Nông dân trồng mía bị bỏ rơi?

Nhiều nông dân ở huyện Thường Xuân, Thanh Hóa đã giảm diện tích trồng mía do lo ngại về đầu ra không ổn định và hiệu quả trồng mía thấp hơn so với những cây trồng khác. Vì sao lại xuất hiện tình trạng này?

Anh Lương Văn Thắm, thôn Trung Chính, xã Xuân Cẩm (Thường Xuân, Thanh Hóa) cho biết: Niên vụ 2007-2008, anh làm khoảng hơn 2 hécta mía, nhưng năm nay đã giảm diện tích trồng mía xuống dưới 1 hécta. Nguyên nhân khiến anh Thắm phải cắt giảm diện tích trồng mía là do các chủ thầu chậm trả tiền thu mua mía và chính sách đầu tư “nửa vời” mới của nhà máy. Mặc dù Công ty CP mía đường Lam Sơn quy định thời gian thanh toán không quá 15 ngày kể từ khi nhập mía vào nhà máy, nhưng phải vài ba tháng sau khi bán mía cho các chủ thầu, anh Thắm mới được trả hết tiền. Trong khi đó, từ niên vụ mía 2008 – 2009, Công ty bắt đầu áp dụng phương thức đầu tư ứng trước thu mua mía mới, theo anh Thắm, là không có lợi gì cho những người trồng mía – nghèo và ít vốn. “Phần lớn người trồng mía đều nghèo khó nên bây giờ bảo họ phải bỏ tiền ra để đầu tư trồng mía thì không thể” - anh Thắm nói. 

“Bà con trồng mía hoàn toàn chủ động trong việc ứng trước tiền đầu tư để mua giống mía mới, phân bón, làm đất bằng máy, thuốc BVTV, mua lương thực, tiền thuê chăm sóc, thu hoạch và vận chuyển mía”. (Trích thông báo số 446 của Cty CP mía đường Lam Sơn ngày 24/7/2008.) 

 Ông Hà Văn Nguyện, thôn Xuân Quang, xã Xuân Cẩm - chủ thầu thu mua mía cho biết: Trước đây, bà con nông dân chỉ việc trồng và chăm sóc mía còn tiền đầu trồng mía đều do nhà máy ứng trước cho nông dân và không phải chịu lãi. Đến cuối vụ, ông đứng ra thu mua mía của bà con và trừ nợ giúp nhà máy. Tuy nhiên, năm nay nhà máy đã thay đổi chính sách đầu tư, thay vì ứng vốn trước, không thu lãi thì này bà con phải lo toàn bộ và nếu nhà máy có ứng tiền (200.000 đồng/tấn mía) thì người trồng mía phải chịu lãi suất bằng lãi suất cho vay của ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ứng vốn. Theo tính toán của ông Nguyện, tổng vốn đầu tư cho 1 hécta mía hết khoảng 28 triệu đồng, gồm 3 tấn phân (giá năm 2007 là 9 triệu đồng/tấn); công làm đất (4 triệu đồng); giống (10 triệu đồng); làm cỏ, thuốc trừ sâu và các chi phí khác (5 triệu đồng)… Như vậy, nếu năng suất mía đạt 60 - 65 tấn/hécta thì người dân chủ yếu “lấy công làm lãi”, nhưng niên vụ mía vừa rồi chỉ đạt 45 tấn/hécta nên người dân trồng mía bị lỗ. Với chính sách đầu tư mới của nhà máy, người dân càng không tha thiết với cây mía; và theo ông Nguyện, trong niên vụ tới, diện tích trồng mía của xã có thể giảm tới 50%. Thực tế, năm nay diện tích mía của xã Xuân Cẩm đã giảm từ 140 hécta niên vụ trước xuống còn 80 hécta, tức giảm tới 60 hécta.

Liên quan đến việc thay đổi chính sách đầu tư của nhà máy, ông Lương Văn Minh, Phó chủ tịch UBND xã Xuân Cẩm lo lắng: “Khi nhà máy đầu tư tiền để trồng mía thì họ còn có trách nhiệm thu mua, nhưng nay bà con nông dân phải đầu tư toàn bộ thì liệu nhà máy có đôn đáo thu mua cho bà con nữa hay không?” Hơn nữa, theo ông Minh, mỗi khi kết thúc vụ mía, nhà máy thường mời chính quyền xã họp, nhưng năm nay thì không, nên xã không biết kế hoạch để chỉ đạo. Ông Minh buồn bã: “Người trồng mía trong xã đang đứng trước nguy cơ bị bỏ rơi”...

Giống như ông Minh, năm nay, ông Đặng Hà Thắng, cán bộ phụ trách trồng trọt của phòng NN&PTNT huyện Thường Xuân cũng không được nhà máy mời họp tổng kết niên vụ mía 2007 - 2008. Theo ông Thắng, diện tích trồng mía trong niên vụ 2007 - 2008 của toàn huyện là 2.177,86 hécta và kế hoạch niên vụ 2008 - 2009 là 2.083 hécta. Diện tích mía có xu hướng giảm là do bà con nông dân gặp phải nhiều khó khăn như: giá cả vật tư, công lao động tăng cao… trong khi giá thu mua mía của nhà máy tăng lại chưa tương xứng. “Do đầu ra của cây mía bấp bênh và hiệu quả thấp nên nhiều nông dân đã chuyển sang trồng các cây ngắn ngày, cho hiệu quả kinh tế cao như: sắn, keo…” – ông Thắng nói./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên