Phát hiện cơ sở "hô biến" kẹo không rõ nguồn gốc thành kẹo xuất xứ Nhật Bản
VOV.VN - Chiều qua (16/5), Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố Hà Nội kiểm tra, phát hiện và thu giữ hàng trăm thùng kẹo không hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ đang được sang bao, đóng gói, ghi nhãn xuất xứ Nhật Bản.
Thực hiện cao điểm kế hoạch tổng kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trên địa bàn toàn thành phố Hà Nội, Đội QLTT số 24, Cục QLTT thành phố Hà Nội phối hợp với Đội 4 – Phòng cảnh sát môi trường - Công an thành phố Hà Nội đột kích cơ sở sang bao, đóng gói hàng hóa do ông Tạ Tương Quân làm chủ, ở địa chỉ số 178, đường Nam Ngãi Cầu, thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội.
Tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra, trong khu xưởng, hơn chục công nhân đang trực tiếp đóng gói những túi kẹo thành phẩm giả mạo nguồn gốc xuất xứ. Vì đã quá quen với công việc hàng ngày nên mọi thao tác diễn ra thuần thục. Chỉ sau vài phút, những gói kẹo được gắn mác sản xuất tại Nhật Bản đã được ra lò.
Tiếp tục kiểm tra kho hàng tại địa chỉ Ngõ 1057, đường 72, thuộc thôn Ngãi Cầu, xã An Khánh, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội, Đoàn kiểm tra phát hiện hơn 40 thùng kẹo dẻo Chip Tom and Jerry được đựng trong túi nilon. Mặc dù nhãn mác ghi sản xuất tại Nhà máy Tân Hùng Thái, địa chỉ: Cụm công nghiệp An Phát, Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội nhưng đang được cơ sở này sang bao, đóng gói thành hàng hoá có ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài mang nhãn hiệu Adorable.
Ông Đặng Ngọc Huân, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 24, Cục QLTT thành phố Hà Nội cho biết ngoài số hàng hóa này, đoàn kiểm tra còn thu giữ nhiều phương tiện phục vụ sang bao, đóng gói sản phẩm như: máy dán miệng túi, máy dập date, hàng nghìn thùng caton cùng hàng chục ngàn vỏ túi nilon in hình, chữ thể hiện là kẹo mềm nhân trái cây 8 vị Nhật Bản.
Theo ông Đặng Ngọc Huân đây là một hành vi sản xuất thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp sức khoẻ con người. Số lượng hàng hoá thì tương đối lớn, chưa có số liệu chính thức vì cơ quan chức năng còn đang kiểm đếm.
Làm việc với Đoàn kiểm tra, ông Tạ Tương Quân không xuất trình được giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh; hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa; hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Ông Quân khai nhận đã mua trôi nổi số hàng hóa này, sau đó thuê người bóc vỏ và đóng gói vào các túi nilon mua sẵn theo đúng trọng lượng rồi mang ra thị trường tiêu thụ để kiếm lời.
Theo điều tra của cơ quan công an, để thay đổi nhãn mác cho bánh kẹo nguồn gốc từ Trung Quốc, chủ hàng đã nhập nhiều máy móc, thuê 2 nhà xưởng cùng nằm trên địa bàn xã An Khánh, huyện Hoài Đức. Để tránh bị phát hiện, cả 2 nhà xưởng này suốt ngày cửa đóng then cài. Những công nhân trực tiếp làm việc hầu như cũng chỉ là người thân trong gia đình.
Trung tá Nguyễn Thành Trung, Phó Đội trưởng Đội 4, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về Môi trường, Công an thành phố Hà Nội cho biết qua khai nhận của chủ cơ sở, bánh kẹo thành phẩm chủ yếu được tiêu thụ tại một số đại lý trên địa bàn Khu công nghiệp Chùa Tổng, ở xã La Phù, huyện Hoài Đức.
"Theo tài liệu ban đầu đối tượng khai nhận, hàng hoá sau khi sản xuất xong thì gửi xe khách, xe tuyến đi các tỉnh và một số đại lý trên địa bàn Hà Nội trong đó có địa bàn La Phù" - Trung tá Nguyễn Thành Trung nói.
Mặc dù sản xuất bánh kẹo nhưng tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được bất cứ giấy tờ nào liên quan để chứng minh cơ sở sản xuất đủ điều kiện an toàn thực phẩm. Ngoài số bánh kẹo có dấu hiệu là hàng giả, cơ quan chức năng còn thu giữ hàng tấn bánh kẹo nhập lậu có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc không đủ điều kiện lưu hành trên thị trường đang được tập kết tại 2 khu xưởng này. Cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật./.