Ông Lê Hồng Anh dự lễ kỷ niệm 70 năm ngành Bưu điện Việt Nam
VOV.VN -Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị dự và phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 70 năm ngành Bưu điện Việt Nam.
Sáng nay (14/8), tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức lễ kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống ngành Bưu điện Việt Nam (15/8/1945-15/8/2015); 68 năm ngày thành lập công đoàn Thông tin và Truyền thông Việt Nam (30/8/1947-30/8/2015).
Ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng tới dự và phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son trao tặng bức tranh tem kỷ niệm 70 năm truyền thống ngành Bưu điện cho ông Lê Hồng Anh |
Ngày 15/8, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào đã ra nghị quyết thành lập "Ban Giao thông chuyên môn", tổ chức tiền thân của Ngành Bưu điện Việt Nam. Trong hai cuộc kháng chiến, hơn 1,2 vạn cán bộ, công nhân viên ngành Bưu điện đã hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Khi đất nước thống nhất và thời kỳ đổi mới, Bưu điện Việt Nam đã trở thành ngành tiên phong thực hiện đường lối đổi mới, sáng tạo với quyết sách "Đi thẳng vào công nghệ hiện đại, số hóa, đa dịch vụ" và "hội nhập phát triển" nhằm phát huy nội lực, tạo môi trường cạnh tranh sâu rộng trong nước, phát triển công nghệ thông tin, hạ giá thành, chủ động hội nhập quốc tế.
Các doanh nghiệp trong lĩnh vực bưu chính viễn thông từng bước được hình thành và phát triển với các tập đoàn, công ty lớn như VNPT, Vinaphone, Mobifone... là những đơn vị chủ lực thúc đẩy thị trường phát triển. Hiện tại, ngành Thông tin và Truyền thông đang thực hiện quá trình tái cấu trúc, chia tách độc lập hai lĩnh vực truyền thống là Bưu điện và Viễn thông, tạo cơ hội cho phát triển đồng đều. Bên cạnh sự phát triển nhanh của Bưu chính viễn thông, báo chí, xuất bản cũng không ngừng tiến bộ, cả nội dung và hình thức lẫn chất lượng.
Phát biểu tại buổi lễ, ông Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi đến các đồng chí lãnh đạo các thời kỳ, các cán bộ nhân viện và mẹ Việt Nam Anh hùng ngành Bưu điện những tình cảm chân thành và lời chào mừng tốt đẹp nhất.
Ông Lê Hồng Anh khẳng định: Lĩnh vực thông tin và truyền thông được xác định là một trong những ngành quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là yếu tố chiến lược góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội.
Ngành Thông tin và Truyền thông đang quyết tâm vượt qua thách thức để thực hiện chiến lược tăng tốc "đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về công nghệ thông tin và truyền thông" với các giải pháp cơ bản: phát triển công nghiệp CNTT, coi đây là ngành kinh tế kỹ thuật trọng điểm, đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trường GDP...
Để hoàn thành mục tiêu này, ông Lê Hồng Anh đề nghị: "Bộ Thông tin Truyền thông nói chung và ngành bưu điện nói riêng tập trung triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị khóa 11 về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế. Tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thuộc lĩnh vực thông tin, truyền thông, tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Đẩy mạnh công tác nghiên cứu xây dựng hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, đảm bảo tính đồng bộ, tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của ngành. Thường xuyên chăm lo xây dựng tổ chức Đảng và các tổ chức chính trị, xã hội"./.
Hiện nay, mạng lưới bưu chính có trên 12.600 điểm phục vụ, bán kính phục vụ bình quân đạt 2,82 km/điểm. Lĩnh vực viễn thông đạt tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm từ 40-50%. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông năm 2014 đạt gần 305.000 tỷ đồng. Hệ thống hạ tầng thông tin truyền dẫn hiện đại, mạng thông tin di động 2G, 3G, hệ thống vệ tinh Vinasat 1 và 2 phủ sóng toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và nhiều nước trong khu vực...
Lĩnh vực công nghệ thông tin đã có chuyển biến và phát triển mạnh mẽ, thu hút đầu tư nước ngoài với giá trị hàng tỷ USD; tăng trưởng doanh thu toàn ngành giai đoạn 2010 - 2014 đạt mức từ 20 - 25%.
Lĩnh vực báo chí, phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử đã không ngừng phát triển cả nội dung lẫn hình thức, số lượng và chất lượng. Cả nước hiện có 838 cơ quan báo in, 90 báo và tạp chí điện tử; 67 đài phát thanh, truyền hình Trung ương và địa phương với 180 kênh phát thanh và truyền hình quảng bá, 40 kênh truyền hình nước ngoài được cấp phép. Cả nước có 5 đơn vị phát sóng truyền hình số mặt đất, 3 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình vệ tinh; 27 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp. Diện tích phủ sóng phát thanh đạt trên 95% diện tích lãnh thổ và phủ sóng truyền hình đạt trên 98%.
Lĩnh vực thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại có nhiều hoạt động phong phú, đa dạng, góp phần thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước đến với người dân, cũng như đến với bạn bè quốc tế, góp phần đảm bảo an ninh chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô.