Nơi sự sống hồi sinh

Sau thiên tai, cuộc sống đã bình yên trở lại. Đã nghe tiếng nói cười lao xao của đông đảo người làng trên bãi. Lại thấy những chú trâu khoan thai gặm cỏ trên những bờ ruộng, nơi cỏ vừa mới lên xanh…

Trời đã quang, mây đã tạnh, mặt trời đã ban phát những tia nắng ấm áp trên mênh mông ruộng đồng, bờ bãi. Những con sông ầm ào, dữ dội hôm nào giờ đã trở lại vẻ bình yên như trong thi ca, như trong niềm tự hào muôn thuở của người dân quê tôi. Và trên gương mặt người, đâu đâu cũng đã ngời lên một niềm tin tươi mới, cả trong ánh mắt nhìn cũng ăm ắp hy vọng về một cuộc hồi sinh…

Tảng sáng, tôi thức giấc bởi tiếng chân khỏa nước dưới bến sông. Rồi nghe thấy tiếng lịch kịch của mũi nôốc (thuyền) chạm vào mô đất trên bến, tiếng cu em hò trâu bơi qua sông. Thế là cả nhà cô chú tôi đang chuẩn bị sang bãi trỉa ngô.

Tháng trước, cô chú tôi đã gieo được mấy trăm thước ngô, lũ về cuốn sạch bách cả ngoài đồng lẫn “của ăn, của để” trong nhà, may mà mấy hôm trước Nhà nước hỗ trợ cho một ít hạt giống để hôm nay có mà sang trỉa lại.

Sau thiên tai, cuộc sống đã bình yên trở lại. Đã nghe tiếng nói cười lao xao của đông đảo người làng trên bãi. Lại thấy những chú trâu khoan thai gặm cỏ trên những bờ ruộng, nơi cỏ vừa mới lên xanh… Và dưới màn sương sớm đục mờ, những hạt ngô mẩy tròn lấp lánh rơi đều trên những luống đất thẫm màu phù sa như mang theo niềm hy vọng của con người.

Nếu không có cơn giận dữ nào của thiên nhiên nữa thì hẳn lứa ngô đầu tiên trên lớp phù sa mới này sẽ tăm tắp lớn mà trổ bông. Và hẳn đó sẽ là những bắp ngô dẻo thơm nghĩa đồng bào, ngọt lừ hương phù sa.

Cô tôi nói giọng đầy niềm tin, không chút hoài nghi nào về ông trời: “Ít bữa, ngô lên xanh cô sẽ mua hạt cải về gieo, chẳng mấy nữa tha hồ rau, dưa mà ăn, có khi còn có bán, phù sa kỳ này màu mỡ lắm cháu ạ!”.

Sau lũ, ngành nông nghiệp tỉnh Hà Tĩnh đã nhanh chóng tìm nguồn hỗ trợ cho nông dân những giống ngô ngắn ngày cũng như các loại giống rau màu, khoai lang nhằm cứu vớt vụ đông. Các địa phương cũng nhanh chóng khôi phục các công trình thủy lợi. Đâu đâu cũng hối hả và chan chứa niềm hy vọng.

Lúa đã bỏ lá mạ, bén rễ lên xanh; ngô non mơn mởn dậy thì. Trong cơn đại hồng thủy, người mất, nhà trôi. Những gì có thể trôi được, đã trôi hết. Thế mà nay, chỉ vài tháng sau, đồng đã xanh trở lại, nhà đã khói ấm bay, con người đã tạm quên những mất mát để xây đời mới. Không thể kể, không thể sống mãi với nỗi buồn, người quê tôi vốn biết phải làm gì sau tai họa.

Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang, Đức Thọ… oằn mình trong lũ nhưng đã ngay lập tức đứng dậy bằng đôi chân của chính mình. Sự giúp đỡ của Trung ương, anh em, bạn bè một cách chí tình đã làm cho đôi chân ấy cứng cáp hơn, đôi mắt ấy nhìn rộng dài hơn. Và hôm nay, nhịp sống vốn có đã lại về. Cảnh đầm ấm sum vầy như vừa quen vừa lạ.

Chúng tôi sang sông trở về nhà khi trời sáng hẳn. Lũ trẻ con tíu tít cắp sách tới trường. Đứa nào cũng mang trên lưng chiếc cặp giống nhau, hẳn là món quà của một tổ chức từ thiện nào đó mang tặng. Trường làng ở trên cao mà hôm lũ nước còn ngập ngang hông. Nhiều em sau lũ không còn gì để mang tới lớp mà vẫn đến trường trong sự háo hức. Những ngày ấy, dăm đứa học chung một bộ sách là chuyện thường. Lũ về lấy đi sách vở của chúng nhưng để lại trong những tâm hồn non nớt ấy bài học về sự sẻ chia.

Học sinh tiểu học Cẩm Vịnh (Cẩm Xuyên) nhận những cuốn vở mới từ Công ty Hadiphar Hà Tĩnh

Còn nhớ, hôm trở lại Hà Linh (Hương Khê) tôi đã thắt lòng khi vào trường Tiểu học Hương Thu, trường ở trên rẻo đồi cao mà trong những ngày đỉnh lũ nước sông còn dâng ngập tận cổ cô giáo. Nước rút, học sinh đến trường với chiếc cặp trống không sách, vở. Hôm ấy, Bí thư Thành đoàn TP HCM đã mang tặng rất nhiều sách cho học sinh, anh trao tận tay bộ sách mới cho các em và ngậm ngùi nói: “Mình cũng có 2 bé cỡ tuổi này, chúng chưa bao giờ biết đến thiếu thốn như thế này. Nhìn học trò vùng lũ mà thương quá!”.

Phải, thương quá những ánh nhìn ngơ ngác khi được người ở tận đâu về cho quà, thương quá những bước chân nhảy tưng tưng khi nhận về một túi quần áo… Có lẽ tâm hồn non nớt của chúng chưa thấm thía hết nỗi mất mát do thiên tai nhưng tôi tin ít nhiều chúng cũng sẽ cảm nhận được sự ấm áp của nghĩa đồng bào sâu nặng. Để từ đó, những bài văn, bài toán như cũng trở nên ý nghĩa hơn, sâu sắc hơn và những ước mơ của những cô cậu học trò quê nghèo cũng chở đầy lòng nhân văn…

Rời làng quê nhỏ bé của mình trên con đường ven sông trong trưa nắng hanh vàng, từ những bụi tre ven đường khói bếp nhà ai đã le the bay ra cùng với những câu chuyện về chợ búa, giá cả… Dẫu cuộc sống sau lũ còn nhiều khó khăn, còn bộn bề công việc phải giải quyết nhưng khắp trên thôn, làng, ruộng đồng nương bãi và trong lòng người, sự hồi sinh đã bắt đầu…

Tôi ngoảnh mặt nhìn ra dòng sông hiền hòa, trong xanh khi ấy đã lấp lánh ánh mặt trời và thầm hy vọng sự bình yên kia kéo dài. Để giấc mơ mùa màng của những người nông dân chân lấm tay bùn như o chú tôi luôn được viên mãn. Để mỗi sáng mai, trẻ em được cắp sách tới trường trong trọn vẹn sự hồn nhiên thơ trẻ…/.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên