Phát hiện các ca học sinh mắc COVID-19, nhiều địa phương thay đổi kế hoạch đến trường
VOV.VN - Sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó có cả giáo viên và học sinh, một số địa phương đã thông báo khẩn tạm dừng việc dạy học trực tiếp và chuyển qua học trực tuyến.
Đến thời điểm này, hàng loạt địa phương như: Hà Giang, Bắc Giang, Nam Định, Thái Nguyên…vốn đang tổ chức dạy học trực tiếp đã chuyển sang dạy học trực tuyến, hoặc cho học sinh tạm dừng đến trường sau khi phát hiện các ca mắc COVID-19 trong cộng đồng, trong đó, có cả học sinh và giáo viên.
Tại tỉnh Phú Thọ, tính đến ngày 2/11, đã có 246 học sinh và giáo viên mắc COVID-19, hơn 50 cơ sở giáo dục tại thành phố Việt Trì, huyện Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Sơn, thị xã Phú Thọ phải tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến.
“Trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trên địa bàn huyện, hiện nay, có 23 trên 78 trường học sinh tạm dừng đến trường. Các trường còn lại đang dạy trực tiếp. Đối với tiểu học và trung học cơ sở, có 14 trường đang triển khai việc dạy học tuyến đối với học sinh. Đối với trẻ mầm non thì không dạy trực tuyến mà duy trì các hoạt động kết nối với gia đình đối với trẻ em bằng các kênh công nghệ thông tin phù hợp như Zalo, Youtube để hỗ trợ hướng dẫn phụ huynh để hướng dẫn cho trẻ hoạt động vui chơi tại nhà”, ông Phan Xuân Huy, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ cho biết.
Tại tỉnh Bắc Giang, sau khi toàn bộ học sinh của huyện Việt Yên tạm dừng đến trường và chuyển sang học trực tuyến từ cuối tháng 10, đến ngày 3/11, huyện Yên Thế cũng thông báo cho học sinh tạm dừng đến trường cho đến khi có thông báo mới. Trong thời gian học sinh tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung cấp nghề chuyển sang dạy học trực tuyến.
Ông Bạch Đăng Khoa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang cho biết, do đã xây dựng các phương án dạy học tương ứng với các cấp độ của dịch COVID-19 nên việc chuyển sang dạy và học trực tuyến tại 2 huyện Việt Yên và Yên Thế thuận lợi. Tuy vậy, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục sẵn sàng chuyển sang dạy trực tiếp khi dịch dần được kiểm soát:
“Chuẩn bị các điều kiện tiếp theo, Sở Giáo dục-Đào tạo chỉ đạo là tạm thời trong khoảng thời gian ban đầu, các nhà trường chuyển trạng thái, tuy nhiên, căn cứ vào tình hình cụ thể để có thể thiết lập lại sau 1-2 tuần chuyển trạng thái trực tiếp sang trực tuyến này. Tinh thần là mỗi một khối lớp có một phòng học có thể thực hiện được dạy trực tuyến gắn với trực tiếp, nên khi đại đa số học sinh được học trực tiếp thì lập tức tỉnh Bắc Giang sẽ cho chuyển trạng thái là các em chuyển sang học trực tiếp”, ông Bạch Đăng Khoa cho hay.
Còn tại tỉnh Hà Giang, trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, học viên giáo dục thường xuyên và giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh nghỉ học từ ngày 1/11 để phòng, chống dịch COVID-19. Riêng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học phổ thông tỉnh Hà Giang và Trường Cao đẳng Kỹ thuật - Công nghệ 100% học sinh nghỉ học ở tại trường, từ ngày 1/11 đến hết ngày 13/11. Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang cho biết, các cơ sở giáo dục chưa triển khai dạy học trực tuyến, bởi tiến độ dạy và học của Hà Giang đang nhanh hơn 2 tuần so với khung thời gian năm học mà Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
“Đến thời điểm này, việc nghỉ học hai tuần theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định cũng không ảnh hưởng đến tiến độ chương trình khung chung về kế hoạch dạy học ở tất cả các cấp học trên bàn tỉnh theo quy định chung của Bộ. Hiện nay, quỹ thời gian chung theo lộ trình chung của toàn quốc, Hà Giang đang còn dư khoảng hơn một tháng, nên nếu phải nghỉ dịch thêm một tháng nữa thì Hà Giang mới bắt đầu tiếp cận vào những khung thời gian đúng theo tiến độ chung của Bộ quy định đối với tất cả các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh”, ông Nguyễn Thế Bình thông tin.
Cùng với việc cho học sinh các vùng có dịch tạm dừng đến trường, chuyển sang dạy và học trực tuyến, các địa phương cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục đang dạy học trực tiếp triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời, tận dụng thời gian học trực tiếp để tăng cường thêm kiến thức cho học sinh, tổ chức dạy học thêm vào buổi chiều (đối với các khối lớp chỉ học 1 buổi), để giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, chuẩn bị cho kỳ thi cuối học kỳ I sắp tới. Hiện các địa phương đang tổ chức khảo sát ý kiến cha mẹ học sinh về việc tiêm vaccine phòng COVID-19, triển khai tiêm vaccine cho học sinh bậc trung học phổ thông và chuẩn bị các điều kiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế để mở cửa trường học ở từng xã, phường tương ứng với các cấp độ kiểm soát dịch bệnh./.