Đón 129 ca mắc Covid-19 về nước: “Chúng tôi sẵn sàng cho tình huống xấu nhất”

VOV.VN -Đó là chia sẻ của bác sĩ Hùng và nhân viên điều dưỡng tham gia trực tiếp trên chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước.

7h sáng nay (28/7), chuyến bay đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo, trong đó có 129 bệnh nhân mắc Covid-19 về nước, đã cất cánh. Đoàn công tác của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm 2 bác sĩ và 2 điều dưỡng sẽ cùng với phi hành đoàn tham gia trên chuyến bay “đặc biệt” này.

Chia sẻ trước giờ lên đường thực hiện nhiệm vụ, BS Thân Mạnh Hùng- Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, đến thời điểm này, mọi công tác chuẩn bị gồm nhân lực và phương tiện đều đã sẵn sàng nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn.

BS Thân Mạnh Hùng- Phó Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

“Ngay từ khi nhận được lệnh của Bộ Y tế, Lãnh đạo Bệnh viện, đoàn công tác cũng đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng về vật tư, trang thiết bị, máy móc, thuốc điều trị cấp cứu bệnh nhân, phòng khi tình huống xấu nhất có thể xảy ra trên máy bay”- BS Hùng chia sẻ.

Lần đầu đưa buồng áp lực dương lên máy bay

Được biết, trên chuyến bay “đặc biệt” này sẽ có 219 công dân Việt Nam, trong đó có 129 bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2. Đây là một thách thức rất lớn với các y, bác sĩ và các phi hành đoàn, bởi nguy cơ lây nhiễm rất lớn. BS Hùng cho biết, vì không gian trên máy bay rất hẹp, số lượng người dương tính nhiều nên độ dày đặc của virus trong không khí rất cao. Vì vậy, Ban lãnh đạo Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Tổ công tác đã lên kế hoạch chuẩn bị rất kỹ, có những phương án, kịch bản để tránh lây nhiễm chéo cho nhân viên y tế và phi hành đoàn.

Buồng áp lực dương được lắp đặt trên máy bay đón công dân từ Guinea Xích Đạo về nước.

Trên máy bay được phân làm 4 khu: dành cho bệnh nhân dương tính, dành cho bệnh nhân chưa có kết quả xét nghiệm hoặc bệnh nhân âm tính; dành cho nhân viên y tế và khu dành cho các phi hành đoàn. Giữa các khu có 1 màng chắn nilon. Vì chuyến bay kéo dài 12 tiếng chiều đi, chiều về khoảng 15 tiếng. Trong khoảng thời gian đó, trên 1 không gian hẹp trong máy bay nên nguy cơ lây nhiễm rất cao. Vì vậy, Tổ công tác đã làm việc, phối hợp chặt chẽ với bộ phận kỹ thuật của Cục Hàng không, đồng thời cùng với sự hỗ trợ của Đại học Bách Khoa Hà Nội tạo buồng áp lực dương để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm.

BS Hùng cho biết, trên máy bay hiện đã có 4 buồng áp lực dương, mỗi buồng nặng tầm 7-8 kg, được làm bằng nhựa và vải  nilon, việc tháo lắp đơn giản, việc thực hiện thao tác lắp buồng áp lực này chỉ mất khoảng 5-7 phút.

Buồng áp lực này được tạo ra để đảm bảo an toàn tối đa cho tổ bay.

Về nguyên lý, không khí khi được bơm vào buồng áp lực dương là không khí đã được lọc (không khí sạch). Buồng áp lực này được tạo ra để đảm bảo an toàn tối đa cho tổ bay, khi thực hiện các thao tác có nhiều nguy như khi bỏ khẩu trang để ăn. Khác với phòng áp lực âm dùng để cách ly các bệnh nhân Covid-19, có tác dụng ngăn virus phát tán ra bên ngoài, buồng áp lực dương sẽ có nhiệm vụ đảm bảo mầm bệnh từ bên ngoài không thâm nhập được vào bên trong, từ đó tạo ra 1 không gian an toàn.

Để hạn chế tối đa việc các bệnh nhân phát tán virus ra không khí, tổ bay đã tính phương án để có ít người cùng mở khẩu trang ra trong 1 thời điểm nhất có thể. Theo đó, sẽ chỉ có khoảng 15-20 bệnh nhân được bố trí ăn uống cùng 1 lúc, nhóm này ăn xong thì mới đến các nhóm tiếp theo.

