Phà Long Đại – Toạ độ lửa trên tuyến đường Hồ Chí Minh

Nơi đây, hàng vạn tấn bom do máy bay Mỹ ném từng xuống hòng cắt đứt huyết mạch giao thông trên tuyến đường Hồ Chí Minh, ngăn chặn sự chi viện sức người sức của cho chiến trường miền Nam.  

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, cùng với phà Quán Hàu và bến phà 2 Trúc Ly, bến phà Long Đại (ở xã Hiền Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là một trong những toạ độ lửa ác liệt nhất. Một ngày giữa tháng Tư lịch sử, chúng tôi cùng một số cựu chiến binh đã từng chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên bến phà Long Đại trong thời kỳ chống Mỹ, trở lại thăm chiến trường xưa.

Bến phà Long Đại nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh, phía Đông Trường Sơn, bờ bắc thuộc địa phận thôn Long Đại, xã Hiền Ninh; bờ nam thuộc thôn Xuân Dục 1, xã Xuân Ninh. Phía trên bến phà có cầu đường sắt Thống Nhất bắc qua sông, chạy song hành với cầu Long Đại Đông nằm dưới chân núi Thần Đinh tạo nên một phong cảnh hùng vĩ. Dòng sông Long Đại trong xanh hiền hoà đã chứng kiến biết bao chiến công oanh liệt và sự hy sinh anh dũng của các chiến sỹ, thanh niên xung phong trên bến phà này.


Điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là khu vườn nhà của gia đình ông Nguyễn Văn Trương, bà Nguyễn Thị Lặt - nơi năm xưa có bãi tập kết hàng hoá để vận chuyển qua sông và hầm trú ẩn của các thanh niên xung phong đơn vị C130, D2, F575 - Đoàn 559. Tháng 4/1971, các anh, các chị tuổi vừa 17 đôi mươi, rời quê hương Thái Bình xung phong vào mở đường 18 thuộc hệ thống đường Trường Sơn - Hồ Chí Minh, phục vụ chiến dịch Nam - Lào. Tháng 7/1972, địch đánh phá ác liệt tại bến phà Long Đại và đường 15A, đơn vị C130 được điều động ra đóng quân và thường trực ứng cứu tại đây cùng Bộ đội Công binh kịp thời thông xe thông tuyến.

Ngày 19/9/1972 đơn vị C130 làm nhiệm vụ ứng cứu tại bến phà 2 bờ bắc Long Đại để thông xe. Máy bay Mỹ đánh phá bến phà bằng tia laze. Chúng đánh trúng hầm trú ẩn của các anh, chị. 15 thanh niên xung phong gồm 7 nữ và 8 nam đã hy sinh. Ngày 23/9/1972, một anh trong đơn vị cũng hy sinh tại bến. Như vậy, tại đây 16 thanh niên xung phong đã dũng cảm hy sinh khi làm nhiệm vụ ứng cứu tại bến phà 2 Long Đại ở thời điểm ác liệt nhất.

Từ khi chuyển về ở khu vực này, gia đình ông Nguyễn Văn Trương, bà Nguyễn Thị Lặt đã lập một bàn thờ ngoài trời để hương khói cho các anh, các chị. Ông Nguyễn Văn Trương tâm sự: "Biết nơi đây có hầm trú ẩn của các o, các chú thanh niên xung phong đã hy sinh, vợ chồng tôi lập bàn thờ. Vào những ngày rằm hay mồng 1 hàng tháng, tôi thường hương khói đầy đủ cho các o, các chú".

Phà Long Đại trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đặc biệt những năm 1967-1968 là trọng điểm đánh phá vô cùng ác liệt. Vượt qua tất cả gian khổ hy sinh, Trung đoàn 249 (nay là lữ đoàn 249) - Bộ Tư lệnh Công binh đã kiên cường bám trụ, anh dũng chiến đấu với máy bay địch, rà phá bom mìn, đảm bảo thông phà, thông tuyến, góp phần đưa lực lượng và hàng hoá, khí tài đạn dược vượt sông kịp thời chi viện cho chiến trường, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ông Nguyễn Văn Trương lập bàn thờ TNXP

Đế quốc Mỹ đã thực hiện chiến tranh huỷ diệt bến phà Long Đại hòng ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chúng sử dụng máy bay B52 và đủ các loại máy bay khác cùng với pháo kích từ hạm tàu đã trút xuống đây hàng vạn tấn bom đạn đủ các loại. Phà Long Đại nổi tiếng là toạ độ lửa, là yết hầu trên tuyến đường chi viện miền Nam. Với tinh thần chiến đấu "quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh", lực lượng bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến cùng với dân quân du kích và nhân dân trên địa bàn vẫn kiên cường bám trụ “một tấc không đi, một li không dời”, dũng cảm đánh trả máy bay, rà phá bom Mỹ, san lấp hố bom, kiên quyết thông phà, thông tuyến. Nơi đây một thời máu lửa đã sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong chiến đấu.

Lực lượng công binh lái ca nô, điều hành phà là những người quả cảm, kiên cường bám trụ giữa dòng sông máu lửa này. Trong đoàn chúng tôi có ông Nông Thái Quốc, quê ở tỉnh Cao Bằng, là người có hơn 10 năm lái ca nô trên bến phà Long Đại. Được trở lại thăm chiến trường xưa, ông vô cùng cảm động: "Tôi là người lái ca nô trên bến phà Long Đại trong những năm chiến đấu ác liệt nhất. Tại bến phà này, nhiều đồng chí đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ, đặc biệt có 16 thanh niên xung phong quê ở Thái Bình. Những sự hy sinh cao cả đó là động lực thúc giục chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Phà Long Đại xứng đáng được ghi danh anh hùng, xứng đáng được tạc tượng đài chiến thắng 16 thanh niên xung phong hy sinh khi làm nhiệm vụ"./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên