Phận người sau lũ dữ

VOV.VN -Nhiều hộ dân ở các xã Sơn Bình, Nậm Cần, Mường Khoa, Pắc Ta, Hồ Mít... tỉnh Lai Châu bỗng chốc trắng tay, cuộc sống người dân trở nên khốn khó

Do sự tàn phá của lũ lụt, sạt lở đất, nhiều hộ dân ở các xã Sơn Bình, Nậm Cần, Mường Khoa, Pắc Ta, Hồ Mít... thuộc tỉnh Lai Châu bỗng chốc trắng tay, cuộc sống của người dân trở nên khốn khó. Tổn thất sau lũ lụt, sạt lở đất đai không gì có thể bù đắp, nhưng nhờ sự vào cuộc của các cấp chính quyền, sự can trường của người dân nơi đây mà sức sống vẫn tiếp tục vươn lên mạnh mẽ.

Người dân một số xã ỏ Lai Châu sau lũ trắng tay.

Mong manh trước thảm họa

Chúng tôi về nơi lũ dữ hoành hành, bản Chu Va 12, xã Sơn Bình, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu trong những ngày đầu tháng 8 âm lịch. Cái nắng gay gắt như dân gian thường bảo “tháng 8 nắng rám trái bưởi” càng làm không khí ở đây trở nên ngột ngạt. Trận lũ dữ xảy ra vào chiều ngày 24/6 vừa qua đã  ảnh hưởng nặng nề đến 4 hộ nuôi cá nước lạnh tại đây, trong đó có 2 hộ bị cuốn trôi hoàn toàn nhà cửa, tài sản, ao nuôi, thiệt hại hàng tỷ đồng.

Đã hơn 2 tháng xảy ra lũ dữ, nơi đây vẫn là bãi hoang tàn với ngổn ngang đất đá, dù người dân đã ngày đêm gồng mình dọn dẹp. Giữa những đống đổ nát, bốc lên mùi ngai ngái của bùn non hòa với mùi cá chết bị vùi lấp dưới đáy ao. Vì trong tích tắc, một khối lượng đất đá khá lớn ào ào đổ xuống, cuốn phăng tất cả ra suối sâu.

Thiệt hại nặng nhất ở bản Chu Va 12 là gia đình anh Dương Hải Long, với toàn bộ tài sản và ao cá hơn 40 tấn bị cuốn đi trong nháy mắt mà không kịp trở tay. Bao vốn liếng đổ vào đầu tư, chuẩn bị được thu hoạch thì bỗng chốc trắng tay, để lại một đống đổ nát hơn 5 nghìn mét khối đất đá, bùn lầy và khoản nợ ngân hàng lên tới 4 tỷ đồng. Đau xót hơn là bố của anh, ông Dương Ngọc Hưng trong lúc đi kiểm tra ao thì bị lũ cuốn, đến nay vẫn chưa tìm thấy thi thể. Hơn 2 tháng qua, mỗi sáng sớm thức dậy là anh Long lại lội dọc suối Chu Va, xuống tận các vùng hạ lưu để tìm thi thể của bố, chưa kể hàng chục ngày công của bà con lối xóm, lực lượng chức năng xã Sơn Bình và các xã lân cận giúp đỡ tìm kiếm nhưng đều vô vọng. Anh Dương Hải Long ngậm ngùi tâm sự: “Tìm mãi rồi nhưng chưa thấy bố, gia đình buồn lắm. Nhiều lúc không muốn làm gì cả nhưng rồi cũng phải đứng dậy thôi, phải cố gắng để còn trả nợ cho bố chứ. Ngày nào chưa tìm được bố thì gia đình vẫn bám trụ để sản xuất, ở lại nơi đây cùng bố chứ không thể đi nơi khác được dù có khó khăn đến mấy. Và cũng hy vọng bố đang nằm đâu đây thôi”!

