Phải thay đổi nhận thức của các công ty hóa chất Mỹ

“Hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế phải lên tiếng mạnh mẽ về tội ác của các công ty sản xuất hóa chất Mỹ và buộc họ phải đền bù cho các nạn nhân da cam Việt Nam”

Trong những ngày đầu vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam kiện các công ty Hóa chất của Mỹ, ông Len Aldis, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Anh là người có nhiều hoạt động ủng hộ vụ kiện và các nạn nhân da cam Việt Nam. Từ đó đến nay, ông Len Aldis luôn có nhiều hoạt động ủng hộ các nạn nhân da cam/dioxin Việt Nam. Nhân dịp sang dự Hội nghị quốc tế về nạn nhân chất độc da cam lần thứ 2 tại Việt Nam, ông đã dành riêng cho phóng viên VOVNews cuộc phỏng vấn về vấn đề này.

Ông Len Aldis với nguyên đơn đầu tiên trong vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam 
cách đây gần 7 năm

PV: Cách đây 7 năm, ông là người tích cực ủng hộ vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Vậy từ đó đến nay, ông có thêm những hoạt động gì ủng hộ vụ kiện này cũng như các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam?

Ông Len Aldis: Thảm họa da cam xảy ra 50 năm trước đây nhưng nó đã để lại một hậu quả khôn lường. Trong những năm qua, chúng tôi tiếp tục có rất nhiều hành động giúp các nạn nhân da cam, như: viết rất nhiều bài để ủng hộ nạn nhân da cam/dioxin, tổ chức các cuộc thi trên Internet, khuyến khích mọi người ký tên ủng hộ nạn nhân da cam…

Có một điều quan trọng chúng ta phải nhớ rằng dân số Việt Nam ngày càng tăng. Điều đó có nghĩa là những em bé sinh ra bị nhiễm chất độc da cam cũng tăng lên. Hàng năm tôi đều đến Việt Nam, mỗi một lần đến, tôi đều có những cảm nhận khác nhau về các nạn nhân da cam. Cuộc sống của họ hầu như vẫn rất khó khăn.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Chính phủ Mỹ phải chịu trách nhiệm cho hành động rải chất da cam lên đất nước Việt Nam cách đây 50 năm (năm 1961). Theo ý kiến của tôi, Chính phủ Mỹ phải chính thức xin lỗi Việt Nam về hành động của mình và phải đền bù cho các nạn nhân da cam Việt Nam. Các công ty của Mỹ đã kiếm được hàng tỷ USD lợi nhuận từ việc bán chất hóa học này, do vậy họ phải xin lỗi và đền bù cho các nạn nhân da cam Việt Nam.

PV: Ông có ý như thế nào khi mà 7 năm đã trôi qua, nhưng vụ kiện của các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam vẫn chưa có kết quả cuối cùng?  

Ông Len Aldis: Tôi không biết là Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam (VAVA) có tiếp tục theo đuổi vụ kiện này nữa không. Tôi nghĩ đến thời điểm này, chúng ta nên làm cách nào để cho cộng đồng thế giới tiếp tục có sự ủng hộ mạnh mẽ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam. Phải để tiếng nói của cộng đồng quốc tế làm thay đổi nhận thức của các công ty sản xuất hóa chất của Mỹ. Từ đó, các công ty này phải chấp nhận hành động của mình là một tội ác chiến tranh và phải đền bù cho những nạn nhân của tội ác đó.

PV: Thưa ông, không chỉ riêng đối với vụ kiện của các nạn nhân da cam Việt Nam, cần có những thay đổi như thế nào trong cách thức tiến hành đòi công lý cho các nạn nhân da cam?

Ông Len Aldis: Tôi đã đi thăm rất nhiều các em bé là nạn nhân da cam trên khắp Việt Nam và nhiều người trong số họ đã chết. Một vài ngày trước đây, tôi đã đi thăm 2 bệnh viện ở TP HCM, gặp 1 em bé 6 tháng tuổi là nạn nhân da cam và không có tay. Các bạn có thể tượng tượng xem tương lai của 1 đứa trẻ 6 tháng tuổi đó sẽ như thế nào? Đây chỉ là một trong hàng ngàn, hàng vạn đứa trẻ bị phơi nhiễm chất da cam được sinh ra ở Việt Nam mà không nhận được một chút đền bù nào. Do vậy, hơn lúc nào hết chúng ta phải làm mọi cách để các công ty hóa chất của Mỹ phải chịu trách nhiệm cho những hành động của họ và đền bù cho các nạn nhân da cam.

Đối với những nạn nhân đang sống và những người chưa được sinh ra, chúng ta có trách nhiệm không để cho họ phải chờ đợi một quá trình 50 năm nữa. Mà với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, chúng ta phải có những cách thức có thể mang lại công lý cho các nạn nhân. Đó là, tại mỗi nước, chúng ta hãy đưa các đoàn đại biểu, gửi thư đến các sứ quán Hoa Kỳ yêu cầu Chính phủ Mỹ hãy bồi thường cho các nạn nhân.

Ông Len Aldis trong dịp dự HN quốc tế nạn nhân chất độc da cam  lần 2 diễn ra ngày 8-9/8/2011

Đối với ông Hugh, Chủ tịch công ty sản xuất hóa chất của Mỹ Monsanto, mỗi chúng ta hãy đưa, gửi thư yêu cầu công ty của ông ta phải trả tiền bồi thường. Đối với mỗi văn phòng của Monsanto tại tất cả các nước, chúng ta hãy gửi thư với những đòi hỏi tương tự.

Mỗi người trong chúng ta hãy mua một cổ phần của công ty Monsanto để có thể tham dự vào Đại hội hàng năm của họ tại bất cứ đâu và đòi công lý cho các nạn nhân Việt Nam. Hãy tổ chức các cuộc biểu tình phản đối tại bên ngoài địa điểm của Đại hội hàng năm của công ty đó.

Chúng ta hãy yêu cầu các Chính phủ của mình giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam ở Việt Nam và cầu họ gây áp lực buộc Chính phủ Hoa Kỳ cũng phải làm như vậy.

Monsanto là công ty lớn nhất thế giới cung cấp hạt giống biến đổi gien cho nhiều nước. Chúng ta hãy đừng mua, đừng trồng, đừng ăn những hạt giống đó.

PV: Cuối cùng, xin ông cho biết, sắp tới ông sẽ có kế hoạch ủng hộ các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam như thế nào?

Ông Len Aldis: Tôi sẽ quay lại Anh và viết về chuyến đi đến Việt Nam lần này của tôi. Tôi sẽ có bài phát biểu với các sinh viên của các trường Đại học về nạn nhân da cam Việt Nam. Thế vận hội thế giới Olympic sắp tới tại Vương quốc Anh sẽ tổ chức tại London. Tôi sẽ nhân cơ hội này để khuyến khích mọi người cùng ủng hội nạn nhân da cam và làm cho bạn bè quốc tế nhận thức rõ hơn về tội ác da cam mà Mỹ đã gây ra ở Việt Nam.

Tôi cũng có một người bạn có một công ty về hóa chất ở Australia. Tôi sẽ khuyến khích bạn tôi mua cổ phần của công ty hóa chất Monsanto để có thể có tiếng nói trong hội đồng cổ đông.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên