“Ở đâu có ca Covid-19, đội phản ứng nhanh chúng tôi lại lên đường”
VOV.VN - “Từ đợt dịch Covid-19 mới, chúng tôi luôn phải trực. Khi có ca bệnh, đội phản ứng nhanh khẩn trương lên đường không kể ngày đêm”-chị Giang Thị Bình nói.
“Bây giờ cháu sẽ lấy dịch họng hầu cho cô. Cô kéo khẩu trang xuống cằm và há to miệng. Lấy xét nghiệm này có thể cô sẽ buồn nôn, cô chịu khó một chút”. Giữa cái nắng nóng 36-37 độ C, trong bộ đồ bảo hộ được trang bị từ đầu đến chân, kỹ thuật viên Giang Thị Bình, khoa Xét nghiệm, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vẫn nhẹ nhàng, ân cần tư vấn và hướng dẫn từng người dân khi làm xét nghiệm RT-PCR.
Thực hiện theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, từ ngày mùng 8-10/8, Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ đã tiến hành rà soát và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những người đi từ Đà Nẵng về từ ngày 15/7 đến nay.
“Không thể nhớ một ngày đã thay bao nhiêu bộ đồ bảo hộ”
Theo chân đội phản ứng nhanh phòng dịch Covid-19 của Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ (Hà Nội), chúng tôi thấu hiểu phần nào những vất vả, căng thẳng của những người làm công tác chống dịch. Ngay từ sáng sớm, 7 thành viên trong đội phản ứng nhanh bao gồm: 4 nhân viên điều tra dịch tễ và 3 nhân viên lấy mẫu xét nghiệm đã vào vị trí làm việc, sẵn sàng tiếp đón, phân luồng, tư vấn và hướng dẫn người dân đi từ vùng dịch Đà Nẵng về đến lấy mẫu xét nghiệm.
Với những người làm công tác xét nghiệm như chị Bình, mỗi đợt dịch với họ lại là một cuộc chiến mới. Công việc của chị buộc phải trực tiếp tiếp xúc với các ca nghi mắc, thậm chí có thể là ca bệnh nên nguy cơ có thể gặp hiểm nguy, lây nhiễm bệnh bất cứ lúc nào.
Những ngày qua, ca làm việc của chị Bình kéo dài hơn những ngày thường, khối lượng công việc nhiều, khiến chị và mọi người trong Khoa nhiều lúc căng thẳng, áp lực. Liên tục phải mặc đồ bảo hộ trong gần 10h đồng hồ, mồ hôi chảy ướt sũng lưng áo, mờ cả lớp kính bảo hộ nhưng mọi người đều động viên nhau hoàn thành tốt công việc.
Chị Bình chia sẻ, khi trên địa bàn có ca bệnh là những ngày chúng tôi luôn bận rộn với công việc. Mọi việc trong gia đình, chăm sóc con nhỏ chị đành phải nhờ ông bà. Chị Bình cho biết, ở đâu có trường hợp cần truy vết, khoanh vùng cách ly là các nhân viên xét nghiệm cùng đội phản ứng nhanh lại khẩn trương lên đường, đến tận nơi để tiến hành lấy mẫu bệnh phẩm. Mọi quy trình phải thực hiện nhanh gọn, đảm bảo chính xác, an toàn. Chị Bình không thể nhớ nổi một ngày mình đã phải thay bao nhiêu bộ đồ bảo hộ, bởi mỗi lần tới từng hộ có liên quan đến yếu tố dịch tễ, chị lại phải thay một bộ đồ bảo hộ khác. Dù việc này mất khá nhiều thời gian nhưng phải thực hiện đúng các thao tác, quy trình mới có thể đảm bảo phòng dịch.
“Từ đợt dịch mới, hầu như chúng tôi phải trực chiến liên tục. Khi làm việc, bắt buộc phải mặc quần áo bảo hộ mắc dù rất khó chịu, khát nước cũng không dám uống, ngứa không được gãi, nhưng vì công việc và đảm bảo an toàn cho chính mình và cộng đồng nên chúng tôi cũng thành quen và cố gắng làm tốt nhiệm vụ”- chị Bình nói.
Sau khi thực hiện xong việc lấy mẫu, chị Bình và đồng nghiệp tiến hành đem các mẫu bệnh phẩm tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hà Nội để làm xét nghiệm. Thời điểm Hà Nội thực hiện hàng nghìn mẫu, có những hôm chị Bình phải xếp hàng đến nửa đêm mới tới lượt gửi mẫu, lúc ra về nhìn đồng hồ đã 1-2h sáng.
“Cũng có lúc chúng tôi cảm thấy cạn kiệt năng lượng, mệt mỏi, nhưng nhìn đồng nghiệp còn đang cố gắng từng ngày chiến đấu với dịch bệnh, chúng tôi lại gạt những vất vả, mệt nhọc sang một bên. Dịch Covid-19 có thể vẫn còn kéo dài nên chúng tôi xác định sẽ trường kỳ chống dịch, lúc nào cũng sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ”- chị Bình nói.
Túc trực 24/24h sẵn sàng nhận nhiệm vụ
Toàn huyện Phúc Thọ có 623 người về từ Đà Nẵng từ 15/7 trở lại đây. Ông Trịnh Thế Hưng- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ cho biết, từ ngày 8-10/8, Trung tâm đã rà soát và tiến hành lấy mẫu của tất cả các trường hợp trên. Đến thời điểm này, các mẫu bệnh phẩm đều có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2.
Ông Trịnh Thế Hưng chia sẻ, từ khi xuất hiện làn sóng Covid-19 thứ hai ở nước ta là ca mắc Covid-19 thứ 416 tại Đà Nẵng, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 huyện Phúc Thọ ngay lập tức kích hoạt lại các tổ phản ứng nhanh. Đồng thời, rà soát khẩn trương những trường hợp đi từ Đà Nẵng về. Đặc biệt, khi CDC TP Hà Nội thông báo ca bệnh dương tính với SARS-CoV-2 là người ở xã Vân Phúc (BN 752), huyện Phúc Thọ, ngay từ 3h sáng 7/8, đội ngũ cán bộ y tế của Trung tâm Y tế huyện Phúc Thọ cùng với Ban chỉ đạo chống dịch của địa phương phối hợp tiến hành truy viết toàn bộ những người đi từ Đà Nẵng có liên quan đến ca bệnh này. Đồng thời thực hiện công tác khử khuẩn cho hộ gia đình, cách ly những trường hợp F2 tại gia đình.
“5 đội phản ứng nhanh của Trung tâm Y tế thực hiện công tác trực thường xuyên 24/24 giờ sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Chúng tôi triển khai, tuyên truyền thường xuyên các quyết định cách ly tại gia đình cho những người đi Đà Nẵng về người dân có ý thức tuân thủ nghiêm túc nên mặc dù có ca bệnh nhưng không lây lan ra cộng đồng. Chúng tôi thực hiện xét nghiệm cho các nhóm đối tượng đi Đà Nẵng về từ ngày15/7 trở lại đây. Đồng thời hướng dẫn họ dù có thể kết quả âm tính nhưng vẫn phải tuân thủ giãn cách để phòng chống Covid-19”- ông Hưng cho biết.
Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, thành phố rà soát, thống kê 100.090 người về từ Đà Nẵng. Trong đó, 77.150 người về từ ngày 15/7. Ngày 8/8, Hà Nội đã lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR cho những người từ Đà Nẵng về trong thời gian 15-29/7 gửi 4 đơn vị của Bộ Y tế xét nghiệm.
Ngày 18/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện còn 18.333 người dân của Hà Nội đi từ Đà Nẵng trở về từ ngày 15/7 đến 29/7/2020 chưa được lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR để loại trừ nguy cơ mắc bệnh Covid-19 tại 14 quận huyện: Hà Đông, Đống Đa, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Long Biên, Ba Đình, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Gia Lâm, Thanh Trì và Đông Anh.
Sở Y tế Hà Nội đề nghị những trường hợp trên cần đến ngay các điểm lấy mẫu xét nghiệm trên địa bàn để được làm xét nghiệm. Hôm nay (19/8) sẽ tổ chức lấy vét cho các trường hợp còn sót. Hiện đã có 6 đơn vị đã triển khai xong gồm Phúc Thọ, Ứng Hòa, Đan Phượng, Hoàn Thạch Thất, Hoài Đức, Sóc Sơn.
Ngành y tế cho biết, Hà Nội đã có hiện tượng lây nhiễm thứ phát (F1 chuyển thành F0). Các ca mắc hầu hết được phát hiện tại bệnh viện, bởi có nhiều người từ các tỉnh, thành khác về khám, điều trị. Do đó, nguy cơ dịch xâm nhập từ các tỉnh, thành khác là rất cao./.