Nỗi niềm nghệ nhân tranh thêu...
Ở xã Minh Lãng (Vũ Thư, Thái Bình) có một nghệ nhân ngày đêm miệt mài sáng tạo những bức tranh thêu bằng đường kim mũi chỉ đầy tâm huyết. Mỗi tác phẩm của ông là một sự thể hiện độc đáo với những đường nét, gân khối khác lạ…
Thêm một bức tranh thêm sợi bạc
Khi chúng tôi đến, ông Nguyễn Cao Bính đang miệt mài bên bức tranh thêu dở. Sau một hồi trò chuyện, ông đưa chúng tôi đi thăm buồng tranh của mình. Sau khi chiêm ngưỡng hàng trăm bức tranh đủ thể loại, màu sắc, chúng tôi dừng lại bên bức tranh thêu chân dung Bác Hồ. Ông Bính không giấu niềm tự hào: “Cho đến thời điểm này, đây là bức tranh thêu lớn nhất của tôi, và có lẽ cũng là bức tranh lớn nhất trong đời”.
Xem tranh của ông Bính, ai cũng ấn tượng bởi sự mềm mại, tinh tế trong từng đường nét, thấy phía sau mỗi mũi kim là rất nhiều tình cảm, tâm huyết của tác giả... “Bức tranh Cánh buồm tôi mất gần 3 tháng mới hoàn thành. Xem bức này, vì thấy khít chân, tan chỉ và rất có chiều sâu nên nhiều người đánh giá trông không khác gì tranh sơn dầu”, ông Bính tâm sự.
Sinh năm 1955, từng tham gia quân ngũ, ông Bính đến với nghề thêu tranh từ cái duyên trời định. Lên 8 tuổi cậu bé Bính đã làm quen với kim chỉ và gắn bó cho đến hôm nay. Hơn 30 năm miệt mài lao động, đến nay, ông đã sáng tác hàng nghìn bức tranh thêu đặc sắc, trong đó có 6 bức chân dung về Bác Hồ. “Mỗi bức tranh hoàn thành, tóc tôi lại thêm sợi bạc. Ai cũng tưởng công việc này nhàn nhã nhưng có những đòi hỏi mà không phải ai cũng đáp ứng được. Đặc biệt, với những bức chân dung, do yêu cầu phải chính xác tuyệt đối, lại phải lột tả được cái "thần" của từng người”, vừa giới thiệu những bức tranh chân dung, ông Bính vừa hàn huyên trò chuyện.
Sáu bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh của ông Bính được giới nghệ thuật đánh giá cao không chỉ bởi kỹ thuật thêu điêu luyện, mà còn bởi chiều sâu tâm hồn của Bác mà ông đã cố gắng thể hiện bằng tất cả tình cảm và sự kính yêu với vị cha già dân tộc.
Những thăng trầm...
Đến với nghề bằng tất cả say mê, tâm huyết nhưng không phải lúc nào ông Bính cũng nhận được “hoa thơm trái ngọt”. Cũng như nhiều nghề truyền thống của nước ta, nghề thêu tranh có giai đoạn khó khăn tưởng chừng không vực dậy được. Ông bảo: “Tranh thêu nghệ thuật Việt Nam đang rơi vào thế đóng băng do thiếu sự thẩm định đúng đắn”.
Năm 2009, ông Bính được phong tặng danh hiệu nghệ nhân, nhiều tác phẩm của ông đã có mặt trong những bộ sưu tập khắp trong Nam ngoài Bắc. Thế nhưng, khi chúng tôi nói đến chuyện làm giàu từ nghề thêu tranh, ông chỉ cười buồn: “Điều tôi lo lắng nhất hiện nay là nghề này còn thưa thớt những người có tài thực sự. Thêu phong cảnh, tĩnh vật thì dễ, thêu được tranh chân dung không đơn giản chút nào. Tôi rất muốn thu hút thế hệ trẻ vào nghề để truyền lại những ngón nghề quý giá. Thế nhưng, do vất vả, thu nhập không cao nên bọn trẻ hầu như chẳng thiết tha với nghề. Tôi có 3 đứa con nhưng chẳng đứa nào theo nghiệp cha”.
30 năm theo nghề thêu, nghệ nhân Nguyễn Cao Bính đã tạo nên nhiều tác phẩm để đời. Thế nhưng, không hài lòng với những thành công ấy, ông vẫn khao khát sáng tạo để hoàn thiện bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh mang tầm vóc vũ trụ...
Chia tay nghệ nhân làng thêu Minh Lãng, nỗi niềm, mong ước của ông vừa khiến chúng tôi tâm phục, vừa gợi nên nỗi âu lo về sự mai một của nghề. Mong sao ông Bính tìm được lớp học trò kế cận, để những khát vọng mãi bay cao, bay xa.../.