Cũng chịu sự tàn phá trong trận lũ ngày cuối tháng 6 ấy, nhưng huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu may mắn hơn là trong lũ không xảy ra thương vong về người, nhưng thiệt hại về tài sản là rất lớn. Toàn huyện có 127 căn nhà bị cuốn trôi, hư hỏng nặng, tập trung ở các xã là: Nậm Cần, Mường Khoa, Pắc Ta, Hồ Mít, Trung Đồng, Thân Thuộc, Nậm Sỏ. Hơn 100ha lúa, gần 80ha ngô, hơn 26ha chè bị vùi lấp cuốn trôi, trên 78ha thảo quả bị sạt lở vùi lấp. Đây là những nguồn thu nhập chính của người dân một nắng hai sương quanh năm bán lưng cho trời, bán mặt cho đất. Họ đã nỗ lực chịu thương chịu khó vun xới hằng ngày, sắp cho thu hoạch, thậm chí là cho thu rồi nhưng chưa kịp đưa về thì bỗng chốc mất trắng. Trong câu chuyện kể lại cho chúng tôi nghe, nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng vì sự khủng khiếp của lũ lụt. Ước tính thiệt hại cả huyện trong trận lũ là một con số không hề nhỏ đối với một huyện mới thành lập như Tân Uyên - khoảng 54 tỷ đồng.

Không chỉ huyện Tam Đường và Tân Uyên, từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 9, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra nhiều trận lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá do mưa nhiều, làm thiệt hại lớn về người và tài sản. Hậu quả là 39 người chết và mất tích, 19 người bị thương; 1.360 ngôi nhà của người dân bị cuốn trôi và hư hỏng nặng; hàng ngàn ha lúa, hoa màu, cây cối và ao cá bị vùi lấp, cuốn trôi; trên 100 công trình lớn nhỏ về điện, đường, trường, trạm, công trình thủy lợi, nước sinh hoạt bị vùi lấp cuốn trôi và hư hỏng. Ước tính thiệt hại trên 414 tỷ đồng.

Nỗ lực vươn lên

Lũ lụt, sạt lở ảnh hưởng nặng nề tới cuộc sống là vậy nhưng người dân nơi đây vẫn nỗ lực hết mình để ổn định cuộc sống. Số tiền hỗ trợ 30 triệu đồng từ phía tỉnh và 70 triệu đồng từ phía các tổ chức tình nguyện cho mỗi một gia đình có nhà bị lũ cuốn trôi, hoặc sạt lở làm sập hoàn toàn dù là rất nhỏ nhoi so với những mất mát, đau thương mà người dân nơi đây phải gánh chịu, nhưng đó là nguồn động viên giúp người dân vượt khó.

Mặc dù nỗi đau mất bố, mất tài sản, nợ nần chồng chất là thế nhưng anh Dương Hải Long vẫn quyết tâm bám trụ trên chính mảnh đất ấy với quyết tâm làm lại từ đầu. Anh Long tâm sự: “Rủi ro do thiên nhiên gây ra thì không thể lường trước được. Trước mắt phải tập trung khôi phục ao cá, tiếp tục sản xuất để ổn định cuộc sống, và trả nợ...”.

Cũng không kém phần gian nan, 44 hộ dân người Mông ở các bản Hua Cưởm 1, Hua Cưởm 2, xã Trung Đồng phải di dời đến nơi an toàn do những ngày mưa lũ nặng, quả đồi nơi họ cư trú từ bao đời nay đã bị sụt lún vết nứt dài hàng trăm mét và có nguy cơ cao sẽ sạt lở, vùi lấp nhà cửa và ruộng đồng. Họ đang phải tá túc trong những căn lều bạt tạm bợ. Nhưng họ chỉ tá túc ban đêm còn ban ngày vẫn về nhà để nấu ăn và chăm sóc lợn, gà.

Được biết, xã Trung Đồng đã tập trung mọi nguồn lực, vận động người dân và tiến hành đền bù để lấy đất ở bản Hua Cưởm 3, bố trí nơi ở mới cho các hộ dân nói trên. Ông Tòng Văn Muôn, Chủ tịch xã Trung Đồng (Tân Uyên) cho biết: “Trung Đồng là một xã nội địa, giáp với thị trấn Tân Uyên, nhưng địa hình phức tạp, quỹ đất rất hạn chế nên việc tạo mặt bằng làm nơi ở mới cho bà con các bản Hua Cưởm là rất khó khăn. Tuy nhiên, xã đã tích cực vận động người dân chia sẻ hiến đất, đồng thời xã tiến hành thực hiện đền bù 1 gấp 3 khi thu hồi đất của người dân bản Hua Cưởm 3 để đẩy nhanh tiến độ làm nhà ở cho người dân, ổn định đời sống và an ninh trật tự trên địa bàn”.

Đến bản Sáng Tùng, huyện Sìn Hồ, nơi cách đây hơn 2 tháng xảy ra trận sạt núi cuốn đi tất cả nhà cửa, tài sản, hiện lên trước mắt chúng tôi là 28 ngôi nhà mới làm bằng khung sắt lợp tôn rất kiên cố, vững chắc.  Anh Giàng A Hánh, bản Sáng Tùng phấn khởi nói: “Chúng tôi không đi đâu. Chúng tôi quyết tâm xây dựng lại những gì đã mất trên chính mảnh đất này”.

Ông Sùng A Binh, Chủ tịch UBND xã Tả Ngảo, Sìn Hồ cho biết: “Cùng với tinh thần vượt khó của bà con dân bản, sự nỗ lực của cấp ủy chính quyền và các cơ quan chuyên môn, những sẻ chia của cộng đồng đã giúp Sáng Tùng hồi sinh. Bản mới được dựng lên, dân bản thoát khỏi cảnh sống tạm bợ của lán trại mưa dột, cuộc sống của bà con đã được ổn định”.

Chia tay sẻ những mất mát, đau thương với bà con, chúng tôi luôn vững tin bằng nghị lực phi thường, sự yêu thương đùm bọc của cộng đồng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, đời sống của người dân nơi lũ dữ sẽ dần ổn định, sức sống vùng khó khăn vẫn vươn lên mạnh mẽ. /.

Tình quân dân nơi rốn lũ Lai Châu

VOV.VN- Các bản làng vùng cao huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu tan hoang sau mưa lũ. Lực lượng vũ trang luôn cùng người dân khắc phục phục thiệt hại.

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Lũ quét ập xuống bất ngờ, người dân ở Lai Châu chạy tán loạn
Lũ quét ập xuống bất ngờ, người dân ở Lai Châu chạy tán loạn

VOV.VN - Khoảng 17h ngày 2/9, tại km 22+650 quốc lộ 12, thị trấn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, gây ách tắc giao thông tạm thời. 

Lũ quét ập xuống bất ngờ, người dân ở Lai Châu chạy tán loạn

Lũ quét ập xuống bất ngờ, người dân ở Lai Châu chạy tán loạn

VOV.VN - Khoảng 17h ngày 2/9, tại km 22+650 quốc lộ 12, thị trấn Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, gây ách tắc giao thông tạm thời. 

Xót xa cảnh học sinh ở Lai Châu khai giảng tạm bợ bên bờ suối
Xót xa cảnh học sinh ở Lai Châu khai giảng tạm bợ bên bờ suối

VOV.VN - Học sinh một số nơi của tỉnh Lai Châu không được ngồi khai giảng trong một ngôi trường rộng rãi, khang trang, mà khai giảng ngay cạnh bên dòng suối.

Xót xa cảnh học sinh ở Lai Châu khai giảng tạm bợ bên bờ suối

Xót xa cảnh học sinh ở Lai Châu khai giảng tạm bợ bên bờ suối

VOV.VN - Học sinh một số nơi của tỉnh Lai Châu không được ngồi khai giảng trong một ngôi trường rộng rãi, khang trang, mà khai giảng ngay cạnh bên dòng suối.