Sẵn sàng cho tình huống xấu nhất

 Là Trưởng đoàn y tế đón 219 công dân từ Guinea, BS Hùng chia sẻ, khi nhận nhiệm vụ bản thân bác sĩ và 3 đồng nghiệp đều cảm thấy tự hào khi được Lãnh đạo Bộ và Bệnh viện tin tưởng lựa chọn tham gia chuyến bay này.

Tuy nhiên, tỷ lệ bệnh nhân dương tính cao, với 120 ca, trong đó có khoảng 7-10 ca có biểu hiện nặng, cũng khiến ê kíp không khỏi lo lắng. “Mặc dù chúng tôi đều đã có rất nhiều kinh nghiệm trong vấn đề xử trí cấp cứu bệnh nhân, thường xuyên thao tác những kỹ thuật khó, đòi hỏi tính chính xác cao. Tuy nhiên, trước nguy cơ lây nhiễm cao, chúng tôi cũng vô cùng lo lắng. Bản thân ê kíp khi đi cũng xác định có thể bị lây nhiễm nên cũng trong tâm thế sẵn sàng cho tình huống xấu nhất có thể xảy ra”- BS Hùng chia sẻ.

Xác định nguy cơ bệnh nhân có thể diễn biến nặng rất cao, vì vậy những trang thiết bị mang đi có phần đặc biệt so với những chuyến bay khác. Ngoài những trang thiết bị, vật tư y thiết yếu, Bệnh viện đã trang bị 2 máy thở, 2 máy khí dung kèm theo những máy monitor, bộ đặt ống nội khí quản phòng trường hợp bệnh nhân có diễn biến thì sẽ tiến hành cấp cứu kịp thời.

BS Hùng chia sẻ niềm tự hào khi được giao nhiệm vụ đặc biệt này. 

“Trong khoang bệnh nhân dương tính, chúng tôi đã làm việc với bộ phận kỹ thuật của VNA, trang bị 2 cáng phòng khi bệnh nhân xảy ra biến cố trên máy bay. Đồng thời, sàng lọc, phân chia mức độ nặng nhẹ. Trong đó, sẽ ưu tiên bệnh nhân nặng ngồi phía trên để kịp thời cấp cứu nếu cần thiết”- BS Hùng cho biết.

BS Hùng cũng cho biết, tranh thủ thời gian 12 tiếng trên máy bay khi chưa có bệnh nhân, Tổ công tác y tế sẽ hướng dẫn các tiếp viên thực hiện những thao tác tháo lắp, mặc các trang thiết bị bảo hộ và cách xử lý các tình huống. Bởi các thao tác chỉ cần sơ sẩy nhỏ thôi có thể lây nhiễm rất lớn.

“Vì thời gian bay khoảng 24 tiếng nên chúng tôi xác định đóng bỉm, cũng không có chuẩn bị gì nhiều đồ cho cá nhân. Sau chuyến này, anh em trong phi hành đoàn cũng sẽ phải cách ly ít nhất 14 ngày trước khi trở lại cộng đồng”- BS Hùng cho biết.

Nhân viên điều dưỡng T.V.T (xin được giấu tên) của Bệnh viện đã không khỏi hồi hộp, lo lắng khi được Ban lãnh đạo Bệnh viện tin tưởng giao nhiệm vụ đặc biệt này. Công tác trong bệnh viện được 4 năm, nhưng đây là lần đầu tiên điều dưỡng T. được tham gia một chuyến bay đầy thách thức đến vậy.

Anh T. chia sẻ, vì sợ mọi người trong gia đình lo lắng nên anh cũng đã lấy lí do vào viện cách ly để điều trị các bệnh nhân Covid-19 để sẽ cùng đoàn tham gia vào việc “giải cứu” các bệnh nhân dương tính với SARS-CoV-2 ở Guinea Xích đạo.

“Chúng tôi cũng đã được tập huấn, đồng thời có kinh nghiệm về phòng hộ, chăm sóc người bệnh nên sẽ cố gắng tối đa để đảm an toàn cho bản thân. Đây là một nhiệm vụ cao cả, vô cùng đặc biệt nên sẽ nỗ lực để hoàn thành nhiệm vụ lãnh đạo giao”.

Được biết, 219 công dân làm việc cho các công ty Việt Nam tại Guinea Xích Đạo chủ yếu là nam giới, tương đối trẻ, độ tuổi cao nhất là 50-52 tuổi.

Theo kế hoạch, Tổ công tác và phi hành đoàn sẽ xuất phát từ sân bay Nội Bài, bay liền 12 tiếng đến Guinea Xích Đạo, sau đó máy bay nạp nhiên liệu, đón công dân, hướng dẫn lên máy bay, rồi quay về Hà Nội./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên