Phá rừng tại Đắk Lắk vẫn diễn biến phức tạp

VOV.VN - Liên tục nhiều năm qua, huyện biên giới Ea Súp là điểm nóng về phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk.

Tình trạng phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk vẫn diễn ra phức tạp. Năm 2022, đã xảy ra nhiều vụ huỷ hoại rừng quy mô lớn, diện tích rừng bị xâm canh trái phép tiếp tục tăng nhanh. Nhiều chủ rừng, nhiều cấp, nhiều ngành có dấu hiệu buông lỏng quản lý, lãnh đạo, chỉ đạo khiến nhiều diện tích rừng tại Đắk Lắk đứng trước nguy cơ bị xoá sổ. 

Liên tục nhiều năm qua, huyện biên giới Ea Súp là điểm nóng về phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk. Đầu tháng 4/2022, các cơ quan chức năng địa phương phát hiện vụ việc đặc biệt nghiêm trọng với hơn 382ha rừng tại tiểu khu 222 và 205 xã Ya Tờ Mốt bị phá. Đây là vụ phá rừng trái phép lớn nhất khu vực Tây Nguyên trong hàng chục năm qua.

Ông Ngô Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND huyện Ea Súp cho rằng, tình trạng phá rừng ở địa phương diễn biến phức tạp có nguyên nhân lớn từ việc buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của chủ rừng và cả các cơ quan chức năng. Đặc biệt là diện tích rừng giao cho UBND các xã và các doanh nghiệp hiện nay đang bị xâm hại nghiêm trọng.

 “Thực tế trên địa bàn, việc ngăn chặn, việc xử lý phá rừng, xử lý đất rừng bị lấn chiếm trái phép gặp rất nhiều khó khăn. Còn có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ rừng. Nhiều doanh nghiệp không tổ chức được lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng, hoặc nếu có thì lực lượng cũng không đủ mạnh để thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng”, ông Ngô Văn Thắng nói.

Theo thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk, năm 2022 lực lượng kiểm lâm phối hợp với các cơ quan chức năng phát hiện, lập hồ sơ xử lý 1.220 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 143m3 gỗ và 170 phương tiện các loại. Mặc dù so với năm trước đó giảm 85 số vụ vi phạm nhưng trong năm lại xảy ra nhiều vụ phá rừng quy mô rất lớn. Điển hình là vụ phá 382ha rừng tại xã Ya Tờ Mốt huyện Ea Súp, vụ phá gần 75ha rừng tại xã Đắk Phơi và vụ phá khoảng 24ha rừng tại xã Krông Nô, huyện Lắk.

 Đáng lo ngại, các vụ việc quy mô lớn này đều là phá rừng chiếm đất, khiến rừng bị huỷ hoại hoàn toàn, không có khả phục hồi. Một số khu vực phá rừng có dấu hiệu có tổ chức, có đầu nậu thu gom gỗ và đất rừng để buôn bán bất hợp pháp, gây ra những bất ổn về an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Là một trong những điểm nóng xảy ra tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, ông Trần Văn Tùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Krông Bông cũng cho rằng, rừng bị phá tràn lan, liên tục và kéo dài có nguyên nhân từ việc buông lỏng quản lý của chủ rừng: “Tình trạng phá rừng kéo dài thế này là do chủ rừng có phần buông lỏng quản lý. Công ty lâm nghiệp được nhà nước giao diện tích rừng rất lớn nhưng lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng rất mỏng, yếu, đâu đó lại buông lỏng quản lý, từ đó trên lâm phần công ty quản lý xảy ra liên tục các vụ phá rừng”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Lắk cho hay, công tác kiểm tra, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp trên địa bàn vẫn bộc lộ nhiều vấn đề hạn chế. Tình hình vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ rừng một số nơi chưa ngăn chặn triệt để. Trong khi đó, các đối tượng vi phạm ngày càng manh động, hung hãn, sẵn sàng chống trả lực lượng chức năng. Việc tham gia, phối hợp của các cấp chính quyền và các cơ quan chức năng chưa kịp thời, thiếu đồng bộ dẫn đến việc quản lý, bảo vệ rừng không hiệu quả.

Đáng chú ý, trong khi diện tích rừng bị phá, bị lấn chiếm tăng nhanh, lực lượng bảo vệ rừng tại Đắk Lắk tiếp tục giảm mạnh. Trong năm 2022 xảy ra tình trạng nhiều đơn vị có số lượng lớn cán bộ quản lý bảo vệ rừng xin nghỉ việc dẫn đến thiếu nhân lực, công tác quản lý bảo vệ rừng càng thêm khó khăn. Nghiêm trọng nhất tại Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Thuần Mẫn (huyện Ea H’leo), đến nay, toàn công ty chỉ còn 5 người trong khi đó có thêm 3 người tiếp tục có đơn xin nghỉ việc. Ông Hưng cho rằng, chế độ đãi ngộ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng quản lý bảo vệ rừng quá thấp, gần như không có, trong khi trách nhiệm thì nặng nề dẫn đến tình trạng nghỉ việc tràn lan, khó lòng khắc phục.

“Việc thiếu hụt nhân sự vẫn chưa giải quyết được. Trước mắt, chúng tôi phải điều động, tăng cường những nơi ít nóng hơn về những điểm nóng. Quan điểm chúng tôi bây giờ là động viên anh em cố gắng. Vừa rồi UBND tỉnh cũng đã tổ chức thi tuyển, mới xong vòng một, ra Tết, vào tháng 2 mới thi vòng 2, không biết có đảm bảo được số lượng chúng tôi đề nghị là 44 công chức hay không”, ông Nguyễn Quốc Hưng nói.

Thực trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng diễn ra tràn lan tại Đắk Lắk cho thấy, các giải pháp bảo vệ rừng của địa phương hiện nay vẫn chưa hiệu quả, ngoài ra, đang có sự buông lỏng quản lý của nhiều chủ rừng và nhiều cấp, nhiều ngành. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 25 của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương diễn ra từ ngày 10-12/1/2023 cũng đã chỉ ra sự thiếu trách nhiệm và buông lỏng quản lý về rừng và đất rừng của Ban cán sự đảng và cá nhân ông Phạm Ngọc Nghị, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk.

Kết luận của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương nêu rõ: “Ban cán sự đảng và ông Phạm Ngọc Nghị, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, để UBND tỉnh và một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngoài ngân sách; trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, giao đất, cho thuê đất, giao rừng, cho thuê rừng trên địa bàn tỉnh”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Phá rừng, chiếm đất tràn lan tại Đắk Lắk: Buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm
Phá rừng, chiếm đất tràn lan tại Đắk Lắk: Buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm

VOV.VN - Tình trạng phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra rất phức tạp. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra đến 650 vụ phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp.

Phá rừng, chiếm đất tràn lan tại Đắk Lắk: Buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm

Phá rừng, chiếm đất tràn lan tại Đắk Lắk: Buông lỏng quản lý, xử lý chưa nghiêm

VOV.VN - Tình trạng phá rừng tại tỉnh Đắk Lắk đang diễn ra rất phức tạp. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh xảy ra đến 650 vụ phá rừng, xâm lấn đất lâm nghiệp.

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng
Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng

VOV.VN - Việc phá rừng tại Đắk Lắk thời gian gần đây có thêm những thủ đoạn và đối tượng mới, rất tinh vi, liều lĩnh và có hệ thống.

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng

Rừng tại Đắk Lắk bị phá tràn lan trong sự bất lực của chủ rừng

VOV.VN - Việc phá rừng tại Đắk Lắk thời gian gần đây có thêm những thủ đoạn và đối tượng mới, rất tinh vi, liều lĩnh và có hệ thống.

Cận cảnh rừng Quốc gia tại Đắk Lắk, Lâm Đồng bị phá để làm đường khi chưa được phép
Cận cảnh rừng Quốc gia tại Đắk Lắk, Lâm Đồng bị phá để làm đường khi chưa được phép

VOV.VN - Hơn 15ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) cùng nhiều diện tích rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã bị đơn vị thi công dự án đường Trường Sơn Đông phá trắng khi chưa được phép chuyển đổi.

Cận cảnh rừng Quốc gia tại Đắk Lắk, Lâm Đồng bị phá để làm đường khi chưa được phép

Cận cảnh rừng Quốc gia tại Đắk Lắk, Lâm Đồng bị phá để làm đường khi chưa được phép

VOV.VN - Hơn 15ha rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Chư Yang Sin (tỉnh Đắk Lắk) cùng nhiều diện tích rừng đặc dụng của Vườn Quốc gia Bi Đoup - Núi Bà (tỉnh Lâm Đồng) đã bị đơn vị thi công dự án đường Trường Sơn Đông phá trắng khi chưa được phép chuyển đổi.