Nước Mỹ cần có trách nhiệm với nạn nhân da cam Việt Nam

“Hành trình công lý” là tên chuyến đi lần thứ 5 của Hội Nạn nhân chất độc da cam - dioxin Việt Nam đến Mỹ, nhằm kêu gọi các nghị sỹ Quốc hội, quan chức và nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ các nạn nhân da cam Việt Nam và trên thế giới.

Đoàn nạn nhân chất độc da cam Việt Nam tiếp tục hành trình công lý đến Mỹ từ giữa tháng 4 và vừa kết thúc hành trình vào giữa tháng 5 này. Đoàn đã đi qua 7 thành phố của Mỹ gồm Los Angeles, Chicago, Atlanta, New York, San Francisco, Seattle và Thủ đô Washington để thực hiện cuộc vận động ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và nạn nhân là con em các cựu binh Mỹ.

Những buổi nói chuyện, chiếu phim và trưng bày tranh, ảnh về nạn nhân chất độc da cam tại các trường học đã gây được tiếng vang lớn. Nhiều học sinh, sinh viên cho biết đây là lần đầu tiên họ được biết về sự tàn phá của chất độc da cam đối với các nạn nhân Việt Nam và khẳng định sẽ ủng hộ cuộc chiến vì công lý này. Nhiều người đã nói: chúng tôi cảm thấy rất hổ thẹn vì những gì Mỹ đã gây ra tại Việt Nam và mong muốn đến Việt Nam để giúp đỡ các nạn nhân.

Đoàn cũng đã làm việc với các trợ lý và các nghị sỹ  Quốc hội Mỹ. Ông Phạm Thế Minh, thành viên của đoàn, người đại diện cho hàng triệu  nạn nhân chất độc da cam Việt Nam cho biết: “Trong các buổi tiếp xúc với các trợ lý của các nghị sỹ, có cả nghị sỹ Quốc hội Mỹ, chúng tôi đã trình bày về vấn đề da cam đã gây ra những tổn hại về môi trường, cũng như các nạn nhân Việt Nam. Họ tiếp thu rất tốt về vấn đề này và cho biết, sẽ đóng góp ý kiến lên Chính phủ và Quốc hội Mỹ để thông qua dự luật bảo vệ quyền lợi cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và cho cả nạn nhân người Mỹ. Nhiều người trong số họ đã sang Việt Nam và hiểu rất rõ vấn đề da cam của Việt Nam”.

Ông James Rhode, một cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam cũng bị nhiễm chất độc da cam, đã viết nhiều bài báo yêu cầu Chính phủ Mỹ phải có hành động kịp thời để giúp đỡ những nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và Mỹ.  Ông James Rhode nói: “Tôi nghĩ rằng Tổng thống Mỹ Obama sẽ lắng nghe vấn đề này. Có rất nhiều người Mỹ tiến bộ hiểu được vấn đề da cam bởi vì nước Mỹ gây ra vấn đề đó, do vậy nước Mỹ phải có trách nhiệm. Đây là vấn đề đạo đức”.

Bà Merle Ratner, thành viên của Ban tổ chức cuộc vận động trách nhiệm - Cứu trợ nạn nhân da cam Việt Nam tại Mỹ, người đóng vai trò đầu mối tổ chức và đi cùng đoàn trong suốt hành trình công lý này, cho biết các quan chức Mỹ ngày càng hiểu rõ hơn về hậu quả của chất độc da cam.

“Chúng tôi nhận được phản hồi rất tích cực từ những quan chức tại Washington, chúng tôi đã thảo luận với những nghị sỹ Quốc hội Mỹ, những người soạn thảo luật để hỗ trợ mọi mặt và đền bù cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam thông qua việc tẩy rửa những điểm nóng và cũng hỗ trợ cho cả con và cháu những cựu chiến binh Mỹ bị nhiễm chất độc da cam. Chúng tôi nhận được sự đồng cảm và ủng hộ tích cực. Cuối cùng thì những người trong Quốc hội Mỹ đều phải thừa nhận rằng đó là trách nhiệm của họ”, bà Merle nói.

Trong suốt thời gian ở Mỹ, đoàn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều người Mỹ, họ không quản ngại khó khăn, ngày đưa đoàn đi tiếp xúc, đêm về lại thức trắng để gửi thư liên hệ cho những buổi gặp gỡ tiếp theo. Có những cặp vợ chồng người Mỹ, từ lúc 20 tuổi đã phản đối chiến tranh Việt Nam và bây giờ họ vẫn tiếp ủng hộ cho nạn nhân chất độc da cam Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam của Đà Nẵng, và Trưởng đoàn Nạn nhân da cam Việt Nam sang Mỹ lần này tổng kết lại kết quả chuyến đi: “Cho đến thời điểm này, chúng tôi có thể nói rằng thành công của đoàn là rất lớn. Ban đầu chúng tôi rất lo lắng nhưng đến bây giờ chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân Mỹ, như: trí thức, học sinh, sinh viên, cựu chiến binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam và Iraq, cùng bà con Việt kiều tại Mỹ. Thậm chí có cả luật sư, nhà khoa học, gia đình của các cựu chiến binh đã tiếp đón và mời chúng tôi ăn ở tại gia đình họ. Mọi người lắng nghe tiếng nói của chúng tôi, chia sẻ với chúng tôi. Lần đầu tiên bà con Việt kiều tại Mỹ đứng ra tổ chức hội thảo để gặp, trao đổi và giúp đỡ chúng tôi về mục đích chuyến đi Mỹ của đoàn”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên