Ổn định điểm sàn - bảo đảm chất lượng đầu vào
Nhờ có “điểm sàn” và thước đo “ba chung”, mà 10 năm qua, chất lượng “đầu vào” của các trường đã được xác lập
- Trường ngoài công lập đang nhắm sai đối tượng
- Điểm sàn và chất lượng đào tạo nguồn nhân lực
- Giáo dục đại học - hai biểu hiện của một vấn đề
Sau nhiều tính toán cân nhắc và không ít áp lực, cuối cùng, mức điểm sàn tuyển sinh Đại học - Cao đẳng (ĐH - CĐ) năm 2011 đã được Bộ GD&ĐT công bố. Khác với dự đoán của nhiều người, mức điểm sàn năm nay không giảm mà giữ nguyên như năm 2010. Cụ thể, điểm sàn hệ ĐH, khối A và D là 13 điểm, Khối B và C là 14 điểm. Mức điểm sàn hệ CĐ giảm 3 điểm tương ứng với từng khối thi. Đây được xem là mức chất lượng đầu vào tối thiểu của các trường ĐH - CĐ, đồng thời là cơ sở để các trường tiến hành công tác tuyển sinh.
Lâu nay, khi áp dụng giải pháp 3 chung (chung đề thi, chung đợt thi, chung kết quả để xét tuyển) trong công tác tuyển sinh ĐH - CĐ, cái chung thứ ba “chung kết quả để xét tuyển” được xem là khâu phức tạp nhất, khó khăn nhất. Đây cũng là tâm điểm của sự cải tiến, điều chỉnh quy chế thi hàng năm.
Tiếp tục quan điểm tạo mọi thuận lợi và tăng cường cơ hội trúng tuyển cho thí sinh, năm nay, Bộ GD&ĐT đưa ra một số quy định mới.
Cụ thể, Bộ cho phép thí sinh nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển qua nhiều hình thức: qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại trường; Các trường phải có trách nhiệm công khai chỉ tiêu và dữ liệu xét tuyển hàng ngày trên trang Web của trường để thí sinh cập nhật, đồng thời cho phép thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển NV2, NV3 ở những trường mà khả năng trúng tuyển thấp, để chuyển sang trường có khả năng trúng tuyển cao hơn. Cùng với đó là việc kéo dài thời gian của mỗi đợt xét tuyển thêm 5 ngày. Cụ thể xét tuyển NV2: từ 25/8 đến hết 15/9; Xét tuyển NV3: từ 20/9 đến hết 10/10.
Đối với những ngành khó tuyển, thực hiện đào tạo nhân lực cho những địa phương có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, tiếp tục được thực hiện điều 33 của Quy chế tuyển sinh khi được Bộ GD&ĐT cho phép. Theo quy định này, đối tượng có mức điểm ưu tiên cao nhất có thể lên tới 5 điểm. Nghĩa là, chỉ cần có kết quả thi đạt 8 điểm/3 môn thi là có cơ hội được xét tuyển vào trường ĐH hoặc chỉ cần đạt 5 điểm/3 môn thi là có thể đăng ký xét tuyển vào Cao đẳng.
Mức điểm sàn ĐH - CĐ năm nay thực ra với các trường tốp trên không có nhiều ý nghĩa, bởi điểm chuẩn trúng tuyển NV1 cao hơn hẳn. Với các trường tốp giữa, thì đang phải cân nhắc, tính toán để lựa chọn phương án điểm chuẩn trúng tuyển NV1 phù hợp, đồng thời công bố công khai chỉ tiêu, điều kiện xét tuyển NV2 vào trước ngày 20/8.
Lo lắng và khó khăn hơn cả, là khối trường tốp dưới, đặc biệt là các trường ngoài công lập. Cho dù năm nay một số trường ngoài công lập đã mạnh dạn tổ chức thi để chủ động về nguồn tuyển, nhưng thực tế, lại không như mong muốn. Chẳng hạn, trường ĐH dân lập Hải Phòng, có chỉ tiêu tuyển ĐH - CĐ là 2.200, nhưng số thí sinh đạt điểm sàn ĐH chỉ có 240 em. Hay trường ĐH Hà Hoa Tiên, cả Hội đồng thi chỉ có 50 thí sinh tham dự và kết quả chỉ có 17 thí sinh đạt điểm sàn trở lên. Còn ở trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An thì chỉ tiêu được giao là 1.250, nhưng chỉ có 34 thí sinh đạt từ 13 điểm trở lên… Với gần 150 trường ĐH - CĐ không tổ chức thi, chủ yếu là các trường ngoài công lập, công tác tuyển sinh cũng hết sức “bị động” vì hoàn toàn trông chờ vào nguồn tuyển từ các trường khác chuyển đến qua các đợt xét tuyển NV2, NV3 và nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu là rất lớn.
Về mặt lý thuyết, với hơn 415.000 thí sinh có kết quả từ điểm sàn trở lên, nguồn tuyển sinh ĐH - CĐ năm nay được Bộ GD&ĐT nhận định là dồi dào hơn năm trước. Trong trả lời phỏng vấn của báo chí sau khi công bố điểm sàn, Thứ trưởng Bùi Văn Ga, Trưởng ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH - CĐ năm 2011 cho biết, Bộ khuyến khích việc dịch chuyển thí sinh giữa các vùng miền, các địa phương.
Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ, sẽ thấy một số vấn đề nảy sinh. Thứ nhất, nguồn tuyển được xem là dồi dào hơn cả, lại tập trung chủ yếu ở khối B - đây là khối thi mà cơ hội ngành nghề tương đối hẹp. Vì vậy, nếu không tham gia xét tuyển ở những ngành tuyển khối B, các thí sinh này không thể chuyển sang các khối khác. Thứ hai, tỷ lệ thí sinh chấp nhận sự dịch chuyển là bao nhiêu, thì không ai có thể đoán biết được. Bởi, phía trước các em có nhiều con đường để lựa chọn như: du học, tham gia các chương trình đào tạo liên kết quốc tế, dự tuyển hệ cao đẳng, trung cấp để học liên thông lên đại học, hoặc thi lại ĐH vào năm sau…
Cho dù, bài toán xét tuyển ĐH - CĐ còn chứa đựng nhiều ẩn số, nhưng việc Bộ GD&ĐT kiên quyết giữa ổn định ‘điểm sàn” để đảm bảo chất lượng “đầu vào” ĐH - CĐ bước đầu được dư luận ủng hộ. Bởi muốn có chất lượng “đầu ra” tốt, không thể không quan tâm đến các yếu tố đầu vào, trong đó có trình độ thí sinh “đầu vào” của các trường.
Ở đây cũng phải khẳng định: Nhờ có “điểm sàn”, nhờ có thước đo “ba chung”, mà 10 năm qua, chất lượng “đầu vào” của các trường đã được xác lập, giúp xã hội nhận diện ngày càng rõ hơn những mảng màu sang - tối về chất lượng, uy tín của các cơ sở đào tạo. Người học ngày càng sáng suốt hơn trong việc lựa chọn ngành nghề và cơ sở đào tạo.
Dẫu sự lựa chọn của người học đang bị chi phối bởi nhiều yếu tố, nhưng đáng mừng là trong xã hội đang dần dần hình thành những quan niệm mới: không phải cứ mang danh ĐH là thu hút được người học. Không phải cứ lao vào ĐH bằng mọi giá, mà điều quan trọng hơn là môi trường đào tạo đó như thế nào, các điều kiện đảm bảo chất lượng ra sao, giá trị bằng cấp có được sẽ được thị trường lao động đánh giá và chấp nhận như thế nào…
Với xu hướng đó, các chiêu quảng cáo mời chào, ưu đãi để thu hút người học chỉ là kiểu làm nhất thời. Cái gốc sâu xa bền chắc phải là những kế hoạch, giải pháp hết sức cụ thể và sáng tạo của từng nhà trường, từng cán bộ giảng viên để chăm lo cho chất lượng đào tạo, nâng cao vị thế, uy tín của nhà trường. Nếu không, sẽ khó tránh khỏi những hệ quả tất yếu của quy luật cạnh tranh trong một hệ thống giáo dục ĐH đa dạng, phát triển và có sự phân tầng mạnh mẽ, cho phép người học có nhiều sự lựa chọn khác nhau./.