Phát hiện thêm 3 ổ dịch cúm A/H5N1 tại Đắk Lắk
VOV.VN - Như vậy, hơn 1 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát sinh 8 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 huyện và thành phố.
Tại tỉnh Đắk Lắk, dịch cúm gia cầm đang có những diễn biến đáng lo ngại khi trong 2 ngày qua đã phát sinh thêm 3 ổ dịch mới, tại các huyện: Ea Súp, Buôn Đôn và Chư Quynh.
3 ổ dịch mới được phát hiện tại thôn 10, xã Ea Lê, huyện Ea Súp; buôn Đung A xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn và thôn 7, xã Ea Bhôk, huyện Chư Kuin, với tổng số gần 5.000 con gà và vịt bị nhiễm bệnh. Kết quả xét nghiệm, các mẫu bệnh phẩm đều dương tính với virus cúm A/H5N1. Cơ quan chức năng đã tiêu hủy toàn bộ 3 đàn gia cầm này để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.
(ảnh minh hoạ: KT) |
Như vậy, chỉ trong hơn 1 tháng qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phát sinh 8 ổ dịch cúm gia cầm tại 5 huyện và thành phố Buôn Ma Thuột; hơn 10.500 gia cầm, gồm gà, vịt, ngan và chim bồ câu đã bị tiêu hủy.
Trước tình hình dịch cúm lan rộng và diễn biến phức tạp, UBND tỉnh Đắk Lắk đã chỉ đạo các ngành chức năng quyết liệt triển khai công tác phòng, chống, trong đó đặc biệt chú trọng công tác kiểm dịch và xử lý nghiêm các vi phạm.
Tỉnh cũng đã cấp xuất gần 500.000 liều vaccine phòng dịch cho gia cầm, cung ứng đủ dùng lượng thuốc phun khử trùng quanh khu vực chăn nuôi. Ông Nguyễn Khắc Chuyên, Chi cục trưởng Chi cục thúy tỉnh Đắk Lắk, cho biết: “Tất cả hệ thống chính quyền đều thực hiện về công tác phòng chống dịch. 100% tất cả các huyện đều chỉ đạo cho các xã thống kê lại đàn gia cầm trên địa bàn của mình và tiến hành cái cam kết 100 con vịt và 500 con gà trở lên phải được cam kết. Những nơi có ổ dịch, chúng tôi tổng tiêu độc ở ngay thôn đó bằng liều lượng hóa chất. Cùng với việc đó là phối hợp với y tế triển khai giám sát những người tiếp xúc với ổ dịch...
** Trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm ở một số địa phương trong cả nước, Bình Thuận đang tích cực, chủ động theo dõi và triển khai nhiều biện pháp để phòng, chống dịch, đảm bảo không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Mặc dù tại Bình Thuận chưa xảy ra dịch cúm gia cầm, tuy nhiên, các kết quả giám sát tại các chợ trọng điểm trên địa bàn tỉnh cho thấy, trong một số thời điểm vẫn có sự lưu hành của virus cúm A/H5N1.
Bên cạnh đó, tình trạng kinh doanh, vận chuyển, buôn bán gia cầm sống trong toàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng sau thời điểm Tết nguyên đán. Một bộ phận người dân vẫn thờ ơ, không cảnh giác với dịch cúm gia cầm.
Sau Tết Nguyên đán là thời điểm người chăn nuôi thực hiện việc tái đàn. Tại các địa phương có số lượng đàn vịt thả đồng nhiều, đội ngũ cán bộ thú y cơ sở đang tăng cường khuyến cáo người chăn nuôi tự tổ chức tiêm phòng vaccine cho gia cầm, tích cực thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng, đồng thời vận động người dân không tiếp tục chăn nuôi gia cầm nhỏ lẻ, không đảm bảo điều kiện vệ sinh an toàn sinh học./.