Phải có chế tài buộc tất cả mọi người dân tố cáo nguy cơ xâm hại trẻ em
VOV.VN - Bạo hành trẻ là tội ác và cái ác cần phải được lên án và xử lý nghiêm. Nhưng như vậy đã đủ để giải quyết tận gốc vấn đề hay chưa để ngăn chặn hiệu quả nạn bạo hành trẻ em.
Dư luận chưa hết bàng hoàng phẫn nộ vì vụ việc bé gái 8 tuổi tại TP.HCM bị bạn gái của bố bạo hành dẫn đến tử vong. Những ngày gần đây thêm một vụ việc đau lòng nữa được cơ quan chức năng phát giác. Đó là việc cháu bé 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sức khỏe xấu và nghi có đinh găm vào đầu.
Tình trạng bạo hành trẻ em đã và đang gia tăng đến mức báo động. Xót xa là nhiều trường hợp do chính bố mẹ người thân các em gây ra. Các vụ việc trẻ bị bạo hành gây hậu quả nghiêm trọng đang khiến dư luận hết sức phẫn nộ và đau xót.
Phóng viên VOV trao đổi cùng ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về nội dung này.
PV: Thưa ông, những ngày đầu năm này thì dư luận lại một phen bàng hoàng và rúng động trước thông tin về vụ việc bé gái 3 tuổi ở Hà Nội nhập viện trong tình trạng sức khỏe rất là xấu và nghi bị đinh cắm vào đầu. Xin hỏi cảm nhận của ông ra sao khi nghe về vụ việc này?
Ông Đặng Hoa Nam: Rất là buồn là trong thời gian cuối năm 2021 và đầu năm 2022 đã xảy ra liên tục các vụ việc bạo lực đối với trẻ em. Chúng ta vẫn rất bàng hoàng, xót xa và phẫn nộ. Có thể nói tội ác, nỗi đau và tổn hại gây ra cho trẻ em luôn là nỗi đau gây phẫn nộ nhất, tội ác đáng bị trừng phạt nhất và khó tha thứ nhất.
PV: Hiện nay nhiều người rất quan tâm đến tình trạng sức khỏe của bé. Ông có thể thông tin về tình hình của em hiện nay ra sao?
Ông Đặng Hoa Nam: Ngay sau khi sự việc xảy ra và có thông tin trên báo chí thì. Cục Trẻ em và thông qua tổng đài quốc gia bảo vệ cho trẻ em 111 đã vào cuộc và nhận được một cuộc gọi từ người thân cháu bé yêu cầu trợ giúp. Thông tin ban đầu chúng tôi được biết là cháu bé không ở cùng bố, trong thời gian ở cùng mẹ từ tháng 6/2021 đến nay, cháu đã nhiều lần bị nguy hiểm.
Lần 1 vào tháng 10/2021, cháu bị ngộ độc cấp cứu tại Bệnh viện huyện Thạch Thất, Hà Nội, sau đó chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương. Lần thứ hai, vào cuối tháng 11/2021 phát hiện trong bụng cháu có một chiếc đinh. Bệnh viện huyện Thạch Thất đã tiến hành chụp X-quang và rất may mắn đã lấy được đinh ra theo đường tiêu hóa. Lần thứ ba, gần đây nhất cháu tổn thương gẫy tay. Tối 17/1/2022, cháu lại bị cắm đinh vào đầu và hiện đang cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Hiện cháu bé đang nằm tại khoa hồi sức cấp cứu nhi Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn và tiên lượng rất xấu. Bệnh viện tiếp nhận cháu khi tay đang băng bó do bị gãy và cháu đang trong tình trạng hôn mê.
PV: Thưa ông, dường như đa số trong các trường hợp bạo hành trẻ em đều xuất phát từ những gia đình có bố mẹ đã ly hôn hoặc là ly thân?
Ông Đặng Hoa Nam: Có thể nói là tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình rất khó khăn để phát hiện ra và thường thường tình trạng bạo lực đối với các em diễn ra trong một thời gian dài. Thông qua các vụ việc gần đây chúng ta thấy đa số các vụ việc bạo lực trẻ em trong gia đình xuất phát từ những gia đình bất ổn. Cụ thể có thể là bố mẹ đã ly thân, ly hôn hoặc các em bé thì phải sống với chỉ bố hoặc mẹ, thậm chí là sống với cha dượng, dì hay người tình của cha mẹ.
Gia đình và cha mẹ là hàng rào chức năng và trách nhiệm bảo vệ trẻ em. Gia đình phải là tổ ấm cho các em. Khi gia đình đã có những rạn vỡ thì nguy cơ trẻ em bị bạo lực và xâm hại tăng lên rất nhiều. Trong các vụ việc ly hôn, tình trạng tâm lý của cha hoặc mẹ cũng có vấn đề, bị sang chấn và bất ổn. Do đó nguy cơ trẻ em bị chăm sóc, nuôi dưỡng không chu đáo, thậm chí là bị bạo lực xâm hại tăng lên rất nhiều.
PV: Trong 2 năm xảy ra dịch Covid-19, vấn đề bạo hành trẻ em càng trở nên trầm trọng hơn khi phần lớn trẻ em phải học ở nhà và tiếp xúc thường xuyên với bố mẹ, người thân. Nghiên cứu của Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) cũng chỉ ra là có hơn 3/4 những đứa trẻ đã trải qua ít nhất một hình thức bạo lực trong gia đình trong thời gian giãn cách hoặc là về tinh thần hoặc là về thể chất, thậm chí là cả 2. Và hơn 90% những vụ bạo hành trẻ em đều đến từ người thân trong gia đình các em. Thưa ông Nam, ông nghĩ sao về vấn đề này?
Ông Đặng Hoa Nam: Có thể nói đại dịch Covid-19 tác động đến tất cả mọi cá nhân, mọi quốc gia và ngày càng có thể thấy rõ hơn tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đối với trẻ em. Tại Việt Nam, nguy cơ gia tăng xâm hại bạo lực, mất an toàn cho trẻ em do giãn cách xã hội, các lý do liên quan đến vấn đề về suy thoái kinh tế, mất việc làm của những người chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ, bản thân trẻ là F0, F1 buộc phải đi cách ly y tế tập trung, cách ly y tế tại nhà; Giãn cách xã hội trong một thời gian dài hay các em phải học trực tuyến, không được đến lớp học, hạn chế giao tiếp với bạn bè, hạn chế như hoạt động vui chơi giải trí ngoài trời…
Trẻ em chính là đối tượng đầu tiên bị tổn thương và bị tổn thương lâu dài sau Covid-19. Tôi có thể đưa ra một vài con số tại Việt Nam mà chúng tôi có được. Theo báo cáo của Bộ Công an, 6 tháng đầu năm 2021, toàn quốc phát hiện khoảng 1233 vụ xâm hại trẻ em, tăng 221 vụ, tương ứng là tăng khoảng 21,8% về số vụ và 4,1% về số trẻ em là nạn nhân so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, trong đó xâm hại tình dục cũng tăng khoảng 1,5%.
Theo nhận định của Bộ Công an cũng như nhiều chuyên gia khác, trong tình trạng giãn cách xã hội do Covid-19, công tác quản lý trẻ em của nhiều gia đình bị lơi lỏng. Đừng nghĩ là giãn cách, gia đình ở cùng nhau thì cha mẹ quản lý sẽ tốt hơn nhưng thời gian tiếp xúc với mạng xã hội của trẻ em nhiều hơn cho nên nguy cơ lớn hơn trẻ bị đối tượng dụ dỗ, khống chế để xâm hại.
Số liệu của tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em cũng cho thấy nguy cơ và các trường hợp trẻ bị xâm hại bị bạo lực năm 2021 tăng so với năm 2020 khoảng gần 7%.
PV: Vậy theo ông làm thế nào để có thể bảo vệ trẻ em khỏi bị bạo hành hay là những nguy cơ khác trong chính ngôi nhà của mình, đặc biệt là trong giai đoạn dịch bệnh và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như hiện nay?
Ông Đặng Hoa Nam: Vấn đề trước hết vẫn là ý thức, trách nhiệm bảo vệ trẻ em của gia đình, người thân thích, hàng xóm và cộng đồng dân cư, vì những vụ việc trẻ em bị tổn hại ngay trong gia đình như tôi đã nói thì rất khó phát hiện và can thiệp kịp thời, nếu không có sự lên tiếng tố giác của thành viên gia đình, người dân.
Điểm lại một loạt các vụ bạo lực trẻ em trong gia đình, phần lớn những vụ việc này là kéo dài và gây tổn hại cho trẻ em ngày càng gia tăng. Đã có những việc đáng tiếc, trẻ bị bạo lực đến mức bị tử vong. Vụ việc gần đây nhất là ở huyện Thạch Thất, Hà Nội và em bé đang trong tình trạng nguy kịch.
PV: Với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như bố mẹ ly hôn, ly thân thì trách nhiệm thăm nom, tâm lý cấm cản, không trợ cấp nuôi con hay là vấn đề bảo hộ là những nguyên nhân mà dẫn tới căng thẳng sau ly hôn. Rõ ràng trẻ sẽ là đối tượng chịu thiệt thòi, thậm chí là trở thành lý do để người lớn trút bức xúc hay tức giận. Thưa ông, liệu có giải pháp nào để có thể bảo vệ các em nhỏ khi mà sống trong môi trường này?
Ông Đặng Hoa Nam: Trong các gia đình bất ổn, hàng rào và trách nhiệm bảo vệ trẻ em của cha mẹ chăm sóc cũng bị rạn vỡ. Thống kê của toàn cầu cũng như mỗi quốc gia cũng cho thấy trẻ bị xâm hại, bạo lực nhiều nhất là trong chính môi trường gia đình của mình, bởi những người chịu trách nhiệm chăm sóc mình.
Ngoài ra, một nguyên nhân nữa là quan niệm của nhiều bậc cha mẹ, ông bà giáo dục trẻ bằng hình phạt hoặc bạo lực. Do đó, chúng ta cần phải tăng cường kiến thức, kỹ năng về làm cha mẹ, đặc biệt là các kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phương pháp kỷ luật tích cực, kỷ luật không có bạo lực, không nước mắt thay thế cho các hình phạt giáo dục bằng bạo lực, như chúng ta cứ nói là “yêu cho roi, cho vọt”.
Hiện nay quy định pháp luật của Việt Nam về bảo vệ trẻ em đã rất tiến bộ. Trong Luật Trẻ em 2016 cũng như trong các nghị định của chính phủ đã quy định trách nhiệm của các thành viên gia đình, hàng xóm và cộng đồng dân cư trong việc bảo vệ trẻ em, bắt đầu bằng việc phát hiện nguy cơ, lên tiếng tố cáo hành vi xâm hại, bạo lực trẻ em trong chính môi trường gia đình của mình.
Pháp luật Việt Nam cũng quy định những chế tài xử lý ở cấp độ hành chính, hình sự đối với những hành vi không lên tiếng tố cáo hoặc che giấu tình trạng, nguy cơ trẻ em bị xâm hại, thậm chí là bởi những người thân ngay trong gia đình. Chắc chắn trong thời gian tới, các chế tài pháp lý này sẽ được triển khai thực hiện.
PV: Khung pháp lý thì nhiều nhưng có vẻ chưa được nghiêm khắc hay là chưa đủ sức răn đe để có thể phòng ngừa hiệu quả các vụ bạo hành trẻ em khi mà số lượng các vụ việc bạo hành đang có xu hướng gia tăng, thưa ông?
Ông Đặng Hoa Nam: Theo tôi, vấn đề này có liên quan đến công tác truyền thông báo chí. Hiện báo chí đưa rất nhiều về những vụ việc, đưa chi tiết về vụ việc xâm hại trẻ em, đặc biệt là bạo lực trẻ em gây hậu quả nghiêm trọng, song lại rất ít đưa về những việc xử lý, truy tố hay những phiên tòa xét xử, hình phạt và phân tích về những hình phạt mà tội phạm xâm hại trẻ em phải gánh chịu.
Rõ ràng quy định pháp luật của Việt Nam cũng như bất kỳ một quốc gia nào là mọi hành vi và gây tổn hại về mặt sức khỏe về mặt tính mạng cho người khác đều là những hành vi phải xử lý rất nghiêm khắc. Đối với trẻ em, hành vi xâm hại là một trong những tình tiết tăng nặng. Xâm hại trẻ em càng nhỏ tuổi thì tội danh càng phải chịu sự trừng phạt nặng nề hơn của pháp luật.
Chúng ta cũng thấy rằng là thời gian vừa qua tất cả những vụ việc xâm hại trẻ em được xử lý rất nhanh, rất kiên quyết, thậm chí áp dụng mức án chung thân và án tử hình đối với hành vi mà xâm hại trẻ em mà gây tổn hại sức khỏe và cướp đi tính mạng trẻ em.
Tôi phải nhấn mạnh một góc độ nữa là cần phải tăng cường giáo dục pháp luật để làm sao cho tất cả mọi người dân, tất cả các bậc cha mẹ, các thành viên trong gia đình khi có hành vi nóng giận hoặc trút giận, chà đạp trẻ em thì phải hiểu rằng, pháp luật luôn luôn nghiêm trị và có thể phải chịu án nặng nhất của pháp luật khi gây tổn hại cho trẻ em.
PV: Số điện thoại đường dây nóng hay tổng đài bảo vệ trẻ em 111 là cách hỗ trợ rất thiết thực và kịp thời cho trẻ khi bị bạo hành hay khi có tình huống khẩn cấp, nhưng dường như nhiều người cũng chưa biết đến sự có mặt của tổng đài này. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này, thưa ông?
Ông Đặng Hoa Nam: Tổng đài quốc gia bảo vệ 111 là dịch vụ công rất đặc biệt, được quy định trong Luật Trẻ em, quy định trong nghị định của chính phủ. Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em bắt đầu hoạt động từ năm 2004, với tên là tổng đài tư vấn và hỗ trợ trẻ em, là thành viên của tổ chức quốc tế các đường dây hỗ trợ trẻ em.
