PGS Trần Đắc Phu:Tiếp xúc xã hội càng hạn chế, phòng dịch Covid-19 càng tốt
VOV.VN - Nhiều yêu cầu cấp bách trong phòng chống Covid-19 đang được đặt ra, trong đó có cách ly xã hội. Việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế, càng phòng dịch tốt.
Mặc dù chúng ta đang ở cấp độ 3 của dịch bệnh Covid-19 (tức là dưới 1.000 ca bệnh và có lây lan trong cộng đồng) và chỉ có 2 tuần quyết định, chính vì vậy, nhiều yêu cầu cấp bách trong phòng chống dịch đang được đặt ra, trong đó có cách ly xã hội, hay giãn cách xã hội. Điều này đang mang lại lợi ích gì trong phòng chống dịch?
Phóng viên VOV đã trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng, Bộ Y tế. |
PV: Thưa PGS.TS Trần Đắc Phu, giãn cách xã hội hay cách ly xã hội ở Việt Nam được hiểu như thế nào?
PGS.TS Trần Đắc Phu: Một số cụm từ “giãn cách xã hội”, “cách biệt xã hội”, “giãn cách địa lý”, về cơ bản là tránh tiếp xúc. Virus SARS-CoV-2 lây theo cơ chế khoảng cách gần, giao tiếp dưới 2m. Trong quá trình giao tiếp, những giọt nước bọt có virus bắn ra và chúng ta hít phải sẽ gây nguy hiểm và dẫn đến lây nhiễm.
Vừa qua, ổ dịch ở quán bar Buddha tại TPHCM, bệnh nhân cứ thở ra, người khác hít vào, đặc biệt trong không gian kín, nguy cơ lây nhiễm càng cao. Bên cạnh đó, khi giọt virus bắn ra các bề mặt như cầu thang, tay nắm cửa..., sau đó tay của chúng ta động vào, đưa lên mắt mũi miệng nên cũng là nguy cơ dẫn đến lây nhiễm. Vì vậy, yếu tố giãn cách xã hội tức là cần thực hiện tiếp xúc ngồi cách nhau 2m ở tất cả mọi nơi.
Chợ dân sinh ở Ấn Độ, họ còn vẽ vạch, người nhận hàng đứng cách người tiếp xúc 2m, còn ở Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo hạn chế đi lại là hạn chế tiếp xúc, là giãn cách xã hội, hạn chế tụ tập đám đông chính là để hạn chế người tiếp xúc với người.
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta không thể cấm hết, vẫn phải tổ chức các cuộc họp, phải thực hiện các công việc bắt buộc, nhưng điều cuối cùng và vô cùng quan trọng là hạn chế tiếp xúc giữa người với người nhằm giãn cách xã hội.
Việc tiếp xúc xã hội càng hạn chế được bao nhiêu thì chúng ta càng phòng dịch Covid-19 tốt bấy nhiêu.
PV: Với diễn biến phòng chống dịch Covid-19 nâng lên một mức mới, các thành phố có thể tiến hành phong tỏa, trong những trường hợp như vậy, người dân cần làm gì?
PGS Trần Đắc Phu: Phong tỏa là tăng cường kiểm soát, đặc biệt tăng cường kiểm soát ra vào của một khu vực lớn. Vừa qua chúng ta cũng phong tỏa một đường phố, một khu chung cư, phong tỏa bệnh viện Bạch Mai nhằm kiểm soát người ra vào. Tuy nhiên, tùy mức độ, tính chất của sự việc để áp dụng các biện pháp phù hợp. Sự phong tỏa là hạn chế việc đi lại, hạn chế người ra vào, còn trong khu vực đó tùy từng hoàn cảnh cụ thể để áp dụng.
Như Bệnh viện Bạch Mai vừa qua chúng ta áp dụng phong tỏa nhưng vẫn phải đảm bảo chữa bệnh cho bệnh nhân, vẫn phải phục vụ ăn uống cho cả nhân viên y tế và bệnh nhân. Tuy nhiên, cần có một nguyên tắc, dù phong tỏa nhưng điều quan trọng là phải đưa ra được các biện pháp hạn chế lây lan, phòng chống lây nhiễm một cách hiệu quả nhất.
Mỗi người dân cần có ý thức chấp hành nghiêm bởi vì việc chấp hành rất quan trọng trong giai đoạn chống dịch hiện nay. Chỉ mỗi người dân phải có ý thức mới hạn chế được dịch bệnh lây lan.
Xin cảm ơn PGS.TS Trần Đắc Phu!./.
“Cách ly xã hội không phải phong tỏa đất nước”