Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau
VOV.VN - Làm thế nào để quản lý tài nguyên nước có hiệu quả để mọi người đều có thể tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh?
Ngày 22/3 hằng năm được Liên Hợp Quốc chọn là Ngày Nước thế giới để nhấn mạnh tầm quan trọng của nguồn nước sạch và góp phần tăng cường quản lý bền vững nguồn tài nguyên quý giá này.
Chủ đề của Ngày nước thế giới năm nay là “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhằm điều chỉnh và cụ thể hóa những cam kết trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, mọi người đều phải được hưởng lợi: “Dù bạn là ai, dù bạn ở đâu, nước là quyền của con người bạn”.
Nước cho tất cả - Không ai bị bỏ lại phía sau. Ảnh: Worldwaterday.org |
Tại Việt Nam, lũ lụt, hạn hán và ô nhiễm tài nguyên nước đang ngày càng diễn biến nghiêm trọng do các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước chưa bền vững cũng như các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Làm thế nào để quản lý tài nguyên nước có hiệu quả để mọi người đều có thể tiếp cận nguồn nước hợp vệ sinh? PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường đã trả lời PV VOV về vấn đề này.
PV: Thưa TS Nguyễn Thế Chinh, tài nguyên nước của Việt Nam có phong phú không, so sánh với thế giới như thế nào? Và ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của tài nguyên nước đối với cuộc sống của chúng ta?
TS Nguyễn Thế Chinh: Bây giờ nói tài nguyên nước Việt Nam phong phú không thì trước hết phải nói là vị trí địa lý của nước mình là mình nước nhiệt đới ở gió mùa, ngoài lượng nhiệt ẩm gió mùa thì lượng nước ở nước ta là 50% là từ ngoài lãnh thổ vào. Nói phong phú hay không thì cái này cũng khó bởi vì còn phụ thuộc vào khả năng chúng ta sử dụng có đáp ứng được yêu cầu của hoạt động kinh tế xã hội phát triển hay không.
Nhìn chung, tôi có thể đánh giá trước mắt có thể tạm gọi là đáp ứng được nhưng về lâu dài nếu chúng ta không biết cách sử dụng, nguồn nước ở ngoài vào hạn chế cộng với biến đổi khí hậu thì có thể sẽ dẫn đến thiếu nước. Vai trò của nước là một trong những yếu tố đầu vào cơ bản của con người mà chúng ta thiếu nước không sống nổi.
Như vậy có nghĩa là là làm gì thì làm nước hết sức quan trọng và gần như là sống còn của con người cũng như hoạt động kinh tế.
PV: Chủ đề của Ngày Nước thế giới năm nay là “Nước cho tất cả - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Theo ông chủ đề này có ý nghĩa như thế nào trong bối cảnh hiện nay ở nước ta khi mà những diễn biến phức tạp của khí hậu không chỉ gây ra lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa mà còn khiến nhiều nơi bị hạn hán vào mùa khô?
TS Nguyễn Thế Chinh: Tôi cho rằng, chủ đề này là rất đúng. Đúng ở chỗ là nhìn một cách tổng thể đã là con người sinh sống thì đấy là quyền con người được hưởng và phải đáp ứng. Với chủ đề này của Ngày Nước thế giới đưa ra thông điệp là tất cả mọi người đều có một quyền được sử dụng nước, đáp ứng cho cuộc sống và sức khỏe của mình cũng như các hoạt động mà con người đang diễn ra như sản xuất nông nghiệp, sản xuất công nghiệp, du lịch... Đây là một thông điệp rất hay ở chỗ câu đằng sau ấy tức là “không để ai bị bỏ lại phía sau” có nghĩa con người sống trên trái đất này nói chung, người việt nam nói riêng đều phải được quyền sử dụng nguồn nước an toàn, hợp vệ sinh. Thông điệp năm nay rất phù hợp để nói lên một điều sử dụng nước là quyền của mỗi người.
PV: Vậy theo ông việc thiếu được tiếp cận với nguồn nước an toàn sẽ có tác động như thế nào đến cộng đồng nghèo, đặc biệt là cộng đồng dễ bị tổn thương như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và nhiều người khác…?
TS Nguyễn Thế Chinh: Tôi cho đây là vấn đề có thể nói quốc gia nào cũng phải giải quyết. Bởi lẽ thường là người nghèo thì khả năng tiếp cận nguồn nước sạch hoặc nước đảm bảo vệ sinh thì họ thường dễ bị tổn thương. Bởi vì thông thường đã nghèo rồi thì khả năng chi trả chi phí rất hạn chế. Nếu chúng ta gọi là tự nhiên hoàn toàn sạch con người cũng không thể sử dụng trực tiếp được.
Đơn giản như chúng ta làm một cái giếng thôi thì cũng phải bỏ ra chi phí. Vậy thì người nghèo có khả năng bỏ ra chi phí đấy hay không? Chưa nói đến việc khi nước có rồi người ta làm sạch thì người ta thu tiền. Vì vậy tôi cho rằng, những người nghèo là đối tượng dễ bị tổn thương cũng như phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật,... thì nên có những chính sách như thế nào để chia sẻ với họ cũng như tạo cơ hội tốt nhất để họ được quuền tiếp cận sử dụng nước hợp vệ sinh, an toàn.
PV: Để mọi người đều được tiếp cận với nguồn nước an toàn theo ông cần phải có những giải pháp gì?
TS Nguyễn Thế Chinh: Cũng giống như chính sách xóa đói giảm nghèo thì nên có những hỗ trợ. Hỗ trợ này không chỉ là từ phía nhà nước mà còn từ các tổ chức quốc tế. Trong thực tế, tôi thấy thấy là có nhiều tổ chức quốc tế đầu tư trực tiếp cho công trình nước sạch ở các vùng sâu vùng xa. Người ta tập trung vùng đấy chứ không tập trung vào những vùng đô thị hay những nơi có thu nhập cao. Thứ hai nữa là huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp. Đây là cách chúng ta làm được. Thứ ba nữa là sự quan tâm đầu tư của nhà nước đối với các đối tượng này như thế nào. Tùy từng trường hợp, đối tượng cụ thể. Quan trọng là phải giải quyết mà hài hòa cả phía người dân, người nghèo, đối tượng dễ bị tổn thương nhưng đồng thời cũng hài hòa với lại sách của nhà nước và của cộng đồng.
PV: Xin cám ơn ông!