Với thế giới số hiện nay, mọi người có thể lên trên mạng và thấy rất nhiều thông tin về tổng đài 111. Thế nhưng chúng tôi cũng phải lấy làm tiếc rằng chúng ta vẫn phải rơi vào những chiến dịch truyền thông bất đắc dĩ như thế này khi mỗi lần trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại được báo chí nêu dư luận phẫn nộ, chúng ta mới nhắc đến 111. Trong khi đó mọi người phải hiểu rằng tổng đài 111 không chỉ là đường dây nóng mà còn là tổng đài tư vấn hỗ trợ tất cả những vấn đề liên quan đến quyền trẻ em.
Thực tế là có khá nhiều người dân và trẻ em biết đến tổng đài này thì đều có sự trợ giúp, song sự cung cấp thông tin cho tổng đài thường là rất muộn màng. Cụ thể như vụ việc mà chúng ta đang bàn đến thì người thân của em bé cũng chỉ gọi đến tổng đài khi sự việc đã xảy ra rồi. Nếu mọi người gọi điện đến tổng đài sớm hơn, từ lúc trẻ em đang có nguy cơ bị xâm hại, bị tổn hại thì có thể chúng ta có thể ngăn chặn tình trạng gây tổn hại cho trẻ em kịp thời và giảm bớt nguy cơ trẻ bị mất đi tính mạng.
Tổng đài hoạt động là 24/7 và chúng tôi thống kê được trung bình mỗi năm tổng đài tiếp nhận 400.000-500.000 cuộc gọi, bình quân hơn 1 phút có một cuộc gọi đến tổng đài này. Nhờ vậy đã hỗ trợ can thiệp, ngăn chặn hàng nghìn vụ việc có nguy cơ gây xâm hại bạo lực cho trẻ em. Con số thầm lặng ấy cho thấy số người gồm cả người lớn và trẻ em biết đến hoặc gọi tổng đài đã không nhỏ.
PV: Cuộc sống bộn bề khiến mọi người phải tập trung quá nhiều vào những gì có liên quan đến bản thân mà không quan tâm đến chuyện là những vấn đề khác. Cũng có ý kiến cho rằng việc người lớn không nhạy cảm với nhu cầu cảm xúc của trẻ, mặc dù đã chứng kiến và cảm thấy phẫn nộ nhưng mà lại vì một số lý do cá nhân nên đã không ra tay giúp đỡ. Ông nghĩ sao về ý kiến này và theo ông thì chúng ta cần phải chữa căn bệnh vô cảm và không phản ứng kịp thời trước những kẻ ác ra sao, thưa ông?
Ông Đặng Hoa Nam: Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới đã có rất nhiều các chiến dịch về phòng, chống bạo lực phòng, chống xâm hại trẻ em. Một trong những khẩu hiệu phương châm hành động được nhắc đến nhiều đó là “Hãy lên tiếng”. Nếu chúng ta không lên tiếng, không sớm phát hiện, không tố cáo tố giác các hành vi bạo lực đối với trẻ em thì bạo lực vẫn còn tồn tại, xâm hại trẻ em vẫn còn tồn tại.
Trẻ em là đối tượng cần phải được ưu tiên bảo vệ. Các em là đối tượng yếu thế không giống như người trưởng thành không có đủ sức đề kháng cự hay có đủ kinh nghiệm hiểu biết về mặt giao tiếp xã hội để kịp thời tố cáo, thậm chí là càng khó khăn hơn khi các hành vi bạo lực xâm hại đó đến từ chính những người thân, cha mẹ của mình.
Góc độ khác, chúng tôi nghĩ rằng pháp luật cần phải có quy định để làm sao không chỉ khuyến khích mà còn phải có chế tài buộc tất cả mọi người dân tố cáo nguy cơ xâm hại trẻ em (các nước gọi là chế độ tố cáo bắt buộc), hiện đã được quy định trong Luật Trẻ em của Việt Nam. Nghị định 130 ngày 30/12/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ 1/1/2022 sẽ xử lý về mặt hành chính đối với tất cả những hành vi, kể cả đó là cha mẹ hay người chăm sóc trẻ, khi phát hiện hoặc nghi ngờ hành vi vi phạm bạo lực xâm hại trẻ và không tố cáo tố giác các cơ quan chức năng có thể bị phạt hành chính đến mức 10-15 triệu, đồng thời có các chế tài xử lý hình sự khác nếu sự thờ ơ vô cảm đó dẫn đến việc tổn hại nghiêm trọng về sức khỏe, thậm chí là tổn hại về tính mạng của trẻ.
Vâng, xin cảm ơn ông!./.