Nuôi cá tầm - cơ hội hốt bạc

Tại Việt Nam, sau hơn 3 năm nuôi thử nghiệm, đến nay lứa cá đầu đã mang trứng, mở ra triển vọng lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.

Tháng 5/2005, lần đầu tiên tại Việt Nam, 2kg trứng cá tầm Seberia đã thụ tinh được Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 nhập về nuôi thử nghiệm với sự hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia Nga. Đây là loài cá đặc sản sống ở vùng nước lạnh 18 - 25 độ C, trứng ấp nở ở nhiệt độ dưới 16 độ C. Cá tầm xương chủ yếu là sụn, thịt ngon bổ dưỡng, là loại thực phẩm cao cấp.

Giá trứng cá tầm muối trên thị trường thế giới hiện nay lên tới 4.000 - 6.000 USD/kg. Trên thế giới, để cá tầm cho trứng, người nuôi phải kiên nhẫn chờ đợi từ 7 đến 15 năm, có khi là 20 năm. Trứng cá tầm muối có 3 loại: Servuga, Osetr, Beluga, có đường kính từ 2,5 mm đến 4 mm. Trứng cá được các chuyên gia phân tích thành phần và định giá, phân chia đẳng cấp. Vì trứng cá mang lại hiệu quả kinh tế lớn nên nạn đánh bắt, đánh trộm cá tầm tự nhiên diễn ra khiến cá tầm có nguy cơ tuyệt chủng.

Liên Hợp Quốc đã ra công ước về hoạt động buôn bán quốc tế các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) áp đặt lệnh cấm nhập khẩu trứng cá tầm từ tự nhiên. Việt Nam không có cá tầm tự nhiên nên không thuộc diện cấm trong công ước này. Dự án cá tầm thành công sẽ thành mang lại nhiều giá trị cho ngành thủy sản nước nhà.

Trứng cá tầm muối (caviar) chứa nhiều chất béo, chất đạm, vitamin A, B12, sắt, magie. Cá tầm tự nhiên thường gặp ở vùng biển Caspian, Bắc bán cầu, Bắc Thái Bình Dương, Biển Đen. Người dân Caspian ăn caviar với khoai tây và cư dân vùng này có tuổi thọ cao nhất tại Nga.

Lứa cá đầu tiên đưa về Việt Nam đến nay còn 600 con trên Na Hang (Tuyên Quang) và 150 con ở Sapa (Lào Cai), 15 con ở Tây Nguyên. Sau hơn 3 năm nuôi thử nghiệm, trọng lượng cá đã đạt 18 - 20 kg/con. Tiến sĩ Lê Thanh Lựu - Viện trưởng Viện nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 cho biết, cá tầm là loài có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất, chúng có thể lớn 11g/ngày ở giai đoạn cá giống.

Hiện nay Công ty TNHH Hà Quang và Công ty Cổ phần Vinashin Vũng Tàu cùng phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 để phát triển cá tầm trong nước tại Na Hang, Sapa, Tây Nguyên với 3 giống: cá tầm Siberia, cá tầm Trung Hoa, cá tầm Sterlet. Nếu ở các nước khác, nuôi cá tầm mất từ 7 năm có khi 20 năm mới có trứng thì đàn cá tại Việt Nam sau hơn 3 năm đã mang trứng. Tiến sĩ Bùi Thế Anh giải thích, do nhiệt độ nước ở Việt Nam cao hơn các quốc gia khác nên có thể khiến cá tăng trưởng nhanh, phát dục sớm. Chuyên gia Nga cũng đánh giá, đến khoảng tháng 3 - 4 năm 2009, có thể thu hoạch trứng từ lứa cá này.

Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 1 đang nghiên cứu công nghệ thu trứng và công nghệ thức ăn cho cá nhỏ. Trên thế giới vẫn sử dụng thức ăn cá hồi cho cá tầm thương phẩm. Điều đó khiến lớp mỡ bụng tăng lên, khó vuốt trứng. Lứa cá tại trung tâm nuôi của Viện 1 đang mang trứng vào giai đoạn 2, 3, sẽ thu hoạch để bán thương phẩm, Viện phát triển tiếp đàn cá đực, cái. Đến khi cá đực trưởng thành thì có thể tiến hành công nghệ thụ tinh, khép kín quá trình phát triển nuôi cá tầm từ cung cấp giống, thức ăn, kỹ thuật công nghệ.

Đánh giá khả năng nuôi cá tầm ở Việt Nam, chuyên gia cá tầm Thế Anh khẳng định: “Đến thời điểm này có thể khẳng định cá tầm có khả năng phát triển ở các vùng núi nước lạnh Việt Nam. Chúng ta đã thành công sớm hơn một số nước. Mới hơn 3 năm, chúng ta đã sắp thu lứa trứng đầu tiên và có bước đi bền vững”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên