Ông Huỳnh Ngọc Ấn, người khiến kỹ sư Hãng Haris (Mỹ) phải nể phục
VOV.VN - 36 năm gắn bó với ngành kỹ thuật phát thanh, đảm nhiệm nhiều chức vụ,
ông Huỳnh Ngọc Ấn cùng các kỹ sư từng bước đưa ngành kỹ thuật phát thanh
phát triển và ngày càng lớn mạnh.
ông Huỳnh Ngọc Ấn cùng các kỹ sư từng bước đưa ngành kỹ thuật phát thanh
phát triển và ngày càng lớn mạnh.
Đến với phát thanh từ việc trực radio
Đến thăm gia đình ông Huỳnh Ngọc Ấn tại khu tập thể Đài (194 Giải Phóng, Hà Nội), thấy ông bà sống với nhau đã hơn 50 năm mà vẫn tình cảm. Năm nay, ông Ấn đã bước sang tuổi 80 nhưng vẫn rất nhanh nhẹn, hoạt bát. Bằng chất giọng trầm ấm xứ Quảng, ông kể cho tôi nghe về quãng đời gắn bó với phát thanh.
Ông Huỳnh Ngọc Ấn - nguyên Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam |
Ông Ấn vẫn nhớ, ấn tượng đầu tiên đưa ông đến với nghề phát thanh là từ cái loa quê nhà. Trong thời gian chàng thanh niên Huỳnh Ngọc Ấn học xong trung học, thị xã Quảng Ngãi, quê hương ông, tổ chức cuộc mít tinh lớn mừng giải phóng Điện Biên Phủ. Trong buổi mít tinh có cái loa nói oang oang khiến ông ngạc nhiên cứ quanh quẩn nhìn ngó, tìm hiểu, sau mới biết loa dùng hệ thống tăng âm.
Đến tháng 8/1954, Huỳnh Ngọc Ấn tập kết ra Bắc đầu quân vào một đơn vị thông tin. Ông được phân công trực radio để hàng ngày cứ từ 18h - 21h, mọi người trong đơn vị tập trung lại để nghe tin tức Đài TNVN. Sẵn ấn tượng về cái loa ở quê, bây giờ lại đảm nhận công việc trực radio, ông Ấn thấy nghề phát thanh thật thú vị. Chỉ với một cái đài nhỏ mà một người nói, hàng vạn, hàng triệu người ở khắp nơi nghe được. Bởi thế, khi đơn vị cho một số thanh niên đi học, Huỳnh Ngọc Ấn đã thi vào Trường trung cấp Bưu điện và Truyền thanh thuộc Tổng cục Bưu điện. Thi đạt điểm cao, Huỳnh Ngọc Ấn được chọn khoa và ông đã chọn học chuyên ngành kỹ thuật phát thanh để có thể gắn bó với nghề mà mình yêu thích.
Trong thời gian đi thực tập ở đài Đại Mỗ, ông xin thực tập bộ phận quản lý máy phát. Quá trình thực tập càng làm ông yêu hơn cái nghề mình đã lựa chọn. Trưởng đài Đại Mỗ khi đó là ông Nguyễn An Ri đã cho ông hiểu rằng, cái nghề mà ông đã lựa chọn đòi hỏi ý thức trách nhiệm xã hội rất cao, bởi chỉ một chút sơ sảy là có thể làm mất cơ hội được nghe tin tức của hàng vạn, hàng triệu người. Học xong, ông xin về làm việc ở đài Đại Mỗ nhưng chẳng được bao lâu thì Trường trung cấp Bưu điện và Truyền thanh điều ông về làm công tác giảng dạy tại trường.
Lãnh đạo phải miệng nói tay làm
Về trường giảng dạy được 2 năm, tháng 2/1964, Huỳnh Ngọc Ấn nhận được lệnh đi B. Khi đó, ông mới cưới vợ chưa được bao lâu (cưới tháng 10/1963) nhưng đôi vợ chồng trẻ chuẩn bị tâm lý sẵn sàng để chồng lên đường bởi đó vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của thanh niên khi đất nước có chiến tranh.
Huỳnh Ngọc Ấn đã làm đầy đủ các thủ tục để vào chiến trường. Thế nhưng ngày lên đường, xe không đưa ông vào chiến trường mà lại đưa đến địa chỉ 6A Yên Phụ (Hà Nội). Đến đây, ông mới biết đó là trạm kỹ thuật làm nhiệm vụ nối liên lạc điện báo với Mặt trận dân tộc Giải Phóng miền Nam Việt Nam.
Năm 1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Ngày 1/2/1962, giữa chiến khu D - tại căn cứ Mã Đà, Đài Phát thanh Giải Phóng phát chương trình đầu tiên với danh xưng “Đây là Đài Phát thanh Giải Phóng, tiếng nói của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” khiến đồng bào và chiến sĩ miền Nam vui mừng, xúc động và càng tin vào chiến thắng.
Tuy nhiên, vì đóng trong chiến khu miền Đông Nam bộ, thiếu thốn mọi bề, bị địch đánh phá ác liệt nên công suất đài bị hạn chế, dễ bị dịch phát hiện khi lên sóng. Vì thế, Ban thống nhất Trung ương đã thành lập một cơ quan mật, trực thuộc Ban mang tên V12 (tên mật đầu tiên của Đài Giải phóng A) đặt ở 6A Yên Phụ, Hà Nội hỗ trợ Đài Phát thanh Giải Phóng B. Về V12 ở Yên Phụ, Huỳnh Ngọc Ấn được giao nhiệm vụ trực máy phát, bắt đầu gắn bó cuộc đời mình với phát thanh.
Để đảm bảo an toàn, Đài Giải Phóng A liên tục thay đổi địa điểm từ 6A Yên Phụ đến (Nam Đàn) Nghệ An lại về Hà Nội rồi lên Thái Nguyên... Mỗi lần di chuyển kéo dài nhiều ngày, vừa di chuyển vừa phải tránh máy bay Mỹ ném bom bắn phá. Ví như lần di chuyển từ Nam Đàn (Nghệ An) về Hà Nội kéo dài nhiều ngày đêm nhưng với cương vị là người phụ trách kỹ thuật, Huỳnh Ngọc Ấn đã cùng anh em đảm bảo các thiết bị di chuyển ra Bắc an toàn.
Công tác tại Đài Giải Phóng A đến tháng 3/1968, ông Huỳnh Ngọc Ấn chính thức chuyển về Đài TNVN, ở vai trò Phó Đài V3 ở Lào Cai (là đài tiếp âm cho Đài Giải Phóng). Cuối năm 1971, ông được điều về Đài CK2 (đài dự phòng cấp 1 cho đài Mễ Trì và Bạch Mai” và đến năm 1972 ông là Trưởng Đài CK2.
Ông Huỳnh Ngọc Ấn cho rằng, giai đoạn từ 1955- 1975 là thời thời kì hào hùng nhất, vẻ vang nhất của những người làm phát thanh vì lúc này lực lượng cán bộ kỹ thuật phát thanh được bổ sung lực lượng nòng cốt làm phát thanh từ miền Nam ra cùng những kỹ sư đã qua 9 năm tôi luyện trên miền Bắc.
“Thời kì chiến tranh phá hoại của máy bay Mỹ ở miền Bắc, bộ phận kỹ thuật bao giờ cũng ở những nơi heo hút nhất để đảm bảo bí mật, an toàn. Chúng tôi thường trong tình trạng cơm không đủ ăn, vất vả thiếu thốn đủ đường. Thời gian ở Đài V3 trên Lào Cai hay ở Đài CK2 (Chương Mỹ, Hà Tây), tôi thương anh em vô cùng. Tiêu chuẩn tem phiếu của chúng tôi mỗi tháng được 3 lạng thịt nhưng đi mua làm gì có thịt. Mậu dịch bán mắm tôm thay cho thịt cũng phải mua về cải thiện bữa ăn. Thỉnh thoảng bữa ăn được cải thiện bằng canh bầu bí mua được của bà con dân tộc nấu với mắm tôm. Có khi 6 tháng trời không biết đến miếng thịt”.
Nhấp ngụm chè, ông Ấn kể tiếp: “Vất vả, khó khăn là thế nhưng không ai lơ là với công việc. Chúng tôi làm việc với khẩu hiệu không để một phút mất sóng. Anh em thường nói với nhau là nghe tin cha mất và máy móc trục trặc cùng lúc thì cha phải đắp chiếu để đấy mà đi sửa máy, quyết không để mất sóng. Mà đúng là nếu thực tế sự việc xảy ra như vậy thì chúng tôi phải đi sửa máy trước.Trách nhiệm của những người làm kỹ thuật phát thanh khi đó gắn liền với vận mệnh đất nước, gắn chặt với phong trào xây dựng CNXH miền Bắc và đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Quy chế các đài phát sóng phát thanh thuộc Cục Kỹ thuật phát thanh quy định, nếu máy hỏng trong 1 phút bộ phận trực ca phải xử lý ngay. Quá 1 phút chưa xử lý được phải báo động gọi kỹ thuật viên trực ca vào xử lý. Quá 2 phút kỹ thuật viên trực ca chưa xử lý được phải báo động đến bộ phận kỹ thuật của Đài. Như vậy chỉ trong 3 phút, người lãnh đạo phải xử lý xong hỏng hóc. Bởi thế làm lãnh đạo thời đó phải miệng nói tay làm, phải am hiểu tất cả những thiết bị kỹ thuật mà đài mình quản lý”.
Được kỹ sư Mỹ đánh giá cao
Năm 1995 khi đang ở vị trí Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN, ông Huỳnh Ngọc Ấn qua Mỹ để nghiệm thu thiết bị. Quá trình đấu thầu kéo dài 6 tháng trời, ông Ấn cùng các kỹ sư, các chuyên gia Hội Điện tử Việt Nam, các giáo sư, tiến sĩ các trường đại học chuyên ngành điện tử viễn thông đã đặt ra cho phía đối tác nhiều câu hỏi để làm rõ các thiết bị mà Hãng Haris (Mỹ) gửi cho Đài TNVN để chào hàng.
Ngày ông Ấn đến làm việc tại nhà máy của họ thấy, họ treo cả cờ Mỹ và cờ Việt, đồng thời rất đông kỹ sư đứng đón. Vào đến phòng làm việc, ông Ấn hỏi họ, tại sao lại dành cho ông một buổi đón tiếp long trọng như vậy? Họ trả lời là buổi đón tiếp vừa để chào mừng ông đến với nhà máy, nhưng cũng bởi kỹ sư nhà máy muốn nhìn xem ông Ấn là người như thế nào.
Trong buổi đón tiếp đó, lãnh đạo nhà máy hỏi ông Ấn cùng đội ngũ kỹ sư phát thanh Việt Nam tốt nghiệp ở trường nào? Ông Ấn trả lời là ông và phần lớn kỹ sư của ngành phát thanh Việt Nam đều học ở Việt Nam, bản thân ông còn chưa có bằng kỹ sư vì đang học dở. Những người Hãng Haris đã chia sẻ rằng, họ đã làm việc, cung cấp thiết bị cho nhiều nước ở châu Âu, châu Á nhưng chưa gặp đối tác nào mà kỹ sư có trình độ và khả năng nắm bắt kỹ thuật nhanh như đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Vì thế, họ không tin ở Việt Nam có trường nào có thể đào tạo ra những kỹ sư thành thạo về kỹ thuật như vậy.
“Khi tôi trả lời là chính cuộc chiến tranh đã tôi luyện cho chúng tôi. Khi Mỹ đưa máy bay bắn phá miền Bắc, những người làm kỹ thuật phát thanh chúng tôi đã phải đi nhặt nhạnh những gì hư hỏng còn sót lại để rồi tự sửa chữa, lắp ráp máy móc đảm bảo sự liên tục của làn sóng. Cái gì không biết, chúng tôi phải tự mày mò cho ra, nhờ thế mà tay nghề của các kỹ sư và công nhân kỹ thuật được nâng cao” - ông Ấn nhớ lại.
“Chính trong lúc gian khó nhất, đội ngũ người làm kỹ thuật phát thanh bằng trí tuệ, lòng nhiệt tình, bằng trách nhiệm với đất nước đã vượt lên khó khăn gian khổ đưa ngành kỹ thuật phát thanh ngày càng phát triển", ông Ấn chia sẻ. Gắn bó với kỹ thuật phát thanh gần 40 năm, tháng 1/2000, ông Huỳnh Ngọc Ấn về hưu khi bước sang tuổi 64./.
Quá trình công tác của ông Huỳnh Ngọc Ấn:
3/1964 - 3/1968, phụ trách kỹ thuật phát thanh Đài Giải phóng A.
Tháng 3/1968, ông Huỳnh Ngọc Ấn là Phó Đài V3 Lào Cai.
1972 - 1976 Trưởng Đài CK2.
1976 - 1984, Cục phó Cục Kỹ thuật phát thanh, cố vấn kỹ thuật phát thanh cho Lào (1976 - 1977), trưởng Đoàn chuyên gia chuyên gia kỹ thuật cho nước bạn Campuchia (6/1978 - 5/1979).
1984 - 1987, Vụ phó Vụ Kế hoạch Ủy ban Phát thanh Truyền hình Việt Nam.
1987 - 1989, Trưởng Ban kế hoạch Đài TNVN.
1989 - 2000, Phó Tổng giám đốc Đài TNVN.