Phải bảo đảm hài hòa quá trình đô thị hóa vùng ven

Đây là chủ đề chính của Hội thảo quốc tế “Các xu hướng đô thị hóa và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á” diễn ra ngày 9/12 tại thành phố Hồ Chí Minh.

Hội thảo do Trung tâm Nghiên cứu Đô thị và Phát triển TP Hồ Chí Minh phối hợp với Đơn vị nghiên cứu Hỗn hợp 115 thuộc Đại học Provence (Pháp) tổ chức.

Hội thảo nhằm tìm hiểu những xu hướng đô thị hóa, trong đó xoáy sâu vào các vùng đại đô thị và đô thị hóa vùng ven ở Đông Nam Á. Các vùng đại đô thị tuy chỉ chiếm khoảng 16% dân số khu vực nhưng các vùng này đóng góp rất lớn vào kinh tế của từng quốc gia. Ngoài ra, với vai trò là cửa ngõ và là điểm nối kết trong nền kinh tế ngày càng hội nhập của khu vực Đông Nam Á và của kinh tế toàn cầu, các vùng đại đô thị giữ vị trí then chốt trong hoạt động kinh tế quốc gia. Hội thảo cũng đưa ra những nét chính của các tác nhân thúc đẩy quá trình đô thị hóa, đặc biệt chú trọng đến các tác nhân quốc tế (cụ thể là đầu tư nước ngoài), khu vực và địa phương.
Theo đó, các tham luận trình bày nhiều mô hình đô thị hóa của Đông Nam Á trong bối cảnh đô thị hóa toàn cầu, các đặc điểm chính của cấu trúc không gian của 4 vùng đại đô thị lớn nhất Đông Nam Á là Băng Cốc (Thái Lan), Manila (Philippin), Jakarta (Inđônêxia) và TP Hồ Chí Minh. Đặc biệt là sự mở rộng về không gian của các vùng đại đô thị và việc phân định ranh giới của các vùng ven. Vùng ven này ngày càng trở nên quan trọng, một phần vì chúng chiếm một tỉ lệ dân số lớn của các vùng đại đô thị, một phần vì vùng ven đang giữ một vai trò quan trọng trong các lãnh vực dân cư, thương mại và công nghiệp trong các vùng đại đô thị, đồng thời một phần của hệ sinh thái vùng đô thị đang bị suy thoái nhiều về môi trường và tài nguyên.
Đánh giá về hiện trạng đô thị hóa tại Việt Nam, ông Claude De Miras, Giám đốc Viện nghiên cứu và phát triển (Pháp), cho rằng: Quá trình đô thị hóa ở Việt Nam diễn ra hết sức nhanh chóng và năng động. Đây là đặc điểm khác biệt so với các nước trong khu vực và trên thế giới vì họ không phát triển nhanh chóng đến như vậy. Thực tế ai cũng biết, đô thị gồm nguồn nhân lực và sự giàu có ngự trị ở đây. Vì vậy, mục tiêu cần phải có là chiến lược vĩ mô. Đô thị hóa gồm nhiều lĩnh vực như: kinh tế, xã hội, môi trường và mỗi lĩnh vực này cần phải được quan tâm riêng, được bảo đảm ở những mức độ khác nhau. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, với mức độ đầu tư lớn, quá trình đô thị hóa cũng gây nhiều ảnh hưởng đến môi trường và sẽ trở thành vấn đề nhạy cảm đối với các thế hệ tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên