Rối loạn tâm lý do đại dịch có thể khiến trẻ em có ý định tự tử
VOV.VN - Theo các chuyên gia, áp lực học hành, đặc biệt là những vấn đề tâm lý phát sinh trong mùa dịch có thể khiến trẻ em gặp phải nhiều vấn đề về sức khỏe tâm thần, nếu không được phát hiện sớm và hỗ trợ giải quyết kịp thời có thể dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường, thậm chí là hành vi tự tử ở trẻ.
Những phân tích mới đây của UNICEF cho thấy, trẻ có nguy cơ gặp phải nhiều rối loạn tinh thần do ảnh hưởng của dịch Covid-19 bao gồm rối loạn tăng động giảm chú ý, lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn cư xử, trầm cảm, rối loạn ăn uống, khuyết tật trí tuệ và tâm thần phân liệt, có thể gây tổn hại đáng kể đến sức khỏe, việc học tập… Nghiên cứu của UNICEF cũng cho rằng, không chỉ gây tác động khôn lường đối với cuộc sống của trẻ em, rối loạn tâm thần dẫn đến khuyết tật hoặc tử vong ở thanh thiếu niên, đồng thời còn làm thâm hụt khoản đóng góp ước tính lên tới gần 390 tỷ USD mỗi năm cho các nền kinh tế.
Thực tế cho thấy, thời gian qua, khi dịch Covid-19 diễn ra trong suốt 2 năm với những đợt dịch kéo dài, học sinh trên cả nước phải nghỉ học dài ngày, chuyển sang học online. Việc cả ngày phải ngồi nhiều giờ trước màn hình máy tính, hạn chế vận động, giao tiếp với bạn bè, mọi người xung quanh cộng với áp lực học hành, thi cử khiến nhiều trẻ gặp phải các vấn đề về tâm lý nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến những sự việc đau lòng, thương tâm.
Trao đổi về vấn đề này, TS Hoàng Trung Học, Chuyên gia tâm lý học đường, Trưởng khoa Tâm lý - Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục cho rằng, cha mẹ, thầy cô cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về những vấn đề tâm lý mà trẻ em có thể gặp phải trong thời gian phải học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Trong thời kỳ dãn cách xã hội và học tập trực tuyến do Covid-19, trẻ em có thể có biểu hiện “Hội chứng tâm lý do dãn cách xã hội”. Hội chứng này biểu hiện ở một loạt các rối loạn chức năng tâm lý trên cả 3 bình diện: nhận thức, cảm xúc và hành vi. Về nhận thức, học sinh có xu hướng suy giảm năng lực nhận thức – trẻ chú ý kém hơn, tri giác hạn chế hơn, khó khăn trong việc ghi nhớ và giả quyết nhiệm vụ học tập hơn lúc bình thường. Trên bình diện cảm xúc, trẻ có thể biểu hiện theo 2 thái cực, một số trẻ có biểu hiện thu mình, nghèo nàn về cảm xúc, hoặc kém nhạy cảm và buồn chán không rõ lý do. Ngược lại, một số trẻ lại nhạy cảm thái quá, dễ bị kích động, thường xuyên nóng nảy, bức xúc, u uất, mất hứng thú học tập. Về phương diện hành vi, có thể quan sát thấy trẻ chán học, sợ học, có xu hướng nghiện các game và biểu hiện lệ thuộc internet và mạng xã hội. Một số trẻ khác lại có thể xuất hiện hành vi hung tính, tăng động, hoặc dễ xung đột với người thân trong gia đình và bạn bè.
Hội chứng tâm lý do dãn cách xã hội bao gồm tổng thể các dấu hiệu tâm lý, có thể biểu hiện độc lập hoặc đi kèm các biểu hiện của stress, lo âu và trầm cảm học đường.
Đặc biệt, khi thấy con đột nhiên suy giảm kết quả học tập, chán học, thường xuyên than thở mệt mỏi, chán nản, dễ cáu giận, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ.
“Hiện tượng này có thể thấy ở nhiều trẻ, thậm chí cả ở người trưởng thành trong tình trạng dãn cách xã hội do Covid-19. Những khó khăn trong quá trình học tập trực tuyến, sự rối loạn, đơn điệu trong các hoạt động sống, sự giới hạn của các mối quan hệ giao tiếp, xã hội có thể khiến trẻ khó thích ứng, dẫn đến “Hội chứng tâm lý do dãn cách xã hội”, TS Hoàng Trung Học nói.
Theo chuyên gia, khi gặp những vấn đề về tâm lý này ở mức độ nghiêm trọng, trẻ có thể có những hành vi tiêu cực, thậm chí là tự tử.
Trong đó, những trẻ có ý định hoặc hành vi tự tử thường là những trẻ bị gặp các vấn đề tâm lý nghiêm trọng nhưng không tìm được các phưng án giải quyết. Một số trẻ có dấu hiệu của stress nặng, rối loạn lo âu, hoặc trầm cảm. Thống kê cho thấy, khoảng hơn 75% các ca tự tử đều có dấu hiệu của rối loạn lo âu, trầm cảm hoặc khủng hoảng tâm lý ở mức nghiêm trọng.
Còn theo TS Đỗ Thị Trang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng tâm lý học đường, quản lý mô hình 3C tại Việt Nam, hiện nay nhiều trẻ đang gặp áp lực liên quan đến học hành hay từ chính sự kỳ vọng của cha mẹ. Đặc biệt, với lứa tuổi THCS, khi trẻ chưa biết diễn đạt để người khác hiểu về những mong muốn nên thường gặp khó khăn khi bày tỏ những áp lực của bản thân với cha mẹ. Nhiều khi trẻ có thể nói với cha mẹ rằng con đang cảm thấy lo lắng, căng thẳng, hoặc ngồi lơ đãng một chỗ, nhưng cha mẹ lại không để ý đến những biểu hiện tâm lý này.
Đáng ngại hơn nữa, nhiều trẻ còn có thể tự làm đau mình để mong cha mẹ thấy được lời kêu cứu. Khi không được lắng nghe, không được chia sẻ, tình trạng kéo dài, trẻ có thể chọn phương pháp cuối cùng là tự tử.
Cha mẹ cần làm bạn với con
TS Hoàng Trung Học cũng lưu ý, trường hợp trẻ đang gặp những khó khăn về mặt tâm lý, quan trọng nhất là cha mẹ cần phát hiện ra những dấu hiệu bất thường sớm từ con và có biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Để nhận diện những bất thường và hỗ trợ các con, TS Hoàng Trung Học cho rằng, cha mẹ cần thực sự học cách làm bạn, quan sát và lắng nghe con. Muốn làm bạn với con, cha mẹ cần thực hành theo tính chất trong mối quan hệ với bạn mà trẻ mong muốn: bạn là bình đẳng, là tôn trọng, là lắng nghe. Bạn là chấp nhận những lỗi lầm và khuyến khích sự thay đổi, là thấu hiểu và không phê phán.
Trong những giai đoạn phát triển mang tính chuyển tiếp giữa trẻ em và người lớn, học sinh Trung học cơ sở thường gặp những khó khăn, khủng hoảng mang tính quy luật trong quá trình phát triển. Cha mẹ cần chấp nhận đó như một điều bình thường của quá trình phát triển, không nên quá cầu toàn, đòi hỏi cao, khắt khe với trẻ để gây ra những vấn đề lớn trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con.
“Làm bạn với con cha mẹ phải chấp nhận và bao dung với những sai lầm của con, cần tôn trọng và lắng nghe, hỗ trợ con tiến bộ. Nếu con có phạm sai lầm, bố mẹ cũng cần dành cho con nhiều hơn sự bao dung, không nên trì chiết, gần gũi mà hỗ trợ con sửa đổi. Đừng bao giờ yêu cầu con trở thành một người hoàn hảo, một viên ngọc không tì vết, như vậy rất khó có thể làm bạn và thấu hiểu con vì thực tế là chúng ta không ai là người hoàn hảo cả”, TS Hoàng Trung Học nhấn mạnh.
Theo TS Đỗ Thị Trang, cha mẹ cần dành thời gian chất lượng cho con, điều này không có nghĩa bố mẹ phải dành nhiều giờ mỗi ngày cho con, mà có thể chỉ cần 30 phút mỗi ngày, nhưng trong thời gian đó, cha mẹ cần lắng nghe con, không phán xét.
Đặc biệt, trong gia đình, yếu tố làm gương cũng cần phát huy nhiều hơn, khi gia đình luôn xung đột, con sẽ cảm thấy không phục, khi không tôn trọng, con sẽ không tâm sự…
Chuyên gia tâm lý cho rằng, có 3 bước cha mẹ nên áp dụng với trẻ là thấu hiểu (luôn hiểu nhu cầu của con), đồng hành (trở thành đồng bọn, bạn của trẻ), dẫn dắt thay đổi (kích hoạt dần dần sự thay đổi của con). Nếu không làm được 2 điều đầu thì cha mẹ không thể làm bạn với trẻ.
Với các nhà trường cũng nên tổ chức các hoạt động mang tính chia sẻ, lắng nghe tâm sự của học sinh theo tuần, từ đó nhận biết sóm những sự bất thường về tâm lý, ngoài ra các trường cần tránh việc chỉ học và học mà nên có các chương trình để trẻ bộc lộ cảm xúc, giúp trẻ thải độc cảm xúc…/.