026, quy mô dân số thành thị ngày càng tăng.

Dân số Việt Nam sẽ chạm mốc 100 triệu người vào năm 2026

Dân số Việt Nam sẽ chạm mốc 100 triệu người vào năm 2026

VOV.VN - Theo Tổng cục Thống kê: Dân số Việt Nam sẽ đạt 100 triệu người vào năm 2026, quy mô dân số thành thị ngày càng tăng.

Nếu chỉ sinh 2 con, dân số sẽ mãi “già”?
Nếu chỉ sinh 2 con, dân số sẽ mãi “già”?

VOV.VN - Việc nới lỏng mức sinh giúp tránh nguy cơ dân số “chưa giàu đã già”, nhưng lại có thể dẫn tới cảnh “nhà nghèo đông con”.

Nếu chỉ sinh 2 con, dân số sẽ mãi “già”?

Nếu chỉ sinh 2 con, dân số sẽ mãi “già”?

VOV.VN - Việc nới lỏng mức sinh giúp tránh nguy cơ dân số “chưa giàu đã già”, nhưng lại có thể dẫn tới cảnh “nhà nghèo đông con”.

Tiềm ẩn nhiều thách thức từ tốc độ già hóa dân số nhanh
Tiềm ẩn nhiều thách thức từ tốc độ già hóa dân số nhanh

VOV.VN - Tình trạng già hóa dân số nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội.

Tiềm ẩn nhiều thách thức từ tốc độ già hóa dân số nhanh

Tiềm ẩn nhiều thách thức từ tốc độ già hóa dân số nhanh

VOV.VN - Tình trạng già hóa dân số nhanh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội.